Đây là bản án thích đáng, mang tính răn đe cho những kẻ coi thường an nguy, tính mạng của bản thân và cả dân tộc, đất nước khi Việt Nam đang căng mình chống dịch Covid-19.
Vì không có công ăn việc làm ổn định nên Voòng A Sủi và em trai là Voòng A Hây đã liên hệ với nhiều đối tượng cùng tham gia tổ chức đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thông qua đường biên ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Tình trạng chính người Việt Nam tổ chức, tiếp tay đưa người Trung Quốc, hay các đối tượng nước ngoài vượt biên, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã làm dấy lên trong cộng đồng nhiều bức xúc. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, hành động tiếp tay đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể được xem như “tội phản quốc”, “cõng rắn cắn gà nhà” trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19.
Việt Nam bắt đầu xét xử vụ đưa người nhập cảnh trái phép: 25 năm tù cho 6 bị cáo
Sáng ngày 4/8, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đưa 6 bị cáo trong đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam ra xét xử.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, lãnh đạo các Bộ Công an, VKSND Tối cao, sáng nay, TAND tỉnh Quảng Ninh đã đưa nhóm 6 bị cáo gồm Voòng A Sủi, Voòng A Hây, Lỷ A Tằng, Nình Văn Xuân, Phùn Quay Phóng, Phùn Văn Dũng ra xét xử về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” theo quy định tại Điều 348 BLHS.
Tại phiên xét xử, các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ tội danh, nhận thức được hành vi sai trái của mình gây nguy hiểm cho xã hội, nhất là khi cả nước đang căng mình chống Covid-19.
Kết thúc phiên toà, Hội đồng xét xử đã căn cứ hành vi, tình tiết, mức độ vi phạm của các bị cáo và tuyên phạt Voòng A Sủi 6 năm tù giam, Voòng A Hây 6 năm tù giam, Lỷ A Tằng 5 năm tù giam, Phùn Quay Phóng 4 năm tù giam, Nình Văn Xuân 2 năm tù giam và Phùn Văn Dũng 2 năm tù giam.
Đối với chủ nhà nghỉ Sự Thủy, cơ sở này đã cho người Trung Quốc thuê phòng nhưng không khai báo với các cơ quan chức năng nên đã bị Công an TP Móng Cái xử phạt hành chính theo quy định.
“Mức án là nghiêm khắc và chúng tôi cũng mong muốn từ mức án này không chỉ giúp cho các bị cáo nhìn thấy sự sai trái của mình mà còn là lời cảnh tỉnh cho những người khác để không nên làm những việc như này vì là trái pháp luật, là đi ngược lại lợi ích của xã hội”, Thẩm Phán Vũ Văn Đoan Chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.
Đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Móng Cái
Liên quan đến vụ án này, cáo trạng truy tố tội danh các bị cáo được VKSND tỉnh Quảng Ninh hoàn tất cho biết, khoảng 14h ngày 10/6 vừa qua, Tổ tuần tra kiểm soát Đồn biên phòng Bắc Sơn, tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ tại khu vực thôn Thán Phú, xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái thì phát hiện ba đối tượng chở theo ba người đàn ông có biểu hiện khả nghi.
Các chiến sĩ biên phòng đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên các đối tượng không chấp hành mà bỏ chạy.
Tổ tuần tra đã bắt được Phùn Văn Dũng (sinh năm 2001, trú tại thôn Pò Hèn, Hải Sơn, TP. Móng Cái) và 3 người đàn ông Trung Quốc là Ji Ying Ying, Lin Qiao Ping và Shi Fu Qi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đồn biên phòng Bắc Sơn đã giao các đối tượng này cho Công an TP Móng Cái xử lý theo thẩm quyền.
Lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh vào cuộc điều tra xác định, đường dây tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam do Voòng A Sủi (sinh năm 1997, trú tại xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái) cầm đầu.
