Đồng thời, Sở Y tế Đồng Nai cũng đã ban hành văn bản cho phép sử dụng lô vắc-xin viêm nào Nhật Bản từng khiến bé gái N.T.B.T tử vong sau khi bị sốc phản vệ và dị ứng với chế phẩm.
Bé gái tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản là do dị ứng
Ngày 15/9, bé gái một tuổi tên là N.T.B.T (quê An Giang, tạm trú tại huyện Nhơn Trạch) được mẹ đưa đến Trung tâm Y tế thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch để tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản B.
Được biết, đây là mũi tiêm thứ hai sau mũi tiêm thứ nhất một tuần. Sau khi tiêm, bé được theo dõi tại trung tâm y tế trong 30 phút, không có phản ứng lạ nên cho về nhà.
Đồng thời, cha mẹ em bé sau đó có gửi con vào cơ sở giữ trẻ gia đình. Khoảng ba tiếng đồng hồ sau, bé gái bỗng trở nên tím tái, mạch không bắt được và nhanh chóng tử vong sau đó.
Nhận thông tin về sự việc, Sở Y tế Đồng Nai lập tức thành lập Hội đồng chuyên môn điều tra nguyên nhân tử vong. Các bác sĩ khi đó cũng nhận định nguyên nhân tử vong ban đầu là do sốc phản vệ sau tiêm.
Hôm nay, ngày 18/9, liên quan đến trường hợp bé gái 1 tuổi tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản B nêu trên, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai đã có thông tin chính thức.
Theo đó, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, hội đồng tư vấn chuyên môn của tỉnh xác định chất lượng vắc-xin viêm não Nhật Bản JM-020319E, tiêm cho bé gái trước khi tử vong là an toàn.
“Sau khi đánh giá tai biến y khoa, chúng tôi xác định cơ địa bé gái dị ứng với vắc-xin dẫn đến tử vong, không liên quan chất lượng lô vắc-xin trên”, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Vũ khẳng định.
Vì vậy, Sở Y tế Đồng Nai cho phép tiếp tục sử dụng lô vắc xin này trên địa phận toàn tỉnh.
“Sở Y tế Đồng Nai thông báo đến tất cả các đơn vị y tế nhà nước và tư nhân kết luận nêu trên để biết và tiếp tục sử dụng lô vắc-xin trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng tiếp tục lô vắc-xin trên”, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhấn mạnh.
Vụ bé gái một tuổi tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản
Ngày 15/9, Sở Y tế Đồng Nai có báo cáo cho biết về vụ việc bé gái 1 tuổi N.T.B.T (nhà ở An Giang, tạm trú tại huyện Nhơn Trạch) được người nhà đưa đi tiêm chủng mũi thứ hai vắc-xin viêm não Nhật Bản. Mũi tiêm trước đó được thực hiện hôm 7/9.
Được biết, trước khi tiêm mũi thứ hai này, bé gái đã được khám sàng lọc, sức khỏe của em hoàn toàn bình thường. Sau khi được tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản JM-020319E, bé gái được tiếp tục theo dõi tại Trung tâm Y tế khoảng 30 phút không có phản ứng gì bất thường mới được cho về nhà.
Đến khoảng 11h cùng ngày, người thân đến cơ sở giữ trẻ đón em bé thì phát hiện bé tím tái, mạch không đo được. Gia đình đưa bé gái đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Nhơn Trạch rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nhưng không qua khỏi.
Sở Y tế Đồng Nai sau đó cũng đã thành lập hội đồng chuyên môn điều tra nguyên nhân tử vong của trẻ. Đồng thời, sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng pháp y cũng đã tiến hành phẫu thuật, khám nghiệm, điều tra nguyên nhân cái chết bất thường của bé gái.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế thị trấn Hiệp Phước, tại thời điểm tiêm chủng, có 57 trẻ được tiêm cùng một lô vắc-xin trên.
Đặc biệt, các bác sĩ cho biết, có 9 trẻ dùng chung lọ vắc-xin với bé gái không may đã tử vong kia.
Sức khỏe của các bé này sau khi tiêm không có dấu hiệu bất thường. Các lô vắc-xin còn hạn sử dụng đến tháng 2/2021.
“Chúng tôi đã cho ngưng tiêm chủng lô vắc-xin nói trên, rà soát công tác tiêm chủng trên toàn tỉnh, chờ kết luận cuối cùng”, thông báo sau đó của Sở Y tế Đồng Nai nêu rõ.
Theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, viêm não Nhật Bản B là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có nguy cơ gây tử vong cao, tuy nhiên phòng ngừa được bằng vắc-xin.
BS. Vũ cũng cho hay, vắc-xin viêm não Nhật Bản B thường tiêm 3 mũi. Mũi đầu khi trẻ 12 tháng tuổi, mũi hai được tiêm sau đó 1 đến 2 tuần và mũi 3 khi trẻ được 24 tháng. Trước giờ Đồng Nai chưa ghi nhận trường hợp xảy ra sự cố khi tiêm vắc-xin này.
Những vụ trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin ở Việt Nam đáng chú ý
Cách đây không lâu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã phát đi cảnh báo về việc sụt giảm đáng báo động số lượng trẻ em được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh trên khắp thế giới. Nguyên nhân đươc cho là có sự gián đoạn trong việc cung cấp và tiếp nhận các dịch vụ tiêm chủng mở rộng do ảnh hưởng của coronavirus.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác nữa cũng đã được đề cập nhiều trong thời gian qua chính là tâm lý bài vắc-xin do lo ngại nguy cơ tử vong (vì sốc phản vệ), các phản ứng cơ địa không mong muốn hay tác dụng phụ.
