Bây giờ, nhà nước và các doanh nghiệp đang tìm cách đưa việc bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân lên một tầm cao mới.
Vào cuối tháng 2, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành Hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đối với các doanh nghiệp và cơ quan đang bắt đầu hoạt động trở lại sau thời gian tạm “đóng băng” do dịch Covid-19. Theo văn kiện này, nên tạm thời đình chỉ việc sử dụng các phương pháp giám sát chấm công bằng thiết bị quét vân tay, và để ghi lại những thông tin về nhân viên ra vào công ty cần phải sử dụng những phương pháp khác.
“Hiện nay, công nghệ nhận dạng vân tay bị đình chỉ, vì thế các doanh nghiệp lớn và nhỏ, bệnh viện, khuôn viên, sân bay, nhà ga, sân vận động, công viên và những nơi đông đúc khác bắt đầu sử dụng rộng rãi công nghệ nhận dạng khuôn mặt”, - ông Huang Lei cho biết.
Bản báo cáo “Về hệ thống nhận diện khuôn mặt và y tế cộng đồng” được công bố gần đây viết rằng, các công nghệ nhận diện khuôn mặt là một ngành công nghiệp và ứng dụng quan trọng đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo an ninh nhà nước và an ninh xã hội, nhưng đồng thời cũng mang đến những nguy hiểm liên quan đến vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật. Ví dụ, vào tháng 2 năm ngoái, công ty nhận dạng khuôn mặt Deep Web Vision đã phải đối mặt với vụ rò rỉ dữ liệu quy mô lớn chứa hơn 2,56 triệu thông tin cá nhân và khoảng 6,68 triệu hồ sơ.
Ông Huang Lei lưu ý đến các vấn đề chính liên quan đến công nghệ nhận dạng khuôn mặt khi cần phải bảo đảm tính bảo mật của thông tin: 1) thay thế dữ liệu 2) mức độ nhận dạng khuôn mặt không đạt 100% 3) tính bảo mật khi lưu trữ dữ liệu Face-ID.
“Trước hết phải nói rằng, hiện có những công nghệ cho phép đánh lừa các hệ thống bằng cách thay thế người thật bằng mô hình 3D. Thứ hai, vì ngay cả một hệ thống nhận dạng khuôn mặt tốt nhất chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ trung bình 99,5%, không thể loại trừ hoàn toàn những lỗi nhận dạng. Thứ ba, nếu các biện pháp bảo mật nhận diện khuôn mặt của công ty không đủ mạnh, có thể xảy ra rò rỉ dữ liệu".
Ông Huang Lei nhấn mạnh rằng, có chú ý đến các mối đe dọa nêu trên, một số biện pháp phòng ngừa nhất định đã được thực hiện trong các công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Ví dụ, có thể nâng cao hiệu quả, tính xác thực của công nghệ bằng cách bổ sung thêm phương pháp: đọc cử chỉ, đọc chuyển động môi, nhận diện giọng nói, v.v. Tức là, toàn bộ quá trình nhận dạng trở thành phức tạp hơn.
Ông Huang Lei cho biết rằng, một số cơ quan chính phủ và công ty luật đóng vai trò hàng đầu trong việc soạn thảo các văn kiện pháp lý có liên quan không chỉ đến quá trình nhận dạng, mà còn đến việc chuẩn hóa việc lưu trữ và mã hóa các mẫu nhận dạng khuôn mặt.
“Cần phải lập danh sách, trong đó chỉ ra trình độ của các đơn vị có thể thu thập thông tin về các cá nhân - liệu có cần sự cho phép của cơ quan an ninh công cộng hay không. Đồng thời cần phải tạo một kênh lưu trữ và liên lạc để mã hóa hình ảnh khuôn mặt. Và tất nhiên, cần phải chú ý đến quyền truy cập vào thông tin. Điều quan trọng là phải có quy định pháp lý những đơn vị và cá nhân nào có thể sử dụng dữ liệu này”.
Báo cáo về hệ thống nhận diện khuôn mặt và y tế cộng đồng ghi nhận rằng, việc sử dụng công nghệ này, ngược lại, sẽ bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, cũng như bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật.