Theo đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong 219 công dân Việt Nam trở về từ Guinea Xích đạo thì chỉ có 21 ca dương tính với nCoV chứ không phải 120 người như đã thông báo trước đó.
Cũng trong ngày 4/8, Chính phủ Australia cho biết đã khởi động chương trình hỗ trợ 650.000 AUD nhằm giúp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Ngay sau lời kêu gọi của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, chiều nay, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã quyết định gửi 33 cán bộ gồm 8 bác sĩ và 25 điều dưỡng lên đường vào Đà Nẵng, đồng thời hỗ trợ thành phố 5 tỷ đồng để góp phần thực hiện công tác chống dịch.
Thủ tướng Việt Nam cũng đã có “tâm thư” xúc động, kêu gọi cả nước hãy chia sẻ và bảo vệ các chiến sĩ áo trắng, chúc các thầy thuốc, những người anh hùng của nhân dân luôn mạnh khỏe và sớm giành chiến thắng trước dịch bệnh do coronavirus.
Việt Nam có thêm 18 ca mắc Covid-19
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông tin cho biết, 18h chiều nay, Việt Nam ghi nhận thêm 18 trường hợp mắc nCoV mới, một ca nhập cảnh từ Guinea Xích đạo và 17 người liên quan đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Cụ thể, theo thông báo của Bộ Y tế, các ca bệnh từ 653 -668 có độ tuổi từ 8-93 tuổi. Trong số này, có 8 bệnh nhân là diện F1 của các ca dương tính với SARS-CoV-2 trước đó, đã được cách ly tập trung. Có 5 người nhà chăm sóc các bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng được xác định nhiễm nCoV.
Một nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng, một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng mắc coronavirus. Ngoài ra, ca mắc Covid-19 còn lại là một bảo vệ bến xe Trung tâm Thành phố Đà Nẵng, bệnh nhân khám ngoại trú tại Bệnh viện Gia Đình, trú ở quận Cẩm Lệ.
Riêng về bệnh nhân số 669, Bộ Y tế cho biết, đây là người đàn ông 50 tuổi tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Ca bệnh 669 là bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, thăm thân tại Khoa Nội, Bệnh viện Đà Nẵng, tiếp xúc gần với bệnh nhân 510. Hiện tại, nam bệnh nhân số 669 này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.
Ca mắc Covid-19 số 670 là một người đàn ông 50 tuổi, có địa chỉ ở Thành Trực, Thạch Thành, Thanh Hóa. Ông đã cũng 218 công dân Việt Nam khác trở về từ Guinea Xích đạo trên chuyến bay VN06, được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay sau nhập cảnh. Bộ y tế cho hay, kết quả xét nghiệm lần hai khẳng định bệnh nhân mắc Covid-19.
Trong tổng số 219 người về từ Guinea Xích đạo, đã có 20 ca dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận trước đó.
Tính đến 18h chiều nay, Việt Nam đã ghi nhận 222 ca mắc mới trong cộng đồng kể từ ngày 25/7.
Hiện cả nước đang cách ly, theo dõi sức khỏe của hơn 133.279 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch. Trong đó, cách ly tập trung tại nhà, nơi lưu trú có 111.594 trường hợp, tại cơ sở cách ly tập trung có 20.427 người và tại các bệnh viện là 1.258 người.
Liên quan đến tình hình điều trị, Tiểu Ban Điều trị cho hay, trong ngày hôm nay 4/8 có thêm 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Cụ thể, đó là các bệnh nhân số 398 (nam, 25 tuổi), bệnh nhân số 399 (nam, 25 tuổi, bệnh nhân 400 (nam, 25 tuổi) và bệnh nhân 401 (nam, 24 tuổi). Tất cả đều được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị khỏi.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa khỏi cho 378/670 bệnh nhân Covid-19 (chiếm 56,4%) tổng số ca nhiễm nCoV trên cả nước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã ghi nhận 8 ca mắc Covid-19 tử vong.
Theo Bộ Y tế, tính đến chiều ngày 4/8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 31 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Việt Nam hiện còn 253 bệnh nhân dương tính với coronavirus.