Tại Việt Nam, dư luận cũng đã từng chứng kiến những cuộc tranh cãi chưa hồi kết của “lợi và hại” trong tiêm chủng vắc-xin, tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, vắc-xin là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất trong lịch sử y tế cộng đồng và ngày càng có nhiều trẻ em được tiêm chủng hơn bao giờ hết.
Về một số sự cố đáng tiếc liên quan đến việc tiêm chủng vắc-xin, Sputnik xin điểm lại. Cụ thể như trường hợp của một bé 9 tháng tuổi hồi giữa năm 2019 ở Tân Kỳ Nghệ An hay vụ bé trai 4 tháng tuổi tử vong ở Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Nhưng cần nhấn mạnh, đây đều là các sự cố hy hữu, đều đã được cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong và có giải trình đầy đủ sau khi điều tra sự việc.
Vụ thứ nhất là của bé Nguyễn Ngọc Khánh B ( 9 tháng tuổi vào thời điểm 12/7/2019, bé sinh ngày 3/10/2018 ), trú tại xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An.
Sáng ngày 10/7/2019, bé được đưa đến trạm y tế xã Nghĩa Dũng để tiêm phòng vắc- xin Combefive mũi 2. Sau khi tiêm, bé cũng không có biểu hiện gì bất thường, nên được gia đình đưa về nhà.
Đến khoảng 20h cùng ngày, bé B. có biểu hiện sốt 38,5 độ C nên gia đình cho uống thuốc nam và dán miếng hạ nhiệt. Sau khi được uống thuốc, cháu bé đã hạ nhiệt và ngủ đến sáng hôm sau.
Hơn 6h sáng ngày 11/7, mẹ bé B. dậy cho bé B. bú thì thấy vẫn bình thường. Tuy nhiên ít phút sau, bé B. bất ngờ xuất hiện tình trạng co giật, người tím tái.
Gia đình đưa bé B. đến trung tâm y tế huyện Tân Kỳ để cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong. Sau sự việc, Trung tâm Y tế Tân Kỳ đã báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng, cơ quan công an và Sở Y tế để làm rõ sự việc.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Y tế Nghệ An đã báo cáo với Bộ Y tế đồng thời đã thành lập đoàn công tác trực tiếp tới hiện trường để kiểm tra làm rõ nguyên nhân.
Công an tỉnh Nghệ an và đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã vào cuộc, khám nghiệm lấy mẫu để điều tra nguyên nhân bé gái 9 tháng tuổi ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ tử vong.
Trường hợp thứ hai xảy ra ngày 4/12, tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình của một bé trai 4 tháng tuổi ở Hòa Bình, được gia đình đưa đi tiêm vắc-xin 5 trong 1. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau người cháu bé tím tái, đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong.
Cụ thể, trước đó, khoảng 8h30 sáng 4/12, người nhà đưa bé trai hơn 4 tháng tuổi đến Trạm Y tế xã Phú Lão tiêm vắc-xin 5 trong 1. Tiêm xong, cháu bé ở lại Trạm khoảng 1 tiếng theo dõi, không có vấn đề gì sau đó mới được đưa về nhà.
Tuy nhiên, khoảng gần ba tiếng sau, cháu bé có những biểu hiện bất thường như khó thở, quấy khóc, người tím tái, gia đình liền đưa đến Trạm Y tế xã, sau đó được chuyển nhanh đến Trung tâm Y tế huyện Lạc Thủy cấp cứu, nhưng bé đã tử vong.
Vắc-xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho các cá thể để tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể. Vắc-xin tương tác với hệ thống miễn dịch và thường tạo ra một đáp ứng miễn dịch tương tự như tạo ra bởi các nhiễm trùng tự nhiên, nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận.
Sự xuất hiện của vắc-xin được coi là một thành tựu y học vĩ đại của nhân loại bởi từ khi vắc-xin ra đời, nhân loại đã có trong tay một loại vũ khí hữu hiệu và lợi hại nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì lợi ích của vắc-xin đối với con người là rất lớn nên ngày nay hoạt động tiêm chủng đã được phổ biến và khuyến cáo ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu chính thức từ năm 1985 với việc triển khai tiêm 6 mũi vắc xin cơ bản cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi là lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và sởi.
Năm 1997 Việt Nam bổ sung thêm vắc xin thứ 7 là viêm gan B, và năm 2010 bổ sung thêm vắc xin thứ 8 là vắc xin Hib. Các vắc xin khác được dùng ở các vùng có nguy cơ cao cho trẻ trên 1 tuổi là vắc xin viêm não Nhật bản, tả, thương hàn. Trong nhiều năm liên tục tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em đều đạt trên 90%.
Thực tế và kinh nghiệm của Chương trinh Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam trong hơn 25 năm qua, và ở các nước trên thế giới cho thấy rõ là tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch coronavirus đang bùng phát mạnh mẽ, mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch Covid-19 thành công nhất, nhưng việc tiêm chủng mở rộng các chủng vắc-xin khác ở nhiều tỉnh, thành đang bị đình trệ, giống như tình hình chung của thế giới.
Đáng chú ý, việc bùng phát một số ổ dịch bạch hầu với nhiều ca tử vong đang gây lo ngại đối với ngành y tế. Dù đang căng mình chống dịch SARS-CoV-2, nhưng Bộ Y tế Việt Nam vẫn tăng cường chỉ đạo đảm bảo các chương trình tiêm chủng cần thiết và kịp thời ở các địa phương.