Bầu cử tổng thống ở Mỹ
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được tổ chức vào ngày 3 tháng 11. Ứng viên đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden đang tranh cử tổng thống.
“Bất kể kết quả là gì, bầu cử sẽ không giải quyết các vấn đề cơ bản của xã hội, hệ thống chính trị và chính sách đối ngoại của Mỹ. Mỹ sẽ ra khỏi cuộc bầu cử này với tư cách là một quốc gia thậm chí còn bị chia rẽ hơn nữa, bất kể Trump hay Biden thắng cử. Đó chỉ là tổng thống của một phần nước Mỹ, trong trường hợp tốt nhất, là tổng thống của một nửa đất nước, chứ không phải của toàn bộ nước Mỹ. Sự phân cực sẽ tiếp diễn và thậm chí gia tăng hơn nữa”, - ông Dmitry Suslov nói.
Chiến dịch tranh cử đang diễn ra trong đại dịch và các cuộc biểu tình rầm rộ khiến cho sự chia rẽ xã hội Mỹ thêm trầm trọng, chuyên gia nhớ lại. Đây là các yếu tố nội bộ - chủng tộc, xã hội, văn hóa, giá trị, chính trị, sự chia rẽ giữa Trump và giới tinh hoa chính trị. Những chia rẽ này chồng chéo lên nhau và dẫn đến sự phân cực chưa từng có trong hệ thống chính trị và xã hội Mỹ nhiều thập kỷ qua, ông Dmitry Suslov lý giải.
Cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại xuất phát từ chỗ Mỹ không chịu chấp nhận chỉ đóng vai trò một trong những trung tâm của thế giới đa cực, chuyên gia Nga nói.
Theo ông, thêm vào đó là khủng hoảng kinh tế, mặc dù nguyên nhân là do đại dịch, nhưng đây là khủng hoảng có cấu trúc tự nhiên.
"Không có cuộc khủng hoảng nào trong số này sẽ được khắc phục sau bầu cử tổng thống, và trong mọi trường hợp, Mỹ sẽ ra khỏi cuộc bầu cử này như một quốc gia thậm chí còn bị chia rẽ hơn, bất kể kết quả bầu cử ra sao" - ông Suslov nói.
Theo ông, thật khó để nói về triển vọng kết quả bầu cử tổng thống. "Hồi đầu năm, cơ hội thắng cử và nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump có vẻ rất lớn" - ông Suslov nhớ lại. Tuy nhiên, cùng với các yếu tố khác, đại dịch đã đánh vào uy tín của Trump với tư cách là nhà lãnh đạo đất nước, và các cuộc biểu tình có phần phản đối Trump, ông Suslov nói.
Tuy nhiên, nếu Mỹ đột ngột nối lại tăng trưởng kinh tế, giảm thất nghiệp và dân chúng mệt mỏi chán ghét biểu tình, thì triển vọng bầu cử sẽ trở nên khó đoán, ông Suslov nói thêm.
Theo chuyên gia Nga, trong chính sách đối ngoại, sự duy trì phân cực nước Mỹ đồng nghĩa với việc chính sách đối ngoại sẽ tiếp tục là công cụ đấu tranh chính trị.
"Các lĩnh vực ưu tiên nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ là những lĩnh vực có sự đồng thuận chính trị trong nước, kể cả chính sách đối đầu với Nga và Trung Quốc. Không có điều kiện chính trị nội bộ để từ bỏ chính sách kép kiềm chế Nga và Trung Quốc", - ông Suslov bình luận