Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, hiện đang trực tiếp kiểm soát nhập cảnh tại 117 cửa khẩu biên giới, đất liền và 37 cửa khẩu cảng do Bộ Quốc phòng quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu vực biên giới nhạy cảm, xây dựng hình ảnh đẹp của Việt Nam trong bạn bè quốc tế.
Đại biểu Quốc hội tranh luận về Luật Biên phòng Việt Nam
Sáng 19/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phụ trách quốc phòng- an ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Tờ trình về Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam gồm 7 chương, 34 điều được xây dựng nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, dự thảo Luật Biên phòng tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của Bộ đội Biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thảo luận ở hội trường Quốc hội ngày 19/6, đại đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhưng nhấn mạnh cần làm rõ một số vấn đề cụ thể trong luật, tránh chồng chéo nhiều nội dung, văn bản.
Vì sao Việt Nam cần có Luật Biên phòng?
Phát biểu về sự cần thiết phải ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho biết, sau 20 năm thi hành, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế.
Theo vị ĐBQH, để nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới cần ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phù hợp với thức tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế; xác định rõ trách nhiệm, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia.
“Quy định tại Điều 5 về Nhiệm vụ biên phòng đã bám sát, cụ thể hóa một bước, có tính nguyên tắc của Luật Biên giới quốc gia và không chồng chéo mâu thuẫn”, đại biểu Thanh Tùng nêu rõ.
Cũng theo vị Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tại khoản 6 Điều 5 bổ sung thêm cụm từ “đáp ứng yêu cầu đặc thù” sau cụm từ “phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội” và viết lại thành “sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đáp ứng yêu cầu đặc thù trên biên giới”.
“Bổ sung này là để phân biệt sự quan trọng giữa các địa phương biên giới và địa phương khác”, ĐBQH Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, các đại biểu Nguyễn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh), Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang) cho rằng trong cần nêu bật vị trí của Bộ đội Biên phòng trong lực lượng vũ trang, bên cạnh đó cần làm rõ việc thực thi nhiệm vụ biên phòng ở những khu vực chưa có sự tham gia của Bộ đội Biên phòng như cảng hàng không...
Bên cạnh đó, cần rà soát thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan khác để có quy định thống nhất, làm rõ sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan.
“Dự thảo luật cũng cần tránh quy định lại những nội dung đã có trong các luật khác như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Hải quan, Luật Dân quân tự vệ, Luật Cảnh sát biển…”, các ĐBQH nhấn mạnh.
Tại nghị trường, nêu ý kiến về việc Dự thảo Luật quy định Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật, ông Võ Đình Tín (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, ông còn băn khoăn ở điểm này.
“Trong Hiến pháp, Luật Công an nhân dân hiện đang quy định Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự - an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do đó, việc giao nhiệm cho Bộ đội Biên phòng nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và chống vi phạm pháp luật là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành”, vị đại biểu đặt vấn đề.
Đồng tình với luận điểm mà đại biểu Võ Đình Tín nêu ra, nhiều đại biểu khác cho rằng chỉ nên quy định theo hướng Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ “phối hợp” với Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân là đặc biệt
Phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, ông Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng cho rằng, rất cần phải ban hành Luật Biên phòng Việt Nam.
Theo ông Quân, thực tiễn trong hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là một thành phần của Bộ Quốc phòng, lực lượng nòng cốt chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới đất liền, vùng biển đảo của Việt Nam.
“Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Bộ đội Biên phòng là một trong những lực lượng nòng cốt phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương ngăn chặn hiệu quả việc lây lan dịch bệnh qua biên giới”, vị đại biểu nói.
Ông lấy ví dụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã cắm trại liên tục nhiều tháng liền, vợ sinh, cha, mẹ mất cũng không được về, cưới hỏi phải hoãn nhiều lần.
“Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng các đồng chí đã giữ vững tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, ông Dương Tấn Quân khẳng định.
