Thủ tướng yêu cầu, dồn mọi nguồn lực xử lý các ổ dịch, trọng tâm nhất là tại Đà Nẵng, không để coronavirus lây lan trên cả nước, đồng thời cũng không để đứt gãy nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng toàn ngành phải tổ chức chu đáo, khoa học, không để bất cứ sơ xuất nào xảy ra và giao Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quyết định kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây.
Chính phủ họp thường kỳ tháng 7: Tiếp tục chống dịch như chống giặc
Sáng nay 3/8, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.
Cùng tham dự phiên họp có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo một số địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, đánh giá về các sự kiện lớn của đất nước trong tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổng quát một số hoạt động như kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, nhiều hoạt động lớn từ trung ương đến địa phương được tổ chức chu đáo, được nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền ủng hộ, đánh giá cao và đồng lòng ủng hộ.
Về tình hình dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian đầu tháng 8 này mang tính quyết định việc dịch Covid-19 có bùng phát hay không. Do đó, Thủ tướng yêu cầu mọi cấp, mọi ngành phải tập trung sức để phòng, chống dịch.
“Song, sau 99 ngày không có tình trạng lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng, trong tháng Bảy đã xảy ra tình trạng một số địa phương có các ca dương tính với SARS-CoV-2, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, thành phố Hội An, thành phố Ban Mê Thuột. Một số ca đã tử vong. Cùng với đó, một số huyện, một số điểm tại các địa phương đã thực hiện cách ly xã hội”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Để đối phó với tình hình dịch bệnh xảy ra trở lại, Thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp để chỉ đạo chống dịch với tinh thần thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý các ổ dịch. Phương châm Chính phủ đưa ra là tiếp tục “chống dịch như chống giặc”.
Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi gia đình, thôn, bản, làng, xóm là một pháo đài chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh. Nhiều lực lượng cần thiết đã được huy động, tăng cường các đội tinh nhuệ vào hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam chống dịch.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các thành viên Chính phủ đánh giá cao những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch ở các địa phương. Nhiều nơi đã có những biện pháp hết sức sáng tạo, đặc biệt là những trung tâm lớn của thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều sẵn sàng có biện pháp mạnh mẽ hơn, bao vây, dập dịch do coronavirus gây ra.
Không để kinh tế Việt Nam đứt gãy trong bối cảnh dịch Covid-19
Phát biểu tại Phiên họp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều suy thoái do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều đối tác kinh tế lớn, chiến lược của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực và kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Trong quý 2, kinh tế Mỹ giảm sâu 33% so với quý 1. EU giảm 12,1%.
Trong khi đó, cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự thế giới, trong đó có biển Đông. Trước tình hình đó, các nước đều tung ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ thất nghiệp, nền kinh tế.
Mặc dù vậy, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về Việt Nam. Điển hình như, ngày 30/7, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tuy chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19, Việt Nam vẫn chịu đựng tốt và sẽ tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới năm nay với mức tăng 2,8% năm 2020 và tăng 6,8% trong năm tới.
Trong khi đó, Tạp chí The Economist đánh giá, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nơi “trú ẩn” ưa thích của nhiều nhà đầu tư và quốc gia Đông Nam Á đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về tình hình trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định. Công nghiệp, nông nghiệp đều đạt khá. Kích cầu nội địa thuận lợi. Đầu tư công đạt được nhiều kết quả tích cực. Tháng 7 là tháng đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó đăng ký đầu tư nước ngoài mới tăng 14,4%, giải ngân 10,1 tỷ USD. Tháng 7 cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ về số doanh nghiệp thành lập mới.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tình hình tiêu dùng nội địa, đặc biệt là dịch vụ du lịch, rất sôi động. Cả trước và sau dịch, tình hình xã hội ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, chăm lo đời sống người dân, số hộ thiếu đói giảm 74,9%. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, đối ngoại đều được đảm bảo.
