Theo chuyên gia của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA Hà Thị Quỳnh Anh dẫn báo cáo Dân số thế giới năm 2020 cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.800 bé gái không được sinh ra.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.800 bé gái không được sinh ra?
Con số gây sốc với nhiều người - khoảng 40.800 bé gái đã mãi mãi không được sinh ra ở Việt Nam - được bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA cho biết có tham chiếu đến báo cáo Dân số thế giới năm 2020 trong buổi tư vấn trực tuyến “Giảm thiếu mất cân bằng giới tính khi sinh” trên VnExpress ngày 6/10.
Bà Hà Thị Quỳnh Anh cho biết, con số trên được tính dựa trên sự khác biệt giữa con số ước tính trẻ em gái phải được sinh ra theo quy luật tự nhiên và số trẻ em gái thực tế được sinh ra trong một năm.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế Phạm Vũ Hoàng cho hay, tại Việt Nam, nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ bé trai nhiều hơn bé gái là nền văn hóa truyền thống với tư tưởng Nho giáo đóng vai trò chủ đạo.
Theo đó, một trong những giá trị quan trọng của tư tưởng này là có con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ.
Chia sẻ về những khó khăn mà trẻ em gái Việt Nam hiện đang phải đối mặt, bà Hà Thị Quỳnh Anh nhìn nhận từ góc độ của một chuyên gia về giới và nhân quyền cho biết, vấn đề đầu tiên chính là những định kiến giới, tâm lý yêu thích con trai hơn con gái. Nên rất nhiều gia đình chọn sinh con trai thay vì con gái. Vì vậy, rất nhiều trẻ em gái đã không được sinh ra.
“Theo Báo cáo Dân số thế giới năm 2020, mỗi một năm ở Việt Nam có khoảng 40.800 trẻ em gái không được sinh ra. Con số này được tính dựa trên sự khác biệt giữa con số ước tính trẻ em gái phải được sinh ra theo quy luật tự nhiên và số trẻ em gái thực tế được sinh ra trong một năm”, bà Hà Thị Quỳnh Anh cho hay.
Vấn đề thứ hai là, theo chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA về Giới và Nhân quyền, khi lớn lên các em gái của Việt Nam phải đối mặt với vấn đề xâm hại tình dục trẻ em hoặc bạo lực với trẻ em.
Bà Anh cho biết, vào tháng 7, quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đã công bố Báo cáo Điều tra quốc gia về Bạo lực với phụ nữ tại Việt Nam được thực hiện bởi Bộ LĐTBXH, Tổng cục Thống kê và với sự hỗ trợ kinh phí của DFAT và hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí của Quỹ Dân số Liên hợp quốc.
“Báo cáo này cho thấy, 4,4% trẻ em tại Việt Nam đã bị xâm hại tình dục trước năm 15 tuổi. Có đến 9% và 11% phụ nữ bị bạo lực tình dục và thể xác do người khác gây ra từ khi 15 tuổi”, chuyên gia dẫn số liệu chỉ rõ.
Tiếp đến, vấn đề thứ tư, trẻ em gái ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề mua bán trẻ em gái và phụ nữ vì mục đích bóc lột lao động và tình dục.
“Những vấn đề nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em gái. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em gái bị xâm hại hoặc bạo lực tình dục có nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe như: Sức khỏe sinh sản, tình dục, mang thai sớm, gặp vấn đề sức khỏe tâm thần. Điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai”, bà Anh khẳng định.
Thực tế mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam
Lý giải về nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình của Bộ Y tế ông Phạm Vũ Hoàng cho biết, các số liệu thống kê về tỷ số giới tính khi sinh cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (ở Việt Nam xuất hiện muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh hơn so với một số nước châu Á.
Cụ thể, theo thông tin mà vị chuyên gia cung cấp, trong giai đoạn 1979-1999, theo số liệu Tổng điều tra dân số từ năm 1979 đến nay, Việt nam chưa xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tỷ số giới tính khi sinh là 105 bé trai/100 bé gái (1979), 106 bé trai/100 bé gái (1989) và 107 bé trai/100 bé gái (1999) vẫn trong mức cân bằng. Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ thực sự trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006 khi tỷ số giới tính khi sinh tăng lên 109,8 và luôn ở ngưỡng trên 111 bé trai/100 bé gái (trừ năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh có giảm nhẹ xuống 110,5 bé trai/100 bé gái) và có sự tăng giảm không ổn định.