21 người về từ Guinea Xích đạo dương tính nCoV
Khác với thống kê ban đầu là 120 ca mắc Covid-19, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ 21/219 người về từ Guinea Xích đạo dương tính với SARS-CoV-2.
Theo Bác sĩ Đặng Hồng Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đây mới chỉ là kết quả sàng lọc ban đầu. Trong tương lai, số ca dương tính có thể thay đổi vì bệnh viện sẽ làm xét nghiệm thêm nhiều lần, để sàng lọc, đảm bảo không bỏ sót ca nhiễm.
Hôm 29/7, Việt Nam đã đưa 219 người từ Guinea Xích đạo về nước. Theo thống kê ban đầu, trong số những người này có 120 người mắc bệnh. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, họ được đưa đi cách ly ngay tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tiến hành khám kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm virus.
Theo bác sĩ Hải, con số 120 người dương tính SARS-CoV-2 được ghi nhận trước thời điểm họ về nước 3-4 tuần. Trong khoảng thời gian này, một số người được điều trị tại bệnh viện, một số người sức đề kháng tốt và bệnh không diễn biến nặng. Chính vì vậy, các bệnh nhân này có thể đã khỏi Covid-19, hết triệu chứng lâm sàng như ho, sốt.
"Bệnh này diễn biến cấp tính trong 1-2 tuần. Với bệnh nhân không nặng, triệu chứng có thể giảm đi trong hai tuần, họ có thể hồi phục dần, rồi xét nghiệm âm tính", bác sĩ Hải cho biết.
Bác sĩ Đặng Hồng Hải nhận định, kết quả này là khả quan so với dự đoán ban đầu. Giả sử số người nhiễm đúng là 120 người, thì khả năng cao những người khác trong đoàn cũng bị lây nhiễm, làm tăng tổng số ca nhiễm lên. Với việc nhiều người khỏi bệnh, nguy cơ lây nhiễm cho những người khác cũng giảm.
Trong số những người dương tính, có 9 ca nặng gồm 6 bệnh nhân tổn thương phổi và ba người mắc sốt rét.
“Các ca đồng nhiễm nếu chúng ta chủ quan, bỏ sót sẽ rất nghiêm trọng. May mắn là từ khi bệnh nhân về nước, nguy cơ đồng nhiễm đã được tiên lượng, giám sát kỹ càng cho nên không xảy ra tình huống nghiêm trọng”, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết.
Hiện tình hình sức khỏe của 9 bệnh nhân này tốt, đang được bác sĩ theo dõi sát sao.
Australia hỗ trợ Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Ngày 4/8, Đại sứ quán Australia và Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức cuộc họp Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Australia lần II. Đại sứ Australia Robyn Mudie và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chủ trì buổi làm việc.
Thông tin từ cuộc họp cho biết, Chính phủ Australia đã khởi động khoản tài trợ trị giá 650.000 AUD nhằm hỗ trợ một sáng kiến mới giúp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phục hồi kinh tế Việt Nam hậu Covid-19.
Sáng kiến nằm trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự tính sáng kiến sẽ giúp hiện thực hóa những giải pháp về AI nhằm góp phần giải quyết hậu quả của dịch bệnh trong ngắn hạn, cũng như hỗ trợ các nhu cầu trong dài hạn, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật để triển khai Chiến lược Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam và cung cấp các khóa đào tạo cho các bên tham gia trong hệ sinh thái AI.
Trong buổi làm việc, hai bên đã điểm lại các kết quả nổi bật sau 18 tháng triển khai Chương trình Aus4Innovation. Cụ thể, chương trình đã tài trợ gần 4 triệu AUD cho các sáng kiến hợp tác đổi mới sáng tạo của các đối tác Việt Nam và Australia; nâng cao năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam; hỗ trợ kỹ thuật cho các nghiên cứu chính sách quan trọng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việc tài trợ cho sáng kiến về AI được xem là một bước tiến hợp lý của Chương trình Aus4Innovation nhằm giúp Việt Nam ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho rằng, đổi mới sáng tạo là một trong ba trụ cột của mối quan hệ song phương giữa hai nước. Trước những thách thức đặt ra do sự bùng phát dịch Covid-19, đổi mới sáng tạo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
"Sáng kiến giúp ứng dụng Trí tuệ nhân tạo này là một ví dụ tuyệt vời về việc công nghệ hiện đại có thể được ứng dụng một cách nhanh chóng để đáp ứng các nhu cầu mới phát sinh của Việt Nam", Đại sứ Robyn Mudie đánh giá.
