Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển ngành ô tô Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu.
Mục tiêu của Chính phủ: Phải có ô tô mang thương hiệu Việt Nam
Công nghiệp ô tô tại Việt Nam vốn luôn được xem là chiến lược quan trọng và là nền kinh tế mũi nhọn của Việt Nam hiện nay.
Ngày 22/9, tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự và có bài phát biểu đáng chú ý cũng như bấm nút động thổ, xây dựng dự án Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư.
Tham dự sự kiện này còn có lãnh đạo một số ủy ban, cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương.
Theo giới thiệu tại sự kiện, Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Hưng là kết quả hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và tập đoàn Thành Công. Tổ hợp này được xây dựng trên quy mô tổng diện tích 340 héc-ta thuộc Khu công nghiệp Việt Hưng, TP. Hạ Long. Đây là địa điểm có vị trí chiến lược, tọa lạc ngay bên bờ vịnh Cửa Lục, thuận tiện giao thương nội địa và quốc tế.
Dựa trên kế hoạch phát triển, Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Hưng không chỉ là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô chính yếu hiện tại của Tập đoàn Thành Công, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối ô tô tại Việt Nam mà còn hướng đến xuất khẩu, mang giá trị của ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và trên thế giới.
Theo nhận định trong thời gian tới, tổ hợp này sẽ là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận sở hữu hàm lượng công nghệ cao, chất xám cao. Theo nhiều chuyên gia, điều này sẽ dễ dàng tạo ra sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô.
Tham dự và phát biểu tại sự kiện này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam hiện nay đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm từ 2011-2020 và dự thảo chiến lược 10 năm 2020-2030 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đều khẳng định mục tiêu phải sớm đưa Việt Nam trở thành nước cơ bản công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.
Đại diện lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, thay vì đầu tư phát triển kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào tài nguyên, vốn, lao động nhân công giá rẻ như trước, Việt Nam ưu tiên chuyển sang chiều sâu, hướng tới nền kinh tế tri thức, kinh tế số.
“Đặc biệt, chúng ta phải chuyển từ một nền công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, sang sản xuất, tăng giá trị nội địa hoá, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, phát biểu tại buổi lễ hôm nay, đồng chí Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, khi đời sống xã hội thay đổi, tiến bộ, xu hướng “ô tô hóa” đang gia tăng mạnh mẽ. Đối với người dân, mong muốn sở hữu một chiếc xe hơi của riêng mình là nhu cầu chính đáng và thực tế hiện ngày càng nhiều người có khả năng chi trả để mua ô tô.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng còn dẫn chứng, một chiếc ô tô có giá trị như một căn nhà trung bình ở đô thị. Trong khi với ngành xây dựng, hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa đạt 99% thì phải nhập khẩu nhiều ô tô để tiêu dùng, còn ô tô sản xuất trong nước thì tỷ lệ nội địa hóa hiện nay lại đang rất thấp. Do đó, cần ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô.
“Mục tiêu của Chính phủ là phải có ô tô thương hiệu Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẹp, thuyết phục được người tiêu dùng sử dụng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Do đó, đại diện lãnh đạo chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị ngành ô tô, tăng dần tỷ lệ nội địa hoá của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, cũng như tiến tới tham gia các chuỗi giá trị công nghiệp ô tô toàn cầu vì đây là yêu cầu cấp thiết.
Phát biểu tại lễ khởi động, đồng chí Trịnh Đình Dũng một lần nữa tái khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng luôn đặc biệt coi trọng và đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Ông Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã điều chỉnh, thay đổi quan điểm phát triển ngành ô tô, thay vì đặt ra những chỉ tiêu nội địa hóa không sát với thực tế, thì tìm cách tiếp cận hài hòa, theo hướng chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Chính phủ khuyến khích các nhà sản xuất ô tô lớn thay vì nhập khẩu thì sẽ chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam thông qua loạt chính sách hỗ trợ bình đẳng, hấp dẫn, như vậy cũng sẽ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Đồng thời, khuyến khích tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phát triển các mẫu ô tô Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa cao.
