Theo thống kê, năm 2019, Nga nhập khẩu trên 5 tỷ USD trái cây tươi, từ 1,3-1,5 tỷ USD sản phẩm chế biến từ rau, quả, hạt các loại, trên 2 tỷ USD thịt các loại; trên 2,4 tỷ USD hàng thủy sản các loại. Nhiều hàng hóa của Việt Nam được người dân Nga ưa chuộng, đặc biệt là đồ gỗ, nông sản (trái cây có múi và cà phê). Rau, quả là nhóm hàng khá tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Nga do đây là xứ lạnh, có nhu cầu ngày càng tăng về rau, quả nhiệt đới.
Tiềm năng lớn
Theo số liệu thống kê, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng rau, quả sang thị trường Nga đạt 8,2 triệu USD, tăng 246,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, rau, quả chế biến đạt 6,7 triệu USD, tăng 293,5% so với cùng kỳ năm 2019. Với vị trí địa lý xa, thời gian vận chuyển dài, việc xuất khẩu rau, quả chế biến sang thị trường này là lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp.
Còn có nhiều trở ngại
Bà Phạm Thị Thu Hương - đại diện Tập đoàn Miratorg (Nga) - cho hay: Miratorg có hệ thống kênh phân phối hàng nông - thủy sản qua 30.000 siêu thị tại Nga. Miratorg có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cà phê hạt, hạt tiêu, cá tra, tôm…, tuy nhiên, yêu cầu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì sản phẩm cần chào hàng theo đúng quy cách nhập khẩu vào thị trường Nga.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến - nhận định, Việt Nam và Nga là đối tác chiến lược, thị trường Nga rộng lớn, tiềm năng. Do đó, bên cạnh các thị trường xuất khẩu trọng điểm như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…, doanh nghiệp Việt cần chú trọng tiếp tục mở rộng thêm thị trường Nga.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng điều kiện cần thiết về hồ sơ, thủ tục xuất khẩu đúng yêu cầu thị trường nước nhập khẩu, trước mắt, tập trung vào những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Việc xuất khẩu nông sản vào Nga đã có từ lâu nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1,6% trong tổng lượng xuất khẩu nông sản. Trên thực tế, có rất nhiều nông - thủy sản Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu từ phía Nga đề ra nhưng xuất khẩu còn nhiều trở ngại.
Cụ thể, hàng Việt Nam vào Nga chịu mức thuế cao, vận tải đường dài nên mất lợi thế cạnh tranh, rào cản kỹ thuật quá chặt chẽ, khó khăn trong chuyển đổi đồng Rup sang tiền Đồng Bên cạnh đó, ngành chế biến nông sản sau thu hoạch của Việt Nam vẫn kém phát triển chưa theo kịp thế giới...
Theo các chuyên gia, muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Nga, phải thúc đẩy công nghiệp chế biến. Đồng thời, có sự phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp; trong đó, nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đưa ra chính sách; doanh nghiệp phải chủ động đề xuất, phản biện chính sách của nhà nước, tham gia tích cực vào quá trình đàm phán, tham vấn để nhà nước biết được nhu cầu của doanh nghiệp.