Do không có công việc ổn định nên Voòng A Sủi đã rủ em trai là Voòng A Hây (sinh năm 1999, là em ruột của Sủi) và anh họ là Lỷ A Tằng (sinh năm 1995, trú tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) tổ chức đưa người trái phép từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Cụ thể, để thực hiện hành vi phạm tội, Sủi liên hệ bên Trung Quốc, Hây chịu trách nhiệm đưa người từ Trung Quốc sang Việt Nam, tiền công là 4000 nhân dân tệ/ người (khoảng hơn 13 triệu đồng một người). Trong đó, Sủi lĩnh 1500 nhân dân tệ, còn Hây được 2500 nhân dân tệ để chi phí người vận chuyển.
Cơ quan điều tra xác định, Voòng A Sủi và đồng phạm đã thực hiện trót lọt hai lần đưa người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trái phép. Theo đó, lần thứ nhất, khoảng 16h ngày 9/6, người Trung Quốc tên là Zhou Min thông qua sự giới thiệu của A Lùng đã kết bạn qua Wechat với Sủi, thuê Sủi đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với chi phí 4000 nhân dân tệ/ người.
Zhou Min hẹn 18h cùng ngày có 2 người đợi ở bờ kia sông biên giới. Sủi cho Hây số điện thoại của Zhou và chỉ đạo Hây tổ chức đón người và đưa đến nhà nghỉ ở phường Ka Long và lấy mỗi người 4000 nhân dân tệ.
Hây sau đó liên lạc với Tằng và Ninh Văn Xuân để thuê chở người Trung Quốc từ khu vực biên giới thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn đến bến xe khách Móng Cái và hứa trả công 1.000.000 đồng/ người. Xuân đồng ý và rủ thêm cả Phùn Quay Phóng cùng tham gia.
Sau đó các đối tượng tổ chức đi đón người Trung Quốc đến nhà nghỉ Sự Thủy rồi lấy tiền 8.000 nhân dân tệ.
Lần thứ hai là khoảng 10h ngày 10/6, Zhou Min nhắn tin nhờ Sủi đưa đi Hải Phòng với mức giá 5.000 nhân dân tệ. Sau đó, Zhou Min bảo Sủi tiếp tục đón 4 người nữa sang Việt Nam và cho số điện thoại của tốp này để Sủi liên lạc.
Hây gọi điện thoại liên lạc với nhóm người Trung Quốc này và hẹn anh ta đến khu vực Cảng Khẩu như lần trước. Khoảng 11h cùng ngày, Hây gọi điện cho Tằng và Xuân bảo có 4 người Trung Quốc muốn nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, bảo Xuân rủ thêm 2 người nữa là Phóng và Dũng cùng tham gia.
4 người Trung Quốc được các đối tượng đưa qua sông, qua đường mòn khu vực cột mốc 1355 gồm 3 nam, 1 nữ là Ji Ying Ying, Lin Qiao Ping, Shi Fu Qi, Luo Hai Hua.
Tuy nhiên, khi Tằng chở Lua Hai Hua đi về nhà nghỉ trót lọt, còn Xuân Dũng và Phóng chở ba người còn lại trên đường đi bị lực lượng biên phòng phát hiện.
Xuân, Phóng quay xe bỏ chạy còn Dũng và 3 người Trung Quốc bị bắt giữ. Xuân gọi điện báo cho Hây biết sự việc. Hây gọi điện cho Sủi thì Sủi chỉ đạo Hây thu của người phụ nữ Trung Quốc là Luo Hai Hua 4000 nhân dân tệ công chở người và 1000 công chở hành lý.
Hây gọi điện thoại cho Tằng quay lại đón Hây và chở hành lý của 4 người Trung Quốc về nhà nghỉ. Sau đó Hây thu 5000 nhân dân tệ của người phụ nữ và đổi sang tiền Việt được 16.350.000 đồng. Hây đưa Sủi 4.900.000 đồng. trả Xuân 1000.000 đồng, trả Tằng 4.400.000 đồng. Số tiền còn lại Hây ăn tiêu hết.
