Đáng chú ý, trước đó, tại địa điểm nơi 2 nhóm giang hồ dàn trận chuẩn bị hỗn chiến, lực lượng cảnh sát đã tìm thấy khẩu súng ngắn có đạn.
Đồng Nai: Khởi tố 44 đối tượng tham gia cuộc hỗn chiến tranh giành đất
Hôm nay, ngày 8/10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã có quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với 44 đối tượng tham gia vào 2 nhóm chuẩn bị hỗn chiến để giành khu đất rộng 3.000 m2 thuộc phường Thống Nhất.
Trong số đó, có 28 người bị khởi tố về 2 hành vi gây rối trật tự nơi công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản. Những đối tượng còn lại bị khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng.
VKSND cùng cấp đã phê chuẩn các quyết định và lệnh liên quan.
Theo đó, cơ quan điều tra cáo buộc vợ chồng bà Mai Thị Hồng (41 tuổi) và Nguyễn Thành Hưng (45 tuổi) là 2 người đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này. Bà Hồng đã thuê đối tượng Lâm Thanh Sang (32 tuổi, quê Sóc Trăng) đến giữ khu đất tranh chấp với bà Nguyễn Thị Soi (65 tuổi).
Trưa ngày 29/9, Sang đưa hàng chục giang hồ đến tranh chấp với nhóm của Đen (chưa rõ lai lịch). Nhóm người của Sang đã phá dỡ 3 nhà trọ mà nhóm Đen đang ở.
Cũng trong ngày hôm đó, Đen dẫn theo hàng chục giang hồ ở TP Biên Hòa đến giữ đất, chuẩn bị hung khí để hỗn chiến với đối thủ.
Nhận được thông tin, Công an tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lực lượng tiến hành vây bắt 59 người, thu giữ 35 hung khí tự chế, 5 búa tạ và một máy hàn. Sau khi sàng lọc, Công an TP Biên Hòa tạm giữ 44 người.
Đáng lưu ý, ở vị trí cách hiện trường 200 m, cơ quan điều tra đã tìm thấy một khẩu súng ngắn, bên trong có đạn. Bước đầu công an xác định đây là khẩu súng được người liên quan vụ án mang đến để hỗn chiến. Vũ khí này đã được gửi đi giám định.
Giang hồ ở Đồng Nai: Phải ngăn chặn từ gốc
Vụ việc vừa qua là một trong những vấn đề gây bức xúc cho nhân dân, tạo dư luận xấu tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Nhận thức tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương vào cuộc, điều tra, xử lý kịp thời để ngăn chặn các vụ việc gây mất an ninh trật tự tại các địa phương.
Phó Trưởng Công an TP.Biên Hòa - Thượng tá Phạm Hoàng Tiến cho báo Đồng Nai biết, đứng từ góc độ pháp lý, chính quyền địa phương và tòa án là các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực an ninh trật tự, lực lượng công an đã chủ động lập kế hoạch để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc gây mất an ninh trật tự tại các địa phương, đồng thời ngăn chặn việc sử dụng hung khí, vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, từ đó góp phần hạn chế các vụ án hình sự trong các vụ tranh chấp dân sự.
Thượng tá Phạm Hoàng Tiến cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề này, không chỉ công an mà chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan cũng cần đưa ra các biện pháp giải quyết dứt điểm tranh chấp giữa người dân với nhau. Ngoài ra, còn cần phải thực hiện chặt chẽ việc quản lý đất đai, tài sản và tình trạng xây dựng trái phép ở các địa phương.
“Khi xảy ra các vấn đề tranh chấp tài sản, người dân cần bình tĩnh để tìm hướng giải quyết phù hợp, vừa bảo vệ tài sản nhưng cũng tránh những xung đột không đáng có. Nhiều người dân chỉ vì muốn thể hiện sức mạnh của mình mà đẩy các vụ việc đi quá xa dẫn đến vi phạm pháp luật”, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa khuyến cáo.
Nếu những đối tượng này sử dụng hung khí, vũ khí... hô hào, chửi bới, lớn tiếng xúc phạm người khác hoặc phá hoại làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức thì đó là dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng.
“Trong trường hợp các đối tượng sử dụng hung khí gây thương tích, giết người, bắt giữ người trái phép hoặc để hủy hoại tài sản thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng”, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân nhấn mạnh.