Bên cạnh đó cũng có những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện đối với các doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đầu tư dây chuyền, đổi mới công nghệ để có thể tự lắp ráp được nhiều mẫu xe, trong đó có cả những mẫu mã của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Công nghiệp ô tô Việt Nam phải tham gia sâu vào chuỗi giá trị ô tô toàn cầu
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, tất nhiên, hiện nay, Việt Nam cũng không thể sản xuất được 100% giá trị của một chiếc xe ô tô.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiểu rất rõ điều này và đã cùng chính phủ ban hành nhiều chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng, góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Đồng thời, Phó Thủ tưởng Trịnh Đình Dũng cũng nêu rõ, công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp ô tô nói riêng vẫn đang đứng trước nhiều tồn tại, hạn chế.
Theo vị lãnh đạo phân tích, hạn chế lớn nhất chính là việc còn thiếu sự vào cuộc của các doanh nghiệp được coi là “đầu tàu” - chính là các doanh nghiệp lắp ráp ô tô, trong việc dẫn dắt các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển thông qua việc đặt hàng, hỗ trợ công nghệ, quản lý, nhân lực phát triển.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá cao việc tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Thành Công đã rất tích cực chuẩn bị để sớm triển khai đầu tư Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng.
“Điều này khẳng định tầm nhìn, quyết tâm, sự vào cuộc của các địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng cho biết, những sản phẩm của tổ hợp sẽ không dừng lại là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô hiện tại của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới xuất khẩu, giúp ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới trong thời gian sắp tới.
Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng nhu cầu thị trường
Bày tỏ quan điểm tại buổi làm việc, để đảm bảo dự án này được triển khai đúng tiến độ trong thời gian tới, cũng như tiếp tục tạo sức hút có hiệu quả đối các dự án đầu tư lớn, đồng chí Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường rà soát, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như cơ chế chính sách, đặc biệt là phải cải cách hành chính, quy hoạch, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cũng như chuẩn bị các điều kiện cơ bản về đất đai, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
“Tỉnh Quảng Ninh cũng cần hoàn tất các thủ tục, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ Việt Hưng theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Trịnh Đình Dũng cho đây là cơ sở để lựa chọn các nhà đầu tư vào khu vực công nghiệp thyeo quy định của pháp luật. Đồng chí Phó Thủ tướng nêu rõ đây là điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ cũng như Thủ tướng.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà đầu tư cần tổ chức thực hiện dự án sau khi đáp úng được các yêu cầu, quy didnhj của pháp luật, phải đảm bảo an toàn chất lượng, hiệu quả cũng như đảm bảo bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ hôm nay, cũng là đại diện Chính phủ, đồng chí Trịnh Đình Dũng khẳng định rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục ủng hộ và đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện để tỉnh Quảng Ninh có thể phát triển nhanh hơn nữa, toàn diện hơn nữa, bền vững hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả Việt Nam.
“Chính phủ khẳng định sẽ ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, trong đó có các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là phát triển được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam còn chưa phát triển là do có xuất phát điểm thấp, các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hầu hết đều đi sau các nước trong khu vực từ 2-3 thế hệ.
Đồng thời, Việt Nam cũng chưa có hệ sinh thái công nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho ngành ôtô phát triển, dung lượng thị trường đối với ngành ôtô còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, dẫn đến chưa tự chủ được các vật liệu cơ bản cũng như các linh phụ kiện đầu vào cho ngành công nghiệp ôtô.
Do đó, với việc khởi động Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng, Việt Nam đang hy vọng sẽ tiếp tục những quyết sách đúng đắn, đi đúng hướng, tiến lên, đưa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển hơn nữa, rút ngắn dần khoảng cách với các nước tiên tiến cũng như dần tạo dựng được thương hiệu ô tô thực sự Made in Vietnam.