Hôm nay 21/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (gọi tắt là S&P) đã thông báo khẳng định duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, tức triển vọng ổn định nhờ những thành công đáng khích lệ trong công tác chống Covid-19.
Ngày 22/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 thông báo không phát hiện ca nhiễm coronavirus mới. Hôm nay ngành y tế đã công bố khỏi bệnh cho một bệnh nhân, nâng số ca khỏi tại Việt Nam lên 267 ca. Cũng trong chiều nay, bệnh nhân số 91 - nam phi công người Anh đã được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh sang BV Chợ Rẫy để điều trị nội khoa.
Việt Nam 0 ca mắc Covid-19 mới, phi công người Anh được chuyển sang Chợ Rẫy
Ngày hôm nay 22/5, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới nào. Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 22/5, Việt Nam có tổng cộng 36 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến nay, có tổng cộng 184 ca nhiễm được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Sáng nay cũng là ngày thứ 4 Việt Nam không ghi nhận thêm ca bệnh nhập cảnh, kể từ 4 ca bệnh trờ về từ Nga và Mỹ được công bố chiều ngày 18/5.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe là 14.744 ca, trong đó có 266 ca cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.752 ca cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú và 7.726 ca cách ly tại các cơ sở khác.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, hôm nay 21/5 Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh đã công bố khỏi bệnh cho 1 bệnh nhân. Đó là bệnh nhân số 149 (nam, 40 tuổi, quốc tịch Việt Nam), là bệnh nhân được công bố tái dương tính sau khi đã khỏi bệnh lần 1 vào ngày 16/4.
Bệnh nhân được đưa đi cách ly và theo dõi tại bệnh viện. Ngày 21/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân sau đó được xét nghiệm và các kết quả xét nghiệm từ ngày 28/4 đến 4/5 đều âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Như vậy, đến giờ phút này Việt Nam đã công bố khỏi bệnh cho 267/324 bệnh nhân, chiếm 82% tổng số ca bệnh Covid-19 trên cả nước. Có 57 bệnh nhân còn đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 25 ca, Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu điều trị cho 17 ca; Bệnh viện đa khoa Thái Bình - 6 ca…
Trong số các bệnh nhân đang được điều trị, có 6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 3 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus corona.
Tiểu Ban điều trị cũng thông tin, 17h chiều nay, nam bệnh nhân phi công người Anh - bệnh nhân 91 đã được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh sang BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, xử lý bệnh nền, kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân nam phi công được xem là trường hợp nặng nhất hiện nay. Hôm qua, phổi của bệnh nhân đã cải thiện hơn, bác sĩ đang giảm dần các thông số ECMO để cho bệnh nhân tập dần tự thở bằng phổi. Bệnh nhân đã âm tính liên tục với SARS-CoV-2 qua 6 lần xét nghiệm trong hơn 10 ngày qua.
Bệnh nhân này đã được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh điều trị trong 2 tháng 4. Ngay từ khi nhập viện bệnh nhân liên tục tiến triển nặng, nhiều âm tính rồi lại dương tính trở lại.
Theo giới chuyên gia, bệnh nhân có yếu tố béo phì với chiều cao 1,83m, nặng 100kg. Cơ thể bệnh nhân phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2, gây ra “cơn bão cytokine” tấn công cả tế bào lành. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng nhưng lại kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước. Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị.
Sau khi hội chẩn, các chuyên gia thống nhất chỉ định ghép phổi cho bệnh nhân. Ưu tiên số 1 là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não để tiến hành quy trình ghép phổi cho bệnh nhân.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban Điều trị - PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay, bệnh nhân 91 không có thân nhân đến nhận hay thăm nom. Mặc dù vậy, bệnh nhân đã được sự chăm sóc rất tích cực của các y bác sĩ Việt Nam. Ngoài ra, chỉ trong 1 tuần qua đã có 59 người đăng ký hiến phổi cho nam phi công, trường hợp ít tuổi nhất là nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi (76 tuổi). Tất cả đã nói lên tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam.
“Chúng tôi tri ân, cảm ơn tấm lòng của những người mong muốn hiến tạng, nhưng bệnh nhân này cần trọn lá phổi chứ không thể sử dụng một phần phổi, vì thế, nguồn phổi hiến từ người chết não là ưu tiên hàng đầu. Với bệnh nhân này cần ghép toàn bộ lá phổi (2 bên phổi) nên nguồn phổi hiến cần lấy từ người chết não có chỉ số phù hợp”, - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Ngoài ra, một phương án khác cũng được tính đến, đó là chuyển bệnh nhân về Anh vì hiện bệnh nhân đã khỏi Covid-19.
