Đại hội Đảng bộ TP.HCM bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025
Chiều 17/10, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thông báo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công ông Nguyễn Thiện Nhân (Bí thư Thành ủy TP.HCM khóa X) tiếp tục theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP cho đến khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (dự kiến quý I/2021).
Ông Nguyễn Thiện Nhân, sinh ngày 12/6/1953, quê tại Trà Vinh, là giáo sư kinh tế, tiến sỹ điều khiển học, thạc sĩ quản lý cộng đồng, cao cấp lý luận chính trị. Ông Nhân là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII; Đại biểu Quốc hội khóa X, XII, XIII, XIV.
Được biết, ông Nhân từng kinh qua nhiều vị trí công tác tại TP.HCM như cán bộ giảng dạy Đại học Bách khoa TP.HCM; Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM; Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa TP.HCM; Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP.HCM; Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM.
Tháng 5/2017, ông Nguyễn Thiện Nhân (khi đó là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) được phân công tham gia Đảng bộ TP.HCM, giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Trong phiên làm việc sáng nay, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa mới. Đại hội cũng tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, các đại biểu bỏ phiếu để chọn ra 61 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trong số 72 người do Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ cũ giới thiệu. Trước khi bỏ phiếu, các đại biểu đã thảo luận về công tác nhân sự đại hội.
Trước đó, ngày 11/10, Bộ Chính trị quyết định cho ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, thôi giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Ông Nên được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 và giới thiệu để Ban Chấp hành bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.
TP.HCM giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế do Covid-19
Sáng 17/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã xin ý kiến đại hội về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế sau quá trình thảo luận để bổ sung vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã biểu quyết giảm chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm còn 8%, thay vì 8-8,5% như báo cáo chính trị được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trình bày trước đó.
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế thành phố hiện đang phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong lúc này, tình hình kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dự kiến phát sinh phức tạp, các nước châu Âu, châu Mỹ đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ hai, thứ ba.
Trước tình hình trên, các tổ chức thế giới đánh giá sự phục hồi kinh tế thế giới sẽ kéo dài, nhanh nhất là phải đến hết năm 2021.
“Từ đó có thể thấy tình hình kinh tế thế giới phức tạp sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố”, - ông Phong nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng thông tin, dịch bệnh Covid-19 trong nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, chưa tiếp cận được với vắc-xin. Dự báo tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ còn khó khăn trong những năm tiếp theo.
Theo báo cáo kinh tế của TP.HCM, 9 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố chỉ tăng 0,77%, dự báo đến cuối năm chỉ tăng được 1,3%. Bên cạnh đó, tổng đầu tư xã hội của thành phố cũng giảm. Đây là yếu tố bất lợi cho tăng trưởng kinh tế của giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đang đề xuất Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố vào 2021 lên 23% để đảm bảo nhu cầu đầu tư cho phát triển.
“Tình hình chung cả nước còn khó khăn, do đó đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách còn chưa được xem xét. Vì vậy, việc xem xét điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2020-2025 còn khoảng 8% là khả thi và phù hợp với tình hình thực tế”, - ông Phong giải thích.
Tại phiên thảo luận trước đó cũng có ý kiến đại biểu cho rằng cần xem xét điều chỉnh chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người trên địa bàn TP.HCM đến cuối năm 2025 đạt từ 8.500-9.000 USD/người, vì điều kiện hiện nay rất khó đạt được.
Ông Nguyễn Thành Phong phân tích, chỉ tiêu này được tính toán dựa trên tốc độ dự báo tăng trưởng GRDP cả nhiệm kỳ (từ 8%-8,5%). Việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm còn khoảng 8% sẽ ảnh hưởng đến quy mô GRDP giai đoạn 2020-2025, tác động đến điều chỉnh chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người trong nhiệm kỳ 2020-2025 và cả mục tiêu cụ thể năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Do đó, Đoàn chủ tịch thống nhất xin đề xuất Đại hội điều chỉnh chỉ tiêu GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 8.500 USD; đến năm 2030 đạt 13.000 USD/người (chỉ tiêu ban đầu khoảng 13.000-14.000 USD/người); tầm nhìn đến năm 2045 là khoảng 37.000 USD/người (chỉ tiêu ban đầu 40.000 USD/người).
Các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua điều chỉnh trên để bổ sung vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025.