Ông Hoàng cho biết, năm 2010 là 111,2 bé trai/100 bé gái; năm 2015 là 112,8 bé trai/100 bé gái và năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái.
“Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số các nước khác nhưng có những đặc điểm riêng khiến cho tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao và diễn biến khá phức tạp”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế khẳng định.
Theo lời của vị chuyên gia, tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao và lan rộng. Theo đó, kể từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức trên 111 bé trai/100 bé gái (trừ năm 2009, giảm nhẹ xuống 110,5 bé trai/100 bé gái) và có sự tăng giảm không ổn định.
Đồng thời, mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Ông Hoàng dẫn chứng, năm 2019, theo số liệu của Tổng cục thống kê, thành thị là 110,8 bé trai/100 bé gái và nông thôn là 111,8/100 bé gái.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, xét ở phạm vi vùng kinh tế- xã hội thì đến năm 2019, chỉ có một vùng có tỷ số giới tính khi sinh ở ngưỡng an toàn là Đồng bằng sông Cửu Long (với tỷ số giới tính khi sinh là 106,9 bé trai/100 bé gái, tuy vẫn ở ngưỡng an toàn nhưng đang gần tiệm cận với mức mất cân bằng trên -107 bé trai/100 bé gái).
“Các vùng còn lại đều đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng tỷ số này ở mức rất cao là 115,5 bé trai/100 bé gái. Hầu hết các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc. Một số tỉnh đạt trên 120 bé trai/100 bé gái là như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu”, vị chuyên gia thông tin.
Ngoài ra, thực tế mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất, đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên. Điều này cũng được cho là “khá dễ hiểu” theo nhận thức của người dân và thực tế cuộc sống.
Theo số liệu ca sinh trong giai đoạn 2010-2014, tỷ số giới tính khi sinh của lần sinh thứ nhất là 110 bé trai/100 bé gái tại Việt Nam, không tăng đối với những ca sinh ở lần sinh thứ 2 và chỉ tăng ở lần sinh tiếp theo như lần sinh thứ 3 trở lên ở mức 119 bé trai/100 bé gái.
Đáng chú ý, theo ông Phạm Vũ Hoàng, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, kinh tế khá giả. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, vị chuyên gia cho hay, các ca sinh giai đoạn 2010-2014, tỷ số giới tính khi sinh thấp nhất (106 bé trai/100 bé gái) ở nhóm các bà mẹ không biết chữ.
“Trình độ học vấn của phụ nữ tăng lên tương ứng tỷ số giới tính khi sinh cũng tăng lên từ mức 106 bé trai/100 bé gái đến 115 bé trai/100 bé gái ở bậc đại học. Bên cạnh đó, nhóm nghèo nhất trong năm 2014 có tỷ số giới tính khi sinh ở mức 107 bé trai/100 bé gái, gần với mức sinh học tự nhiên và cao nhất ở mức 113 bé trai/100 bé gái đối với nhóm giàu nhất”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình Bộ Y tế khẳng định.
Đâu là nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam?
Nhận định cụ thể về nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ông Phạm Vũ Hoàng nêu rõ, có 3 nhóm nguyên nhân chính.
Cụ thể, thứ nhất – nhóm nguyên nhân được coi là cơ bản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam là một quốc gia châu Á có nền văn hóa truyền thống với tư tưởng Nho giáo đóng vai trò chủ đạo. Một trong những giá trị quan trọng của tư tưởng này là việc có con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ.
Nhóm nguyên nhân phụ trợ, ông Hoàng phân tích, hiện nay, quy mô gia đình nhỏ ngày càng trở nên phổ biển, mỗi cặp vợ chồng thường sinh 1-2 con nhưng mong muốn trong số đó phải có con trai.