Nêu quan điểm góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, ĐBQH Dương Tấn Quân cho rằng nên bỏ đoạn “nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang, nhân dân là nòng cốt, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách” trong khoản 4, Điều 3 (quy định “Nhà nước có chính sách trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách”) vì không cần thiết và sẽ trùng với Điều 7 của Dự thảo Luật về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng đã được quy định rõ.
Tuy nhiên, quan điểm của ĐBQH Dương Tấn Quân đã bị đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Đoàn TP.HCM) phản đối. Theo ông Lộc, không nên đưa nội dung “nhân dân làm chủ thể” trong dự án luật ra khỏi dự án.
Theo lý giải của ông Nguyễn Phước Lộc, mục đích xây dựng dự án luật có nêu quan điểm chủ đạo xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bộ đội biên phòng làm chuyên trách.
“Căn cứ vào quan điểm này thì Ban soạn thảo sẽ thiết kế và cụ thể hóa trong rất nhiều điều khoản trong dự án luật. Tôi đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ quan điểm này trong các điều khoản của luật để thực thi nhiệm vụ quốc phòng ở biên giới. Bởi vì cùng với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân thì có một thế trận vô cùng đặc biệt quan trọng, đó là thế trận lòng dân”, ĐBQH Nguyễn Phước Lộc bày tỏ.
Vị đại biểu đoàn TP.HCM nhấn mạnh thêm, nhiệm vụ biên phòng ở biên giới quốc gia, khu vực biên giới quốc gia phải phát huy nguồn lực, có giá trị mạnh mẽ về hữu hình lẫn vô hình, là niềm tin của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Nhiệm vụ này phải được phát huy để xây dựng phên giậu trong lòng nhân dân chính là phên giậu bảo vệ Tổ quốc”, ông Lộc khẳng định.
Theo đại biểu Lộc, để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này, trong những năm qua, lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng biên phòng đã tổ chức nhiều chương trình và nhiều phong trào hành động rất cụ thể và đem lại hiệu quả, xây dựng niềm tin nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đối với lực lượng vũ trang, lượng biên phòng.
Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam có sự chồng chéo với công an, hải quan?
Trao đổi về một số điểm bị cho là “chồng chéo” giữa Dự thảo Luật Biên phòng với các Luật Hải quan, Luật Dân quân tự vệ, Luật Cảnh sát biển, ĐBQH Phùng Văn Hùng (Đoàn Cao Bằng) phân tích, dự thảo luật chưa xác định đúng vị trí, vai trò của lực lượng bộ đội biên phòng.
“Quy định tại Điều 3 và Điều 7 rằng bộ đội biên phòng chỉ là “lực lượng chuyên trách mà không phải là lực lượng nòng cốt”, ông Hùng lưu ý.
Theo vị ĐBQH đoàn Cao Bằng, khi nói đến thực thi nhiệm vụ biên phòng, lực lượng nòng cốt phải là bộ đội biên phòng, soi rọi vào 9 nhiệm vụ biên phòng được quy định tại Điều 5 của dự thảo luật và từ thực tiễn cho thấy lực lượng chủ chốt được giao nhiệm vụ thực hiện tất cả những nhiệm vụ đó chính là Bộ đội Biên phòng, đó là những công việc hằng ngày của lực lượng này.
Theo ông Hùng, thực hiện nhiệm vụ biên phòng còn có nhiều chủ thể khác nhau, nhưng bộ đội biên phòng phải là nòng cốt, phải là lực lượng chủ chốt.
Về Dự thảo Luật Biên phòng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề về sự chồng chéo nhiệm vụ của lực lượng biên phòng với lực lượng hải quan và công an.
“Việc quy định nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng là kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định pháp luật có sự chồng chéo với thẩm quyền của Hải quan, dễ gây hiểu là Bộ đội Biên phòng kiểm soát toàn bộ người, phương tiện, hàng hóa. Bởi vậy, nên quy định theo hướng cụ thể về đối tượng kiểm soát”, ông Phạm Văn Hòa lưu ý.
