Đối phó với khủng hoảng kinh tế trong thời đại dịch
Như hãng tin lưu ý, Vương quốc Anh đã vay 222 tỷ USD trong 5 tháng đầu tiên của năm tài chính hiện tại (bắt đầu từ tháng 4) để hỗ trợ nền kinh tế. “Kể từ khi áp dụng các biện pháp cách ly vào tháng 3, Anh đã vay nhiều tiền hơn so với số tiền vay trong cả năm sau thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009”, hãng tin cho biết. IFS ước tính rằng đến năm 2025, con số chi tiêu của chính phủ sẽ chiếm gần 45% GDP.
Đồng thời, việc gia tăng chi tiêu để đối phó với coronavirus khiến những cam kết của chính phủ trước khi bắt đầu đại dịch có nguy cơ không thực hiện được. Cụ thể, Thủ tướng Boris Johnson trong cuộc bầu cử cuối năm 2019 đã nhận được sự ủng hộ đáng kể từ những vùng nghèo hơn ở miền Bắc, khi hứa hẹn cải thiện tình hình tài chính của các địa phương này.
Tuy nhiên khi đại dịch bùng phát, nhà chức trách bắt buộc phải lựa chọn: hoặc là tài trợ cho cuộc chiến chống dịch, việc sẽ làm phương hại đến những lời hứa của chính quyền, hoặc phải tìm thêm nguồn vốn để bổ sung ngân sách. IFS dự đoán rằng London sẽ tiếp tục tăng thuế, nhưng chỉ làm như vậy sau năm 2022 để không gây trở ngại cho quá trình phục hồi nền kinh tế đất nước.