Sáng kiến mới về AI sẽ được triển khai từ tháng 8/2020 đến tháng 6/2021, trong đó có việc tài trợ Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm nay (AI4VN 2020) với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo ứng phó với đại dịch: Thích ứng với trạng thái bình thường mới”.
AI4VN là sự kiện thường niên được khởi xướng từ năm 2018, thu hút sự tham dự của đông đảo các bên liên quan trong hệ sinh thái AI. Các hoạt động được tài trợ khác bao gồm các hội thảo chuyên đề, trình diễn công nghệ, các khóa đào tạo và cuộc thi hackathon.
Cuộc thi lập trình hackathon được xem là tiêu điểm của sự kiện. Cuộc thi sẽ diễn ra trong 48 tiếng và là nơi các chuyên gia cùng các lập trình viên hàng đầu tìm cách ứng dụng AI trong quá trình hồi phục sau Covid-19 tại Việt Nam. Ý tưởng chiến thắng sẽ được tài trợ chi phí để triển khai trong thực tế.
Aus4Innovation là nhà tài trợ cho sáng kiến. Đây là chương trình hợp tác 4 năm (2018-2022) với tổng ngân sách 11 triệu AUD nhằm tăng cường năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho nền kinh tế và công nghệ của Việt Nam trong tương lai số.
Chương trình được đồng tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương Mại Australia (DFAT) và InnovationXchange (IXC), quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đà Nẵng kêu gọi Bình Định và Hải Phòng chi viện nhân lực giúp chống Covid-19
Ngày 4/8, Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công văn đề nghị Bình Định và Hải Phòng hỗ trợ thành phố về nhân lực ngành y nhằm ứng phó với dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại đây.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định và Hải Phòng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nêu rõ, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng đang diễn biến phức tạp.
Tính đến sáng 3/8, đã công bố 121 ca nhiễm và dự kiến còn tăng trong những ngày tới. Các trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân cũng đã được truy vết, phát hiện, tập trung cách ly, xét nghiệm với số lượng ngày càng nhiều, trong đó đã phát hiện nhiều ca dương tính với virus corona đưa vào điều trị tại các sơ sở y tế.
Ông Thơ nhấn mạnh, những ngày qua, Bộ Y tế và các bệnh viện đầu ngành của cả nước (Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế) và các tổ chức, cá nhân đã sát cánh, hỗ trợ nhân lực, phương tiện cùng Đà Nẵng triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp phòng chống, xét nghiệm và điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó bao gồm việc thiết lập nhiều khu cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND Thành phố, nhân lực ngành y tế Đà Nẵng đang ở vào thời điểm rất khó khăn.
“Đặc biệt, đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên y tế đang công tác tại các bệnh viện lớn và các cơ sở y tế của thành phố đã bị phong tỏa, đang trong tình trạng cách ly toàn bộ hoặc cách ly một phần nên không đủ nhân lực để điều phối, sử dụng phục vụ điều trị bệnh nhân nói chung và bệnh nhân mắc Covid-19 nói riêng, nhất là tại các bệnh viện dã chiến chuẩn bị đưa vào sử dụng”, ông Thơ bày tỏ.
“Do đó UBND thành phố Đà Nẵng rất mong nhận được sự hỗ trợ điều phối đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên y tế từ các tỉnh, thành phố bạn xung phong, tình nguyện đến Đà Nẵng cùng quyết tâm khống chế dịch bệnh đợt này”, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nêu rõ trong văn bản.
Đáp lại lời kêu gọi của lãnh đạo Đà Nẵng, Hải Phòng đã ngay lập tức gửi 33 bác sĩ, điều dưỡng và hỗ trợ nhân dân khúc ruột miền Trung 5 tỷ đồng.