“Tuy nhiên, về vấn đề này, chúng tôi đang phải xem xét, cân nhắc. Mặt khác, hiện bệnh nhân còn hôn mê và phải chạy ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo) nên phải chờ bệnh nhân tỉnh, hồi phục, chúng tôi mới đưa ra phương án phù hợp”, - PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.
Kết quả xét nghiệm 4 người vụ bán hàng rong trong khu cách ly Covid-19
Chiều 22/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết, kết quả xét nghiệm của cả 4 người liên quan trong vụ người bán hàng rong lén bán hàng cho bệnh nhân Covid-19 đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Cả 4 người này vẫn sẽ được cách ly và làm các xét nghiệm tiếp theo theo đúng quy trình.
Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở y tế tỉnh Bạc Liêu, Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho hay, Ban chỉ đạo nhận định gần như không có khả năng lây lang trong cộng đồng sau vụ người bán hàng rong. Do vậy, sẽ không cách ly khu dân cư Xóm Huế và học sinh Trường tiểu học Kim Đồng cũng không phải nghỉ học.
Trong những ngày qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu đã làm việc với các đơn vị liên quan vụ người bán hàng rong tự ý tiếp xúc, bán hàng cho bệnh nhân 275. Tất cả các đơn vị đều rút kinh nghiệm sâu sắc sau vụ việc. Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu đã lập các hàng rào phía sau khu vực cách ly để chắc chắn không ai lọt vào trái phép khu vực này.
Trước đó, ngày 19/5, một bức ảnh chụp lại cảnh ông V. bán hàng rong tiếp xúc với Bệnh nhân Covid-19 số 275 được gửi đến Ban giám đốc Bệnh viện Bạc Liêu. Ngay lập tức vụ việc được báo cho cơ quan công an và truy ra toàn bộ sự việc.
Theo đó, chiều 16/5, ông V. (ngụ Xóm Huế, thuộc phường 3, TP. Bạc Liêu) đã tự ý tiếp xúc gần, bán trà đá đường và thuốc lá cho bệnh nhân số 275 đang điều trị Covid-19. Ông V. sau đó có tiếp xúc với một số người khác.
Cơ quan chức năng xác định ông V. có tiếp xúc gần, nhiều với 3 người là vợ, con gái và một người bạn hàng xóm.
Đêm 19/5, 4 người gồm ông V., vợ ông V., con gái học tiểu học của ông V. và ông H, hàng xóm ông V. bị cách ly tập trung.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lần thứ nhất của cả 4 người này đều âm tính với virus SARS-CoV-2.
11 lưu học sinh và một trẻ em Việt Nam ở Saint Petersburg nhiễm coronavirus
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay, tính đến sáng ngày 22/, tại thành phố Saint Petersburg (Nga) đã có 11 lưu học sinh và một trẻ em Việt Nam nhiễm coronavirus. Trong số này có 6 lưu học sinh Trường Quân y đã được điều trị khỏi.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của cộng đồng người Việt Nam ở thành phố Saint Petersburg cho hay, chiều 21/5, Trường Bách khoa Saint Petersburg có thêm hai sinh viên đang sống tại khu ký túc xá của trường ở địa chỉ Grazdansky Prospekt 30 phải chuyển đến khu vực cách ly.
Đồng thời, theo Ban Chỉ đạo phòng chống chống dịch Covid-19 của cộng đồng người Việt Nam ở thành phố Saint Petersburg, đã có 5 lưu học sinh Việt Nam đang được cách ly tại đại chỉ phố Khlopina 11 và 2 lưu học sinh Việt Nam mắc Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện. Hiện tất cả các lưu học sinh này có sức khỏe ổn định.
Trước đó, từ Trường Lâm Nghiệp Saint Petersburg cũng có ba lưu học sinh và một trẻ em người Việt Nam được xác nhận nhiễm coronavirus và được điều trị tại bệnh viện.
Tại khu ký túc xá số 5 của trường ở địa chỉ phố Novorossiyskaia 36, các lưu học sinh đã được xét nghiệm kiểm tra coronavirus nhưng chưa có kết quả.
Ban Chỉ đạo cũng cho hay, trước tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, sinh viên Việt Nam tại một số trường như Lâm nghiệp, Bách khoa, Mỏ, Trường Điện (LETI) đã thành lập ban chống dịch Covid-19 nhằm nâng cao hơn nữa công tác phòng chống dịch và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đời sống sinh hoạt của sinh viên và cộng đồng lưu học sinh thành phố.