“Vì vậy, họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh để đáp ứng được cả hai nhu cầu trên. Bên cạnh đó, nhu cầu phát triển ở một số vùng đòi hỏi nhiều lao động nam; chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, tỷ lệ có lương hưu đặc biệt ở nông thôn khi về già là rất thấp nên cần sự chăm sóc của con cái, theo quan niệm truyền thống thuộc về người con trai trong gia đình”, vị chuyên gia nói.
Đối với nhóm nguyên nhân trực tiếp, ông Hoàng cho biết đó là do việc lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh, trong lúc thụ thai hoặc khi đã có thai để chẩn đoán giới tính.
“Như vậy, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh chính là định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái vẫn luôn tồn tại mãnh liệt cho mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình và mỗi dòng họ. Tư tưởng đó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam”, chuyên gia Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.
Việt Nam sắp phải nhập khẩu cô dâu và hàng loạt hệ lụy mất cân bằng giới tính
Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm Vũ Hoàng bổ sung thêm, các chuyên gia quốc tế đã dự báo nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được kiểm soát, đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam giới. Như vậy, việc nhập khẩu cô dâu từ các quốc gia khác là điều trên thực tế có thể xảy ra (bài học của Trung Quốc, Hàn Quốc).
Ngoài ra, theo thống kê của Tổng cục Dân số, nếu không có biện pháp can thiệp từ bây giờ thì 30 năm nữa sẽ có khoảng 4 triệu nam giới Việt Nam khó có khả năng kết hôn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nam giới, đặc biệt là nam giới có trình độ học vấn thấp, gia đình nghèo, sống tại các vùng khó khăn. Vì vậy, nó cũng có tác động đến trật tự an toàn trong xã hội, cơ cấu lao động trong tương lai và kinh tế đất nước.
Chuyên gia Hà Thị Quỳnh Anh cho biết, theo báo cáo dân số thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc công bố, Việt Nam là một trong ba quốc gia đang có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất.
Cụ thể: Việt Nam là 111.5 (2019) chỉ đứng sau Trung Quốc 111.9, Ấn Độ 111.6. Trong khi tỉ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên chỉ là 103 - 105 trẻ em trai được sinh ra sống trên 100 trẻ em gái. Và cũng theo báo cáo này thì mỗi năm Việt Nam bị thiếu hụt 40.800 trẻ em gái.
“Hiện nay, Việt Nam chưa phải đối mặt rõ ràng với hậu quả của việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Tuy nhiên, những bài học tử Trung Quốc và Ấn Độ là những nước trải qua vấn đề này trước Việt Nam hơn 20 năm đã chỉ ra rằng hậu quả này có thể xảy ra. Việt Nam cần xây dựng chính sách ứng phó kịp thời”, bà Hà Thị Quỳnh Anh lưu ý.
Độ tuổi sinh con tốt nhất của nam giới và nữ giới là bao nhiêu?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tư vấn cho biết, độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ là từ 25 đến 35 tuổi.
“Điều này liên quan đến hoạt động của buồng trứng và chất lượng của các noãn bào là chính. Khi ở độ tuổi trẻ hơn hoặc cao hơn tỷ lệ các noãn bào bất thường nhiều hơn. Hơn nữa, liên quan tới chất lượng của tử cung, sức khỏe của người phụ nữ để có thể có thai, thai khỏe mạnh và sức khỏe của người mẹ khi mang thai cũng như sức khỏe cho cuộc đẻ’, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh nhấn mạnh.
Ở nam giới cũng vậy, khi tuổi càng cao thì tỷ lệ tinh trùng bất thường cũng nhiều lên. Tuy nhiên, ở nam giới tỷ lệ bất thường nhiều rõ rệt sau 60 tuổi nhất là ở những người có điều kiện làm việc không đảm bảo, môi trường độc hại hoặc có lối sống, thói quen uống rượu, hút thuốc lá.
“Cả nam giới và nữ giới nên lựa chọn độ tuổi sinh con tốt nhất. Với nữ là từ 25-35 tuổi, nam từ 25 đến 50 tuổi. Nam giới cần tránh mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, tránh thức đêm nhiều, không hút thuốc lá, rượu bia quá nhiều”, ông Ánh lưu ý.