Cụ thể, ngay sau nhận được văn bản – kêu gọi chi viện về nhân lực y tế từ Bình Định và Hải Phòng của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, chiều nay, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã quyết định gửi 33 cán bộ gồm 8 bác sĩ và 25 điều dưỡng lên đường vào Đà Nẵng, đồng thời hỗ trợ thành phố 5 tỷ đồng để góp phần thực hiện công tác chống dịch.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng nhấn mạnh, trước đề nghị của Đà Nẵng xin chi viện đội ngũ bác sĩ có chuyên môn từ các địa phương để tăng cường ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện Việt Tiệp cử 5 bác sĩ, 15 điều dưỡng, Bệnh viện Kiến An cử 3 bác sĩ và 10 điều dưỡng lên đường vào Đà Nẵng “chia lửa” với nhân dân thành phố cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Vẫn chưa xác định Giám đốc người Nhật nhiễm coronavirus từ đâu
Liên quan đến việc những ngày qua cơ quan Y tế Nhật Bản xác nhận một người Nhật về từ Việt Nam nhiễm SARS-CoV-2, ngày 4/8, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết khi phía Nhật Bản xác nhận ông MasaHiro Nakajima (75 tuổi, người Nhật Bản), Giám đốc Công ty Hokkaido đóng tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), dương tính với Covid-19 thì Bộ Y tế có công điện yêu cầu tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM điều tra, xử lý ổ dịch này để phòng dịch lây lan.
Theo đó, Sở Y tế Lâm Đồng đang họp để tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, theo ông Thuận, hiện tại toàn địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa có ca nào khác nhiễm Covid-19 từ kết quả này cũng chưa thể khẳng định ông MasaHiro Nakajima bị mắc Covid-19 từ đâu.
Cũng theo ông Thuận, hiện toàn tỉnh có 512 trường hợp đang được theo dõi sức khỏe, giám sát, cách ly y tế phòng dịch Covid-19.
Chiều ngày 4/8, ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã ký văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 .
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tạm dừng toàn bộ hoạt động ở các cơ sở kinh doanh bắt đầu từ 00 giờ ngày 5/8, gồm vũ trường, quán bar, karaoke, rạp chiếu phim, massage, trò chơi điện tử, ca nhạc phòng trà, cơ sở làm đẹp, khuyến cáo không tụ tập đông người cho đến khi có thông báo mới.
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường lực lượng, thành lập các tổ, đội kiểm tra, rà soát các đối tượng tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, thực hiện phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc Covid-19, không để lây lan dịch trong cộng đồng.
Thủ tướng: Bảo vệ bác sĩ, những chiến sĩ áo trắng tuyến đầu chống dịch
Ngày 4/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi đến toàn thể cán bộ ngành y tế và nhân dân trong cả nước.
Trong thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết giai đoạn mới của dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh ra nhiều địa phương, trong đó có các đô thị lớn, đặc biệt, Việt Nam có một số nhân viên y tế bị mắc bệnh.
Thủ tướng cho biết rất xúc động trước tấm lòng quả cảm, sự cống hiến, những nghĩa cử của mọi người, mọi lứa tuổi, mọi lực lượng, trong đó có các thầy thuốc, sinh viên y khoa, những chiến sĩ áo trắng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế và nhiều bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học ngành y tế trên toàn quốc đã nỗ lực không mệt mỏi, không ngại gian khó, hiểm nguy, tận tâm cứu chữa người bệnh.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến và sự tận tâm của các thầy thuốc trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, cảm ơn gia đình các thầy thuốc và cán bộ ngành y đã đồng hành và chia sẻ, là hậu phương vững vàng để các thầy thuốc yên tâm cống hiến cho công cuộc cứu người, chống lại đại dịch.
Thủ tướng nhận định dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngành y tế cần dồn toàn bộ lực lượng để khống chế, trước hết phải trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ để bảo vệ an toàn cho đội ngũ. Thủ tướng cũng kêu gọi nhân viên y tế cả nước luôn sẵn sàng, dồn tâm, sức, kinh nghiệm để chống dịch.
“Cả nước hãy chia sẻ và bảo vệ các chiến sĩ áo trắng, chúc các thầy thuốc, những người anh hùng của nhân dân luôn mạnh khỏe và sớm giành chiến thắng trước dịch bệnh”, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh.