Đồng thời, lần đầu tiên, Việt Nam phát hiện trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19. Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế đã có công văn đặc biệt yêu cầu Sở Y tế Đà Nẵng xây dựng phương án chăm sóc, điều trị cho các thai phụ, hỗ trợ đỡ đẻ và trẻ sơ sinh (nếu có).
Xuất hiện thắc mắc trong dư luận rằng, trong bối cảnh dịch bệnh do coronavirus tại Việt Nam diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng nhanh, đặc biệt là có tới 6 ca mắc Covid-19 đã tử vong (cùng với nền bệnh lý phức tạp, cao tuổi, diễn tiến bệnh nhanh), liệu chủng coronavirus được phát hiện mới đây tại Việt Nam có mạnh lên hay biến đổi?
Hiện nay, theo Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương NIHE và Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long, Việt Nam hiện vẫn đang nghiên cứu về nguồn gốc và độc lực của chủng mới virus corona được phát hiện ở các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Đà Nẵng.
Việt Nam có thêm 21 ca mắc Covid-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam
Như thường lệ, bản tin lúc 18h của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông tin cho biết, chiều nay, Việt Nam có thêm 21 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm nCoV của cả nước lên thành 642 người.
Đáng chú ý, Bộ Y tế cho biết, trong số 21 ca mắc Covid-19 mới, có 15 người ở Đà Nẵng, 6 người ở Quảng Nam (nhưng có liên quan đến Đà Nẵng).
Các bệnh nhân mắc coronavius từ số 622 đến 627 là các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Quảng Nam. Bộ Y tế cho biết, các ca bệnh này đều có độ tuổi từ 38-83 và liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng.
Cụ thể, có ba người Quảng Nam nhiễm coronavirus sau khi thăm người bệnh tại Khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng. Một người là bệnh nhân từng điều trị tại khoa này. Một bệnh nhân từng tiếp xúc với ca bệnh số 524. Trường hợp nhiễm nCoV còn lại là người từng chăm sóc cho bệnh nhân số 524.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Quảng Nam huy động nguồn lực cơ sở vật chất tại các huyện để xây dựng các khu cách ly tập trung. Cố gắng cách ly F1 đủ 14 ngày và 2 lần xét nghiệm.
Về các ca bệnh từ số 628 đến 642 được ghi nhận tại Đà Nẵng, Bộ Y tế cho biết, độ tuổi của các bệnh nhân là từ 20-78.
Đáng lưu ý, trong số này có 12 trường hợp là các F1 của những bệnh nhân đã từng được xác định dương tính với coronavirus trước đó. Cụ thể, liên quan bệnh nhân 456 có 5 ca F1 hôm nay được khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Các bệnh nhân 509 và 488 mỗi trường hợp đều có hai người thuộc diện F1 sau đó cũng nhiễm nCoV.
Liên quan đến các ca bệnh 501, 510, 426 và 430 mỗi người đều có một trường hợp F1 nhiễm coronavirus.
Trong số 15 bệnh nhân được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 của Đà Nẵng hôm nay có hai người từng chăm sóc người nhà tại Bệnh viện Đà Nẵng. Đồng thời, thành phố có thêm một ca mắc Covid-19 khám ngoại trú ở Bệnh viện Gia Định, TP. Đà Nẵng. Bệnh nhân này nhà ở quận Hải Châu.
Như vậy, số ca nhiễm coronavirus mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay đã tăng lên thành 195 trường hợp.
Hiện nay, Việt Nam đang cách ly tổng cộng 103.268 người thuộc diện tiếp xúc gần và nhập cảnh về từ vùng dịch.
Về tình hình điều trị, ngày hôm nay, Việt Nam cũng công bố một trường hợp khỏi bệnh (bệnh nhân số 397, nữ, 58 tuổi) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương. Như vậy đã có 374/642 ca bệnh nCoV của Việt Nam đã bình phục.
Theo báo cáo của Tiểu Ban Điều trị, hiện đã có 21 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-2 lần với coronavirus. Cả nước hiện còn 241 ca bệnh dương tính với Covid-19 và 6 trường hợp tử vong.