“Việt Nam là quốc gia độc lập, tự cường và là một quốc gia dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việt Nam luôn vững vàng trước khó khăn, không bị động, bất ngờ, lúng túng trong các tình huống bất ngờ, ngay cả với dịch Covid-19 hiện nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận về biện pháp giữ được số doanh nghiệp đăng ký mới không đổ gãy trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện trở lại, đặc biệt là ở các trung tâm kinh tế lớn.
Như Sputnik đã đưa tin trước đó, trong quý 2 và nửa đầu năm 2020, tại Việt Nam, đã có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do Covid-19, 2,4 triệu mất việc, tỷ lệ thất nghiệp cả nước tăng 2,73%, khu vực thành thị tăng 4,46%, khoảng 17 triệu người giảm thu nhập do Covid-19.
Xử lý ổ dịch Đà Nẵng: Đầu tháng 8 là thời điểm quyết định có bùng dịch hay không
Phát biểu ngày hôm nay, trên tinh thần nhân đạo, nghĩa đồng bào, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức đưa rất nhiều công dân Việt Nam về nước. Việc này cũng ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và chỉ số thất nghiệp của Việt Nam. Chính vì vậy, đây là vấn đề cần rất được quan tâm, tạo ổn định xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát trên quy mô lớn.
“Tinh thần chúng là dồn mọi nguồn lực xử lý các ổ dịch, đặc biệt là tại Đà Nẵng. Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian đầu tháng 8 này mang tính quyết định việc dịch có bùng phát hay không. Do đó, mọi cấp, mọi ngành phải tập trung sức để phòng, chống dịch”, người lãnh đạo Chính phủ tái khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết đã có công thư gửi các bộ trưởng về kinh tế xã hội, yêu cầu các Bộ trưởng có biện pháp cụ thể, thiết thực, báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số chủ tưởng mới để có định hướng rõ hơn từ nay đến cuối năm và năm 2021. Trong đó có việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện các gói cứu trợ 62 nghìn tỷ.
Bên cạnh việc yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo ngành đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời của bộ, ngành mình trước đại dịch Covid-19 để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp PTTH, dự kiến tổ chức thi từ 8-10 tháng 8 năm nay. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Thủ tướng yêu cầu, cần có biện pháp để đảm bảo kỳ thi an toàn, tốt đẹp, tạo sự yên tâm cho học sinh và phụ huynh.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành thảo luận về việc tận dụng thời cơ đối với đất nước khi từ ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, hay vấn đề đầu tư quốc tế đang dịch chuyển, liệu có phải là thời cơ của Việt Nam hay không.
Phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT an toàn giữa tâm dịch Covid-19
Cũng tại phiên họp sáng nay, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản hoàn tất. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp với ban chỉ đạo kỳ thi ở các địa phương để rà soát lần cuối và xem xét tình hình dịch bệnh để lựa chọn phương án.
“Phần lớn địa phương thể hiện quyết tâm, sẵn sàng cho kỳ thi. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn”, Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, với tình hình như hiện nay, các thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội hay thuộc diện F1, F2 thì Bộ sẽ có phương án tổ chức thi sau, bảo đảm quyền lợi cho học sinh và chỉ đạo các trường đại học có phương án tuyển sinh phù hợp.
Ngoài ra, các địa phương không trong diện cách ly xã hội và cam kết bảo đảm điều kiện an toàn thì tổ chức kỳ thi theo kế hoạch.
Sau khi nghe các thành viên Chính phủ thảo luận, phát biểu ý kiến, kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, đây là vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, các bộ liên quan bảo đảm an toàn về sức khỏe cho học sinh, phụ huynh và giáo viên.
“Thời gian thi và các vấn đề có liên quan khác, có phương án cụ thể, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong từng địa phương trên tinh thần bảo đảm an toàn cho học sinh và phụ huynh, cho giáo viên là vấn đề đặt ra gắt gao”, Thủ tướng lưu ý.
Ngành GD&ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ trong công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân yên tâm về việc tổ chức chu đáo, khoa học, không để bất cứ sơ suất gì xảy ra.
Phiên họp Thường kỳ Chính phủ sẽ kéo dài trong cả ngày 3/8 hôm nay với nhiều vấn đề quan trọng, được dư luận quan tâm khác.