Cụ thể, khoảng 10 bệnh nhân tham gia quá trình thí nghiệm sẽ được cấy ghép các tế bào - được gọi là tế bào sát thủ tự nhiên NKT, được nuôi cấy từ những tế bào đa chức năng nhân tạo iPS. Ca cấy ghép đầu tiên diễn ra cách đây một tuần, bệnh nhân đang tiến triển tốt. Để điều trị, các nhà khoa học đã lấy tế bào sát thủ tự nhiên NKT từ một người khỏe mạnh làm cơ sở để nuôi cấy tế bào iPS, rồi từ tế bào nuôi cấy nhân tạo đó thu lại tế bào NKT. Các tế bào thu được này đóng vai trò quan trọng trong cơ chế miễn dịch của con người, cụ thể, chúng tham gia vào cuộc chiến chống lại các khối u ung thư. Không giống như các tế bào miễn dịch bình thường, chúng hoạt động rất nhanh, tuy nhiên số lượng không nhiều.
Thí nghiệm sẽ kéo dài trong hai năm. Mỗi bệnh nhân sẽ được cấy ghép 3 lần với tổng số 50 triệu tế bào. Trong thời gian này, các bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng của khối u và kích thước của nó. Việc điều trị được thực hiện trên những bệnh nhân đã thử các phương pháp điều trị khác - phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc các liệu pháp khác.
Ung thư vùng đầu và cổ ảnh hưởng đến khoang miệng, niêm mạc họng. Tổng cộng dạng này chiếm khoảng 5% trong tổng số các bệnh ung thư.
Bước đột phá trong y học tái tạo
Năm 2006, giáo sư Shinya Yamanaka 44 tuổi tại Đại học Kyoto lần đầu tiên trên thế giới thu được tế bào gốc từ tế bào da người bình thường. Các tế bào này được gọi là tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng (nhân tạo đa chức năng) - iPS. Năm 2012 Yamanaka được trao giải Nobel. Khám phá này đã làm bùng nổ lĩnh vực nghiên cứu y học tái tạo. Trên cơ sở phát minh này các nhà khoa học đã phát triển các phương pháp nuôi cấy tế bào cơ tim, ruột, tuyến tụy, võng mạc, máu, da, tế bào thần kinh, buồng trứng, tế bào tinh trùng và nephron thận.
Ca phẫu thuật đầu tiên trên thế giới sử dụng tế bào đa chức năng nhân tạo iPS được thực hiện tại Nhật Bản vào năm 2014. Một bệnh nhân 70 tuổi mắc bệnh võng mạc nặng - thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (Macular dystrophy) - đã được lấy tế bào da để nuôi cấy tế bào gốc nhân tạo iPS. Sau đó dùng chúng để nuôi cấy các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc, rồi tiến hành phẫu thuật cấy ghép cho bệnh nhân.