Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc lại bài học về cơn bão số 12 năm 2017 đổ bộ vào Khánh Hòa, yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, nhanh chóng cấm biển, chậm nhất là hôm nay 17/9, xem xét cho học sinh nghỉ học.
Về lực lượng quân đội tham gia phòng chống bão số 5, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nêu rõ, ngay trong tối và đêm 17/9, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẽ bắn pháo hiệu chống bão, đồng thời, gửi công điện từ Thanh Hóa-Bình Thuận sẵn sàng lực lượng người và phương tiện để ứng phó với bão số 5.
Quân khu 5 ngày 17/9 cũng họp triển khai nhiệm vụ phòng, chống bão số 5. Trung tướng Nguyễn Long Cáng Tư lệnh Quân khu 5 nhấn mạnh, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị phải coi phòng, chống bão số 5 là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Cập nhật thông tin về đường đi, hướng đổ bộ, cường độ bão số 5
Sáng ngày 17/9 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 5 (bão Noul).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo về phòng chống thiên tai chủ trì cùng đại diện nhiều bộ, ban, ngành và địa phương liên quan.
Lãnh đạo các đơn vị cùng rà soát các công việc, kế hoạch, chuẩn bị ứng phó tốt nhất với bão số 5, rút kinh nghiệm bài học từ cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa năm 2017 như ngày hôm qua Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có đề cập.
Cụ thể, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 7h ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,4 độ Vĩ Bắc, 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Theo dự báo của Trung tâm, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.
“Đến 7h ngày 18/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc, 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14”, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nêu rõ.
Theo đó, vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khẳng định, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.
Đồng thời, do ảnh hưởng của bão nên khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa có gió bão mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 14. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai hiện nay đang là cấp 3.
Dự báo, trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão số 5 (Noul) di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19h ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc, 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng sóng cao từ 3-5m kết hợp với nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m gây ngập úng các khu vực đầm phá, vùng trũng cửa sông, ven biển.
Tiếp đến, trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Cấp độ rủi ro thiên tai - cấp 3, riêng vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Nam cấp 4.
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ 17-19/9 trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3,0m. Biển động mạnh.
Cấm biển, sơ tán hơn 1 triệu dân vì bão số 5
Tại cuộc họp khẩn sáng 17/9 ứng phó với bão số 5, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, khả năng khu vực trung tâm bão vào mở rộng thêm tỉnh Quảng Nam (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam) do hướng đi của bão số 5 chếch xuống phía Nam.
“Mưa tập trung từ tối và đêm nay (17/9) đến đêm ngày 18/9 với lượng mưa có thể lên đến trên 400mm. Dự báo, bão số 5 sẽ đổ bộ vào bờ, sớm thì từ 8-10h sáng 18/9, muộn thì sang cuối giờ chiều 18/9”, ông Mai Văn Khiêm thông tin.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 5 nên từ chiều 17/9 đến đêm 18/9 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm. Trong khi đó, các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt. Từ 18-20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt.
Ông Mai Văn Khiêm cũng cho biết, hiện tại, không khí lạnh đã về tới biên giới phía bắc của Việt Nam, vùng biển phía Bắc có gió mạnh cấp 6 cộng với gió mùa Tây Nam đang mạnh lên và triều cường khi bão đổ bộ vào sẽ gây ra những tác động rất lớn.
Tại cuộc họp, theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, thông tin của Bộ đội Biên phòng cung cấp, tính đến 6 giờ sáng nay, Việt Nam vẫn còn 511 tàu/3.706 người vẫn hoạt động trong khu vực nguy hiểm của bão số 5.
Trong đó, báo cáo của lực lượng Biên phòng nêu rõ, Quảng Bình 25 tàu, Đà Nẵng 3 tàu, Quảng Nam 89 tàu, Quảng Ngãi 145 tàu, Bình Định 246 tàu, Khánh Hoà 3 tàu.
“Hiện các tàu đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, hiện còn trên 102 tàu trong khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam (43 tàu biển, 59 tàu nội địa)”, ông Trần Quang Hoài cho biết.
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, qua hệ thống quan sát tàu cá của thuỷ sản, số tàu cá trong khu vực nguy hiểm của bão lên tới 1.221 tàu cá, nên số liệu giữa các đơn vị còn vênh nhau, cần lưu ý để chỉ đạo.