Theo vị ĐBQH, Luật Hải quan cho phép hải quan được kiểm tra phương tiện của khu vực hải quan quản lý. Nhiệm vụ của biên phòng được quyền kiểm tra phương tiện khi có dấu hiệu sai phạm và đại biểu cho rằng, dùng từ “khi có dấu hiệu sai phạm” nghe rất mơ hồ.
“Khi kiểm tra phương tiện A, phương tiện B qua biên giới, có dấu hiệu sai phạm, chở đồ lậu, anh dừng lại kiểm tra nhưng khi anh kiểm tra không có thì sao? Nhiệm vụ này của hải quan cũng kiểm tra, của biên phòng cũng kiểm tra. Tôi cho rằng, đây là chồng chéo. Tại sao chúng ta không phối hợp với nhau, bây giờ ai là chủ trì kiểm tra các phương tiện này? Ai làm nhiệm vụ phối hợp? Nếu đưa ra nhiệm vụ này dẫn đến tình trạng kiểm tra phương tiện qua lại biên giới là tùy tiện”, ĐBQH Phạm Văn Hòa phân tích.
Về lực lượng Công an, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, phạm vi và quyền hạn của Bộ đội Biên phòng ở khu vực biên giới rất rộng dẫn đến giải quyết các vấn đề có sự chồng chéo với công an. Vị ĐBQH lấy ví dụ ở Đồng Tháp, khi sự việc xảy ra về trật tự xã hội thì người dân lại báo công an xã, không báo biên phòng. Công an xã nói đây là nhiệm vụ của biên phòng vì giữ nhiệm vụ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội biên phòng, công an xã chỉ được phối hợp.
“Cho nên sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau giữa biên phòng và công an thời gian qua đã có vấn đề này. Công an xã quản lý hộ khẩu, nhân khẩu, con người ở tại khu vực biên giới nhưng không có thẩm quyền trực tiếp để quản lý về an ninh trật tự và an toàn xã hội khu vực biên giới”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt
Cũng tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 19/6, các đại biểu cũng đề nghị Ban Soạn thảo cần cân nhắc việc quy định nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng là tổ chức quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia và tổ chức thực thi pháp luật về biên giới quốc gia, vì còn nhiều lực lượng có liên quan khác có trách nhiệm thực hiện các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Biên phòng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng trong giai đoạn mới.
“Các nghị quyết và văn bản pháp luật hiện hành đều xác định Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì phối hợp với các lực lượng khác trong quản lý, bảo vệ, duy trì an ninh, trật tự tại biên giới, cửa khẩu quốc gia”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ.
Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, đây là vấn đề lớn được Bộ Quốc phòng cùng với các bộ, ngành trong ban soạn thảo nghiên cứu, xây dựng dự thảo luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đặc điểm tình hình biên giới Việt Nam, sự phát triển chung của thế giới và khu vực.
“Việc lấy tên Luật Biên phòng Việt Nam với phạm vi điều chỉnh như dự thảo nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng theo Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và thực hiện Nghị quyết số 78 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020”, đồng chí Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng, thực tiễn chứng minh, bộ đội biên phòng luôn chủ động, phối hợp với các lực lượng ở khu biên giới như công an, hải quan, kiểm ngư, cảng vụ. Đặc biệt, phối hợp với chính quyền địa phương, với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, duy trì thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về an ninh quốc gia, ma túy, mua bán người góp phần quan trọng, ổn định tình hình ở khu vực biên giới, vùng biển, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
“Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bộ đội biên phòng luôn tuân thủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và các lực lượng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, dự thảo luật quy định bộ đội biên phòng có chức năng duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới cửa khẩu là có cơ sở và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn”, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu rõ.
“Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma túy xuất nhập cảnh buôn lậu diễn biến phức tạp. Bộ đội biên phòng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc sử dụng phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới cửa khẩu”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết.
Theo vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng, việc kiểm tra hàng hóa do hải quan chủ trì, bộ đội biên phòng kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới cửa khẩu hoàn toàn phù hợp, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của hải quan
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Quốc hội có thể sẽ tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để góp ý vào nội dung Dự thảo Luật. Các cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Dự thảo để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.