Chống Covid-19 thành công: S&P giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam
Ngày 21/5, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) thông báo tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB – triển vọng ổn định.
Bộ Tài chính Việt Nam cho rằng, việc S&P xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức BB phản ánh đánh giá của cơ quan này về tiềm năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam sau thời gian giảm tốc độ tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020.
S&P nhận định, Việt Nam có thành tựu tăng trưởng vững chắc trong những năm qua và điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì định mức tín nhiệm quốc gia. Tổ chức này cũng đã cân nhắc tới thách thức tiềm tàng đối với lĩnh vực tài khóa và ngân hàng trong trường hợp suy giảm kinh tế toàn cầu tiếp tục kéo dài do khủng hoảng Covid-19.
Trên thực tế, triển vọng tín nhiệm của Việt Nam được duy trì ở mức ổn định thể hiện nhận định nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng và cân bằng khi đại dịch toàn cầu được kiểm soát, với khu vực xuất khẩu và tổng cầu nội địa là động lực tăng trưởng chính giúp dự báo tăng trưởng của Việt Nam cao hơn hẳn mức bình quân của các quốc gia đồng hạng tín nhiệm.
“Trong kịch bản đại dịch trên toàn cầu được cơ bản kiểm soát vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, S&P dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 và từ năm 2022 sẽ tiến gần tốc độ phát triển Việt Nam đã xác lập trong dài hạn từ 6,0% - 7,0%”, Bộ Tài chính cho hay.
Đồng thời, trong quá trình Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan làm việc với S&P để đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia hồi cuối tháng 4, phía Việt Nam đã trao đổi và đưa ra những minh chứng thuyết phục về khả năng thích ứng của nền kinh tế được thể hiện rõ nét trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức như hiện nay.
Ngoài thành công trong việc phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19 trong nước, Việt Nam đã tích cực có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với các quốc gia, tổ chức quốc tế và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Kết quả này thể hiện sự gắn kết sâu sắc giữa người dân và Chính phủ, góp phần bồi đắp nền tảng thuận lợi cho nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau khi dịch được kiểm soát và khẳng định vị thế đối ngoại vững vàng của Việt Nam.
Có thể nói thành tựu Việt Nam giữ được là điều rất đáng khích lệ, bởi trên toàn thế giới, tính từ đầu tháng 4 đến nay, S&P đã điều chỉnh hạ tín nhiệm tiêu cực đối với 32 quốc gia, trong đó có 10 nước bị hạ bậc và 22 quốc gia bị hạ triển vọng.
Bộ Tài chính khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát tốt nhưng còn diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu, việc S&P xác nhận giữ nguyên định mức và triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện niềm tin của tổ chức này vào khuôn khổ thể chế của Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy thành tựu phát triển trong trung, dài hạn, góp phần nâng cao mức thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin cho S&P về tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam đứng đầu danh sách uy tín phản ánh về Covid-19
Mới đây, Forbes dẫn kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu quốc tế YouGov đã xếp Việt Nam đứng đầu danh sách uy tín truyền thông trên thế giới trong hoạt động đưa tin phản ánh công tác ứng phó với đại dịch Covid-19.
Hôm 20 tháng 5, Forbes đăng bài viết phản ánh việc truyền thông Việt Nam đứng số 1 thế giới về độ tín nhiệm trên bảng xếp hạng toàn cầu liên quan đến đại dịch Covid-19.
Theo khảo sát mà tổ chức YouGov (có trụ sở ở London, Anh) tổng hợp cho thấy niềm tin của người dân vào những gì mà truyền thông Việt Nam phản ánh về dịch SARS-CoV-2 là cao nhất trong tất cả các nước được khảo sát (89%).
“Mặc dù có đường biên rộng lớn với Trung Quốc nhưng Việt Nam đã cố gắng xoay sở để chặn đứng dịch bệnh Covid-19 từ sớm. Các chuyên gia khen ngợi chiến lược của Việt Nam khi chỉ có 324 ca nhiễm Covid-19 và không có ca tử vong tính đến ngày 20/5. YouGov nhận thấy có tới 90% người Việt Nam được hỏi tin tưởng về tin tức Covid-19 do truyền thông nước nhà đưa tin”, Forbes nhận định.
Đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng là Ấn Độ với 67% độ tín nhiệm. Các nước theo sau lần lượt là Trung Quốc (62%), Úc (55%), Đức (54%), Tây Ban Nha (50%), Mỹ (42%) Italya (38%), Mỹ (31%) và Pháp (26%).