Điều kiện địa lý khác nhau, nhưng lịch sử giống nhau
Đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã diễn ra từ đầu tháng Năm. Ban đầu, hai bên trao đổi bằng gậy gộc, gạch đá, và thứ Hai ngày 15 tháng 6, đã có tiếng súng. Nguyên do là những cáo buộc hai bên đưa ra vì vi phạm đường biên giới.
Trên thực tế, giữa hai quốc gia không có biên giới chính thức ở khu vực Ladakh này. Gần 3500 km chưa được đánh dấu, gọi là "đường kiểm soát thực tế", và có thể tưởng tượng được trong điều kiện mưa tuyết tầm nhìn kém, lính biên phòng Ấn Độ hoặc Trung Quốc vô tình đi qua đường này. Giống như ngư dân Việt Nam hoặc Trung Quốc băng qua ranh giới vô hình trên biển Đông.
Tình huống khó hiểu như vậy với đường biên giới ở châu Á là hậu quả của những quyết định thiếu suy nghĩ của thực dân châu Âu. Người Anh đã vẽ trên bản đồ (!) đường biên giới giữa thuộc địa Ấn Độ của họ và Trung Quốc, mà không cần hỏi ý kiến của người Trung Quốc hay Ấn Độ. Trước chiến tranh thế giới thứ hai, người Pháp gom các đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào Đông Dương thuộc Pháp, và sau đó trao nó cho người Nhật.
Ngày nay, tranh chấp lãnh thổ ở cả dãy Himalaya và biển Đông trở nên trầm trọng hơn ở nhiều khía cạnh do lập trường của Bắc Kinh, họ tin rằng với quyền lực kinh tế và quân sự của mình, họ không cần thỏa hiệp về vấn đề lãnh thổ với các nước láng giềng. Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra tuyên bố mới đây:
«Ấn Độ không nên đánh giá sai tình hình hiện tại và đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của mình».
Chưa hết, những gì nuôi dưỡng tranh chấp lãnh thổ giữa các nước châu Á, Trung Quốc, với các nước láng giềng, và điều gì ngăn cản họ đạt được thỏa hiệp — đó chính là tình cảm dân tộc. Cả báo chí Trung Quốc và Ấn Độ những ngày này đều vang lên những lời lẽ xúc phạm, phi ngoại giao về quốc gia hàng xóm. Ở Ấn Độ, phong trào tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đang được phát động. Những lời kêu gọi như vậy thường vang lên ở các quốc gia Đông Nam Á.
Trung Quốc có giúp Mỹ không?
Các chuyên gia phân tích về ảnh hưởng toàn cầu của các cuộc xung đột giữa Trung Quốc với các nước láng giềng kết luận tất cả những điều này đều có lợi cho Washington. Dù cho cuộc xâm lược của người Mỹ đối với Việt Nam tàn khốc và vô nhân đạo như thế nào, ngày nay Hà Nội đã sẵn sàng làm bạn với Washington, vì lo sợ sự bành trướng của Bắc Kinh. Ở Ấn Độ, nhiều người cũng nhớ lại trong những năm 1960 và 1970, Hoa Kỳ ủng hộ kẻ thù của Ấn Độ - Pakistan, nhưng ngày nay New Delhi vẫn duy trì mối quan hệ chính trị, quân sự với Hoa Kỳ ngang mức với các quốc gia châu Âu, thành viên NATO.
Giáo sư Madhav Nalapat từ Ấn Độ lưu ý:
"Cơ hội bùng phát xung đột trên biển hoặc trên không ở Đài Loan hoặc biển Đông trong năm nay rất cao. Và đừng ngạc nhiên nếu các máy bay không quân Ấn Độ hoặc các tàu hải quân Ấn Độ kết hợp với Hoa Kỳ và các lực lượng khác trong một cuộc đối đầu như vậy".
Một chuyên gia khác, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Gautam Bambawale, cho rằng kể từ khi quân đội Trung Quốc vi phạm biên giới, "Ấn Độ sẽ xem xét lại quan hệ với Trung Quốc dưới ánh sáng của điều kiện thực tế trên thực địa".
Các nhà ngoại giao Ấn Độ và Trung Quốc những ngày này nhiều lần tuyên bố các cuộc đàm phán đang được tiến hành, và tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị. Cựu nhân viên đại sứ quán Trung Quốc tại Delhi, Zhang Jiadong, thậm chí đã đưa ra một lời trấn an:
«Cho đến khi cả hai bên vẫn còn sự đồng thuận lẫn nhau không muốn biến điều này thành một cuộc chiến tranh thực sự, những cảm xúc cuối cùng sẽ biến mất và mọi thứ có thể được giải quyết như trước đây. Trung Quốc không quan tâm đến việc chiến tranh với Ấn Độ».
Chiến tranh ở châu Á, trước đây và bây giờ không phải là một hiện tượng khu vực, chắc chắn sẽ mang ý nghĩa toàn cầu. Thậm chí có thể là sự khởi đầu của chiến tranh thế giới thứ ba. Điều này nên được ghi nhớ ở Bắc Kinh, New Delhi và cả ở Washington.