Theo ông Trần Quang Hoài đến nay đã có Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế đã cấm biển từ ngày 16/9. Các tỉnh khác như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi dự kiến cấm biển vào ngày 17/9.
Theo ông Phạm Đức Luận, Trưởng ca trực Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện nay, đê biển, đê cửa sông khu vực từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế có 49 vị trí đê điều xung yếu cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ (Thanh Hóa có 6 điểm, Nghệ An: 3 điểm, Hà Tĩnh: 4 điểm, Quảng Bình: 4 điểm, Quảng Trị: 15 điểm, Thừa Thiên Huế: 17 điểm).
Đồng thời, có 16 công trình đê điều đang thi công trên các tuyến đê biển, đê cửa sông (Thanh Hóa 01, Nghệ An 04, Hà Tĩnh 01, Quảng Bình 05, Quảng Trị 03, Thừa Thiên Huế 02).
Hiện còn 127.543ha lúa vụ Mùa chưa thu hoạch, các địa phương còn diện tích lớn như đã báo cáo là Thanh Hóa: 70.000 ha, Nghệ An: 26.000 ha, Quảng Nam: 26.000 ha.
Dự kiến sẽ sơ tán 1,1 triệu dân ra khỏi vùng nguy hiểm để ứng phó với bão số 5, theo có, có thể kế hoạch phải căn cứ tình hình cụ thể, chủ yếu sơ tán tại chỗ, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.
“Để ứng phó bão số 5 dự kiến đổ bộ trong ngày mai, 18/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có kế hoạch sơ tán 295.859 hộ với 1.177.486 người ứng phó với kịch bản bão cấp 10,11. Trong đó Quảng Bình: 208.979 hộ với 835,917 người; Quảng Trị: 23,522 hộ với 94,089 người; Thừa Thiên - Huế: 28,128 hộ với 106,612 người; Đà Nẵng: 35,229 hộ với 140,868 người”, thành viên Ban chỉ đạo cho biết.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẽ bắn pháo hiệu chống bão
Như Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã nêu, đến nay, các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có kế hoạch sơ tán gần 296 nghìn hộ, với gần 1,18 triệu dân với kịch bản bão cấp 10- 11 đổ bộ vào đất liền. Hiện, các tỉnh đang tiếp tục rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế của bão.
Theo đó, tối qua, ngày16/9 đã kích hoạt hệ thống tin nhắn tới các thuê bao trong khu vực ảnh hưởng của bão.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng cho hay, hiện nay, vẫn chưa ghi nhận các trường hợp gặp sự cố do ảnh hưởng của bão số 5.
“Trong tối và đêm nay 17/9, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẽ bắn pháo hiệu chống bão. Gửi công điện từ Thanh Hóa-Bình Thuận sẵn sàng lực lượng người và phương tiện để ứng phó với bão số 5”, lãnh đạo đại diện Bộ đội Biên phòng nêu rõ.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, các bộ, ban ngành và địa phương cần chủ động bố trí nhân lực và phương tiện để ứng phó với bão.
“Đề nghị kiểm tra kỹ số liệu tàu cá đang hoạt động trên biển. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cần tăng cường phát đi các bản tin dự báo bão kịp thời để người dân kịp thời nắm bắt thông tin để ứng phó”, ông Hoài nhấn mạnh.
Bài học chìm 10 tàu vận tải năm 2017 vẫn còn đó
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhận định, khoảng nếu bão đi nhanh, sáng mai, còn chậm hơn sẽ trưa, chiều mai bão sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung, trong đó trọng điểm là các tỉnh từ 5 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Liên quan đến việc các số liệu tàu cá trong vùng nguy hiểm giữa các đơn vị còn vênh nhau, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Văn phòng Ban chỉ đạo đôn đốc các địa phương, lực lượng biên phòng và thuỷ sản, phải thông báo phải di chuyển khỏi vùng nguy hiểm, một số tàu chạy vào bờ có thể là không kịp.
Ông Cường nêu rõ cần khẩn trương rà soát, thông báo cho các chủ tàu thuyền, nhất là tàu vãng lai nhanh chóng ra khỏi vùng nguy hiểm bị ảnh hưởng của bão số 5.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão, tổng kiểm tra, đôn đốc ngư dân trên lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, khách du lịch trên các đảo vì nếu chủ quan sẽ rất nguy hiểm.
