Theo một bài báo được đăng trên Frontiers in Immunology, các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng những phát hiện này sẽ giúp phát triển phương pháp điều trị dựa trên hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân.
Ling Chen, Nanshan Zhong và các đồng nghiệp của họ tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng quốc gia về các loại bệnh đường hô hấp của Trung Quốc đã tiến hành một phân tích, tính đến thời điểm này là toàn diện nhất, về tế bào T và tế bào B của hệ miễn dịch ở 23 bệnh nhân COVID-19 trong ba giai đoạn bệnh diễn biến khác nhau.
Các nhà khoa học giải thích rằng tế bào T và tế bào B có bảy loại thụ thể dạng "chuỗi", mỗi loại bao gồm một số phân đoạn. Kết quả cho thấy mỗi một người trong cơ thể có hàng triệu tế bào miễn dịch đặc thù. Sự đa dạng của chúng được ví như "buổi diễn tập miễn dịch", đồng thời việc nghiên cứu nó một cách chi tiết sẽ giúp xác định loại tế bào nào có tác dụng hiệu quả nhất trong việc chống lại căn bệnh truyền nhiễm này.
Trong quá trình nghiên cứu họ phát hiện ra rằng, ở giai đoạn đầu mắc COVID-19, phản ứng của tế bào T giảm đáng kể và chỉ được phục hồi khi tình trạng của bệnh nhân được cải thiện. Do đó, bản chất của loại tế bào này đóng vai trò như một dấu hiệu để dự đoán mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tế bào B, được căn bệnh "kích hoạt", lại thay đổi dạng chuỗi của chúng và bắt đầu sản xuất kháng thể. Việc tìm ra loại chuỗi cụ thể nào được kích hoạt sẽ giúp xác định được loại kháng thể nào có hiệu quả trong điều trị.
“Ở giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi sẽ phân lập các tế bào B riêng lẻ để xác định các kháng thể được tạo ra từ những bệnh nhân đang hồi phục dựa trên sự thay đổi trong chuỗi”, - các tác giả nghiên cứu cho biết.
Về ý nghĩa lâm sàng, theo các nhà khoa học, dựa trên cơ sở nghiên cứu của họ có thể phát triển các xét nghiệm đặc biệt giúp xác định mức độ phức tạp tiềm ẩn của bệnh và cụ thể hóa liệu pháp điều trị. Về mặt giả thuyết thì có thể tác động để cơ thể sản xuất ra các kháng thể hiệu quả, mà bản thân chúng có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị tiềm năng.