Sau khi biết sự việc bị lộ, các đối tượng Sủi, Hây, Dũng, Phóng, Xuân, Tằng đã đến cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Móng Cái để đầu thú và được đưa đến khu vực cách ly Covid-19 để xét nghiệm.
Còn các đối tượng người Trung Quốc, sau khi làm thủ tục thuê phòng tại nhà nghỉ Tuấn Linh đã bị chủ nhà nghỉ phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã báo Công an TP. Móng Cái.
Đến khoảng 20h30 cùng ngày, Công an TP. Móng Cái đã kiểm tra hành chính và đưa ba người Trung Quốc nêu trên về khu cách ly.
Bộ Công an nói gì về việc nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam?
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, một trong những nguy cơ, nguồn lây Covid-19 chính là tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng Quân đội, Công an ở khu vực biên giới của Việt Nam đã phát hiện hàng chục nghìn trường hợp nhập cảnh trái phép. Tất cả những trường hợp này, khi bị phát hiện đều được đưa về những khu vực cách ly, nhằm đảm bảo an toàn cũng như ngăn ngừa, khống chế không để dịch Covid - 19 lây lan ra cộng đồng.
Phát biểu tại cuộc họp báo Thường kỳ Chính phủ chiều qua 3/8, trước câu hỏi vì sao gần đây các đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam xuất hiện nhiều hơn so với khi trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng, hay tại sao những đối tượng này vào sâu trong nội địa mới phát hiện ra, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, liên quan tới người nhập cảnh vào Việt Nam, cần phân biệt rõ có 2 nhóm: Người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam bất hợp pháp và số công dân Việt Nam ở các nước láng giềng trở lại trong nước.
Theo đại diện Bộ Công an, nguyên nhân được cho là vì hiện nay Trung Quốc thiên tai liên tục, dịch Covid-19 cũng trở lại, trong khi Việt Nam là điểm đến an toàn, do đó có một lượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việc Nam để tìm việc hoặc đi du lịch, một số nữa lại đi qua Việt Nam để sang nước khác.
Theo như giải thích của Thiếu tướng Tô Ân Xô, các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam vì một số nguyên nhân, trong đó có: Tìm việc ở một số địa phương Việt Nam, đi du lịch và có “số lượng tương đối nhiều” vào Việt Nam để sang Campuchia đánh bài, bởi Campuchia đã mở lại các sòng bài.
Chánh văn phòng Bộ Công an thông tin, từ đầu năm đến nay, tại 27/63 địa phương của Việt Nam có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, với tổng số là 504 người. Một số ví dụ cụ thể như: An Giang có 4 trường hợp, Bắc Ninh có 35 trường hợp, Đà Nẵng có 78 trường hợp, TP.Hồ Chí Minh là 12 người, Lai Châu có 36 người, Lạng Sơn có 29 người, Quảng Ninh có 126 trường hợp và Tây Ninh là 32 trường hợp.
Từ tháng 6 đến nay, công an và biên phòng các địa phương phát hiện 21 vụ việc, với 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.
Tướng Xô cũng cho biết, Việt Nam đã khởi tố 5 vụ với 19 đối tượng người Việt Nam và người Trung Quốc về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.
Theo đại diện Bộ Công an, số đông tới hàng chục, hàng trăm người nhập cảnh là người Việt Nam lao động chui ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới sang bên kia biên giới làm việc.
“Bà con người Việt ở nước ngoài được máy bay đón về nhưng bà con lao động ở Trung Quốc lại chưa được đối xử như thế”, tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam: Khác gì tội phản quốc?
Như đã đề cập ở trên, trong thời gian vừa qua, công tác điều tra ban đầu của cơ quan Công an và các lực lượng chức năng cho biết, chỉ với mức giá 500.000 đồng mỗi người nước ngoài đã có thể nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Bên cạnh mức giá bèo bọt cộng thêm sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng có khá nhiều người cư trú bất hợp pháp ở nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua.