Việt Nam lần đầu có thai phụ nhiễm Covid-19, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
Đáng lưu ý, trong số các ca mắc nCoV đang điều trị tại các cơ sở y tế của Việt Nam, có hai phụ nữ mang thai tại Đà Nẵng (các bệnh nhân số 495, đã mang thai 11 tuần và bệnh nhân số 569 (mang thai 35 tuần) đang được điều trị tại trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và được chăm sóc đặc biệt.
Nhấn mạnh đây là những trường hợp thai phụ đầu tiên được phát hiện nhiễm coronavirus tại Việt Nam, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Đà Nẵng xây dựng phương án chăm sóc, điều trị cho các phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 và trẻ sơ sinh là con của họ (nếu có).
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Đà Nẵng đảm bảo tuân thủ đầy đủ Quyết định số 1271 ngày 21 tháng 3 năm 2020 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus SARS-CoV-2 (Covid-19) ở phụ nữ mang thai và sơ sinh và các quy định khác về phòng chống dịch bệnh nhằm đảm bảo các thai phụ này được chăm sóc, theo dõi và xử trí hiệu quả trong trường hợp cần thiết.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế thành phố chỉ đạo Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang trong việc chăm sóc thai nghén, xử trí đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh, sẵn sàng cho cả hai tình huống đẻ thường và đẻ mổ cũng như xử trí các tai biến, bất thường xảy ra trong quá trình theo dõi, điều trị.
“Đặc biệt lưu ý các biện pháp dự phòng lây nhiễm chéo tại cơ sở điều trị, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bà mẹ nhiễm Covid-19 và trẻ sơ sinh là con của họ”, công văn của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Hiện nay, theo các chuyên gia y tế, vẫn chưa có cơ sở khoa học để chứng minh, thai nhi có khả năng bị nhiễm coronavirus qua bánh rau trong quá trình mang thai và dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng ít đến phụ nữ có thai cũng như trẻ sơ sinh, nhưng đã có bằng chứng cho thấy, chứng viêm phổi do virus ở phụ nữ mang thai gây tăng nguy cơ đẻ non, thai nhi chậm phát triển và tử vong chu sinh.
Việt Nam có 6 ca Covid-19 tử vong, virus corona ở Đà Nẵng đã biến đổi?
Tính đến 18h ngày 3/8 Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 642 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 6 ca tử vong (chiếm gần 1%).
Hiện ngành y tế Việt Nam hiện vẫn đang điều trị cho nhiều bệnh nhân nguy kịch, phải thở máy xâm nhập hoặc vừa thở máy vừa dùng ECMO, trong đó số lượng ca tiên lượng nặng cũng tăng nhiều hơn so với giai đoạn đầu bùng phát dịch.
Trong số các bệnh nhân nguy kịch, có 6 người phải dùng ECMO. Trong khi đó, trước khi dịch bùng phát tại ổ dịch Đà Nẵng, cả nước chỉ có 2 ca bệnh phải dùng ECMO.
Ngoài ra, còn có 2 bệnh nhân đang trong tình trạng nặng (nằm trong số 20 ca tiên lượng nặng) đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, cho biết ngành y tế đã huy động tất cả các bác sĩ giỏi điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch, vì đa số những bệnh nhân này là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền phức tạp.
Tính đến lúc này, số ca tử vong hiện chiếm gần 1% trong tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam. So với các quốc gia khác, tỷ lệ tử vong tại Việt Nam gần bằng 1/6 của thế giới, tuy nhiên trong những ngày tới có thể sẽ có thêm ca tử vong do còn nhiều ca bệnh nặng.
Việc những ngày qua liên tiếp xảy ra các ca tử vong đặt ra câu hỏi liệu có phải virus có biến đổi về độc lực và đã mạnh lên?
Trả lời về vấn đề này, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chưa có minh chứng về việc virus biến đổi về độc lực, nhưng giải trình tự gen cho thấy virus đã biến đổi về khả năng bám dính vào tế bào, từ đó có thể lây lan nhanh hơn.
“Sau khi giải trình tự gen và so sánh với các số liệu trên ngân hàng gen quốc tế cho thấy vi rút phân lập trên bệnh nhân tại Đà Nẵng giống với một số chủng lưu hành ở Bangladesh và một số quốc gia khác, ở thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7. Tuy nhiên, chúng tôi không khẳng định chủng này xuất phát từ Bangladesh mà chỉ nói là giống. Nguồn gốc chủng này từ đâu ra, chúng ta chưa xác định được. Nhưng có lẽ bắt nguồn từ những người từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, theo con đường không chính thống. Do đó, chúng ta chưa xác định được nguồn lây’’, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (NIHE) Đặng Đức Anh thông tin cho biết.
Giáo sư Đặng Đức Anh cho rằng, các ca bệnh nặng hầu hết có điểm chung là tuổi cao, có nhiều bệnh nền. Do vậy, họ dễ trở nặng hơn so với những người khác.
Nhấn mạnh rằng, chủng virus corona được phát hiện tại các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng không gây lo ngại và đánh giá về việc xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng tại Việt Nam, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, đây là điều bình thường.
Trên thực tế, nhiều nước đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.
“Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng bảo đảm rằng người dân được bảo vệ trước Covid-19. Việt Nam đã ứng phó hiệu quả làn sóng Covid-19 đầu tiên và từ thời điểm đó luôn sẵn sàng chuẩn bị cho khả năng lây lan rộng hơn của dịch bệnh này trong xã hội. WHO đánh giá cao hành động nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus”, TS. Kidong Park khẳng định với Sputnik trong cuộc phỏng vấn gần đây cho biết.
Việt Nam vẫn đang nghiên cứu về nguồn gốc và độc lực của chủng mới virus corona
Cũng như GS. Đặng Đức Anh chia sẻ trước đó, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) trước đó đã xác định được 5 chủng SARS-CoV-2 khác. Chủng đầu tiên là từ Vũ Hán (Trung Quốc), trên các bệnh nhân đầu tiên từ Trung Quốc về, gây ra ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc). Sau đó, ghi nhận các chủng có khác nhau một chút, đã đột biến, có nguồn gốc từ châu Âu, trên các bệnh nhân từ châu Âu về.
“Chủng phân lập được gần đây nhất không có bằng chứng về biến đổi độc lực (diễn biến lâm sàng) trên các bệnh nhân. Hiện chúng ta cũng có các bệnh nhân nặng, bệnh nhân nhẹ nhưng trên các mẫu chủng vi rút thì hiện chưa khẳng định về biến đổi độc lực của SARS-CoV-2”, GS. Đặng Đức Anh cho biết.
Hiện chưa xác định được nguồn gốc chủng mới này. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định có lẽ nó bắt nguồn từ những người từ nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
GS Đặng Đức Anh cũng đưa ra lý giải về việc các ca mắc Covid-19 nhập cảnh từ Nga hầu hết không có biểu hiện bệnh, trong khi các ca mắc về từ Bangladesh hồi đầu tháng 7 vừa qua có biểu hiện lâm sàng rõ, một số có diễn biến bệnh nặng.
“Chúng tôi đang có kế hoạch giải trình tự gien các chủng ở nhóm bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 được cách ly ở Thanh Hóa (bệnh nhân về từ Bangladesh). Sau giải trình tự gien xong, chúng ta sẽ có so sánh những bệnh nhân ở Thanh Hóa với những bệnh nhân ở Đà Nẵng. Có thể sẽ có thông tin cụ thể hơn’’, GS. Anh nói.
Về trường hợp bệnh nhân 416 (57 tuổi) tại Đà Nẵng có diễn biến nặng, GS Đặng Đức Anh cho rằng bệnh nhân này nhập viện do có sốt, khó thở, được Bệnh viện Đà Nẵng chẩn đoán là tình trạng tương đối nặng. Tuy nhiên, bệnh nặng có thể trùng hợp, không hoàn toàn do SARS-CoV-2 và hiện cũng chưa xác định được thời điểm bệnh nhân nhiễm coronavirus là khi nào.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhận định, SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng. Các biến chủng mới, bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng cũ.