Hiệp hội các trường ĐH, CĐ sẽ có kiến nghị về vụ việc ở ĐH Tôn Đức Thắng
Gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), ông Lê Vinh Danh cho rằng Quyết định tạm đình chỉ công tác (Quyết định số 1228 của Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN) là thiếu cơ sở pháp lý, không đúng thẩm quyền, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Theo ông Danh, nếu theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 43, Nghị định 59/2019 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Phòng chống tham nhũng thì “chưa đủ căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với tôi theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng” và “hiện chưa có bất kỳ cơ sở, căn cứ nào thể hiện tôi có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng...”.
Ông Danh cũng cho rằng văn bản 778 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM (về việc thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với ông Lê Vinh Danh) và công văn 1772 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM (về một số vấn đề liên quan đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng) là các văn bản kiểm tra, kết luận thuộc về tổ chức Đảng, không phải là một trong các cơ sở để tạm đình chỉ công tác theo Khoản 2, Điều 43, Nghị định 59/2019 của Chính phủ.
Cũng theo ông Danh, Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông là không đúng thẩm quyền. Việc tạm đình chỉ chức danh của ông phải do Hội đồng trường của Trường ĐH Tôn Đức Thắng quyết định, cơ quan quản lý trực tiếp chỉ có thẩm quyền công nhận.
Sau khi nhận đơn kêu cứu của ông Lê Vinh Danh gửi tới Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Xuân Nhĩ cho biết, trước tình hình cấp bách như trong thư kêu cứu của của ông Lê Vinh Danh nguyên Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng, và như tình hình diễn biến vụ việc mà Hiệp hội nắm được, Thường trực Hiệp hội sẽ có công văn gửi Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Chính phủ để chỉ đạo.
“Đây không còn là vụ việc cụ thể của một nhà trường, của một cá nhân đồng chí Bí thư và Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Mà là sự việc liên quan đến thành bại của một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước – chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập”, – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Theo ông Nhĩ, Hiệp hội sẽ đề nghị các cấp có thẩm quyền thành lập Đoàn kiểm tra, thanh tra tổng hợp các mặt từ công tác đảng, công tác quản lý nhà nước, công tác cán bộ, công tác giáo dục đào tạo đến công tác an ninh, an toàn xã hội để kiểm tra đánh giá toàn diện thành tựu của nhà trường, khẳng định những mặt được của mô hình tự chủ đại học của trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Hiệp hội cũng kiến nghị có một hội thảo quốc gia về mô hình tự chủ đại học, trong đó làm rõ về mặt khoa học – thực tiễn của mô hình tự chủ đại học tại Việt Nam, trong điều kiện Hệ thống chính trị Việt Nam.
Đồng thời, thông qua những hoạt động nay, Hiệp hội sẽ tổng hợp ý kiến để có kiến nghị lên các cấp nhằm góp phần bổ sung những chính sách cụ thể, những giải pháp tình thế nhằm đưa chủ trương đúng đắn của Đảng về tự chủ đại học đến thành công tại Việt Nam.
Vì sao Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh bị đình chỉ?
Ngày 25/8/2020, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
TLĐLĐVN cho biết Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Lê Vinh Danh. Căn cứ kết luận kiểm tra vào cuối tháng 7, Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM đã quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong thời hạn 90 ngày đối với ông Danh. Sau một thời gian xem xét, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thống nhất tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh để kiểm điểm về mặt chính quyền theo quy định.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, ông Lê Vinh Danh có khuyết điểm, vi phạm trong chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế làm việc và các quy chế, quy định của Trường có nội dung không đầy đủ, không bám sát quy định của Đảng, pháp luật; không tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc Trường tiếp tục thực hiện các nội dung Đề án đến năm 2019 chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.
Với trách nhiệm là Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Thủ trưởng đơn vị, ông Lê Vinh Danh đã chỉ đạo thực hiện chưa đúng quy định của Đảng, quy định pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, trực tiếp ký các văn bản thể hiện việc không chấp hành các chỉ đạo của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ của Trường.
Ông Lê Vinh Danh để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm, hạn chế, thiếu sót với giá trị lớn trong quản lý, sử dụng tài chính; quản lý, đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, thanh lý tài sản, thiếu gương mẫu trong việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập; sử dụng chức danh Giáo sư chưa đảm bảo quy định pháp luật hiện hành.