Thực trạng này đã dấy lên trong cộng đồng nhiều bức xúc, nhiều ý kiến cho rằng, hành động tiếp tay đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể được xem như “tội phản quốc”.
Như bài viết trên Đại Đoàn Kết nêu quan điểm, thực tế, nhiều đối tượng bị bắt thậm chí còn chẳng hề có khái niệm về sự tự tôn dân tộc. Họ làm đơn giản là vì tiền, họ sẵn sàng bán rẻ linh hồn mình vì những đồng tiền chẳng “trong sạch” kia.
Thời gian qua, có biết bao đối tượng thấy lợi mà mất hết nhân tính, bất chấp pháp luật sẵn sàng dụ dỗ, lừa bán phụ nữ Việt sang bên kia biên giới làm nô lệ tình dục với giá bèo, chỉ khoảng 100 triệu đồng. Có rất ít phụ nữ trong số hàng trăm phụ nữ bị lừa bán kia có thể may mắn thoát khỏi các động mại dâm, sự tra tấn, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, để trốn về với đất mẹ. Đến cả phụ nữ và trẻ em mà bọn chúng còn có thể lừa bán vì tiền thì có lý gì mà chúng không tiếp tay đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Chỉ cần vài cuộc điện thoại thỏa thuận và thêm chút công sức, bọn chúng đã có thể kiếm ngay được vài triệu đến vài chục triệu, đưa được càng nhiều người nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ quốc gia thì số tiền bọn chúng kiếm được càng cao.
Bởi vậy nên những đối tượng này sẵn sàng bất chấp an nguy của quốc gia, dân tộc, sẵn sàng vì chút lợi nhỏ trước mắt mà bán rẻ nhân phẩm của mình. Hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc” dường như chẳng có trong tâm thức của những kẻ hám lợi kia.
Thêm một vấn đề nữa là các kẻ tiếp tay này đưa đường dẫn lối người nước ngoài vào lãnh thổ quốc gia mà không cần biết đó có phải là thành phần lưu manh trộm cưới, trốn truy nã, bất hảo hay bệnh tật như thế nào, chỉ cần trả 500.000 đồng là đã có thể nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Giả sử, trong số hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, chỉ có một phần làm các việc liên quan đến an ninh quốc gia thì thiệt hại của Tổ quốc sẽ khó mà có thể tưởng tượng được. Đó là còn chưa kể, đây sẽ là một đội quân có thể gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước, nếu thực sự họ nhập cảnh trái phép có chủ đích, được dẫn dắt bởi một thế lực nào đó.
Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại đối với an toàn xã hội của Việt Nam. Bởi những người nước ngoài nhập cảnh trái phép hầu hết là những thành phần bất hảo, trốn truy nã hoặc là lao động tự do tìm kiếm việc làm. Bất kể thuộc thành phần nào trong số các đối tượng nêu trên đều có nguy cơ mất an toàn xã hội.
Những đối tượng lưu manh trộm cướp, trốn truy nã sẽ gây rối trật tự an toàn xã hội. Khi người nước ngoài nhập cư trái phép với số lượng lớn sẽ dẫn đến tình trạng tranh giành, tước đi cơ hội việc làm của lao động bản địa do họ là lao động tự do và có giá thành rẻ hơn nhiều.
Và còn rất nhiều hệ lụy từ việc nhập cảnh trái phép của người nước ngoài vào Việt Nam mà không thể nêu ra hết. Tuy nhiên đúc kết lại đó là nhiều đối tượng chỉ vì cái lợi rất nhỏ của bản thân mà sẵn sàng bán rẻ nhân phẩm, bất chấp an nguy quốc gia, dân tộc. Những kẻ ấy rất đáng bị lên án, thêm nữa cần có chế tài nghiêm ngặt về mặt hình sự để răn đe cho tất cả mọi người.