“Kiểm soát chặt chẽ khách du lịch, không để du lịch bão như một vài nơi trước đó. Thông báo đến từng cảng vụ, chủ phương tiện để cập cảng an toàn. Rà soát lại để cấm biển, chậm nhất là ngày hôm nay phải cấm”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý về ngành Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo sát sao về hơn 100 tàu vận tải trong khu vực ảnh hưởng của bão.
“Bởi, bài học chìm 10 tàu vận tải do cơn bão số 12 năm 2017 vẫn còn đó. Bộ GTVT chỉ đạo đến các cảng vụ, chủ tàu, các hải trình yêu cầu các tàu cập những cảng gần đó để đảm bảo an toàn”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Cường cũng nêu rõ về vấn đề cho phép học sinh nghỉ học để tránh bão. Theo đó, học sinh ở các tỉnh trọng điểm, khuyến nghị lãnh đạo tỉnh căn cứ tình hình thực tế, với dự kiến ngày mai bão vào và mưa lớn để có hình thức chỉ đạo học sinh nghỉ học.
Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cảnh báo về việc hoàn lưu của bão mưa lớn, gây lũ quét, lũ ông, sạt lở, kể cả khu vực núi đá. Cùng đó, là hệ thống hồ chứa, mưa dự báo cục bộ lớn, công tình nhỏ, dung tích nhỏ, độ đốc lớn. Nhất là hồ hư hỏng, công trình đang thi công.
“Sơ tán dân phải thận trọng, không chủ quan. Cần lưu ý là bão kết hợp với triều cường cao, vũng trùng, thấp, cụm dân cứ ven biển, kể cả dân cư ở sườn tây do tác động của lũ rừng ngang. Việc này, địa phương phải nắm sát, không để bị động, nhưng không để hoang mang”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, phải đẩy nhanh, đôn đốc công tác sơ tán dân ở vùng ven biển, không được chủ quan vì bão vào gắn với triều cường đỉnh cao vì vậy khả năng sẽ bị tác động rất lớn.
“Tổng kiểm tra các mặt để đảm bảo các điều kiện ứng phó với bão số 5. Đôn đốc người dân không được chủ quan, căn cứ tình hình để kiên quyết di dời dân ra khu vực nguy hiểm nhất là trên lồng bè, bãi ngang”, Bộ trưởng Cường nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần căn cứ vào nhiệm vụ được giao thực hiện tốt công tác chỉ đạo, phối hợp trong ứng phó bão số 5 theo phương châm trực tiếp và hướng về cơ sở.
Đồng thời, ngay sau cuộc họp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra một số địa phương trọng điểm ảnh hưởng bởi bão số 5 để chỉ đạo đôn đốc.
Quân khu 5 triển khai nhiệm vụ phòng chống bão số 5
Trong một diễn biến liên quan, sáng 17/9, tại Đà Nẵng, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã họp triển khai nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị ứng phó bão số 5. Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu chủ trì cuộc họp.
Theo đó, quán triệt công điện của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về phòng, chống bão số 5 năm 2020, tại cuộc họp Tư lệnh Quân khu 5 yêu cầu, các cơ quan đơn vị quán triệt, triển khai nhiệm vụ phòng, chống bão chặt chẽ, nghiêm túc theo điện của Quân khu về phòng, chống bão số 5.
Bên cạnh đó, Tư lệnh Quân khu 5 cũng đề nghị các đơn vị duy trì nghiêm các kíp trực chỉ huy, trực ban, trực tác chiến, tăng cường kíp trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Trung tướng Nguyễn Long Cáng Tư lệnh Quân khu 5 nhấn mạnh, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị phải coi phòng, chống bão số 5 là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh vừa phòng, chống bão có hiệu quả.
Lãnh đạo Quân khu 5 nhấn mạnh, theo dự báo, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, thời gian đổ bộ trùng với thời điểm triều cường, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng tại miền Trung. Diễn biến của bão còn phức tạp, cần đề phòng bão đổi hướng, ảnh hưởng đến ven biển và đất liền sớm hơn dự báo.
Đáng chú ý, ngay sau hội nghị này, Bộ tư lệnh Quân khu 5 thành lập 2 đoàn công tác kiểm tra việc sẵn sàng ứng phó bão số 5 của các đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.