Mỹ thúc đẩy Đài Loan tăng cường đối đầu với Trung Quốc đại lục
Trong tuần, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hai lần thông qua việc bán vũ khí cho Đài Loan. Vào ngày 26 tháng 10, Lầu Năm Góc công bố một thỏa thuận tiềm năng trị giá 2,37 tỷ USD. Trước đó, ngày 21/10, Mỹ thông báo các chuyến hàng vũ khí sắp tới hòn đảo này trị giá 1,8 tỷ USD.
Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức thông báo với Quốc hội về việc đề xuất bán cho Đài Loan 100 hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon Coastal Defense Systems (HCDS), trong đó có 400 tên lửa mặt nước RGM-84L-4 Harpoon Block II dùng để phòng thủ bờ biển. Phạm vi của các tên lửa hành trình đặt trên đất liền là 48 dặm hay 125 km.
Trong khi đó, việc bán tên lửa hành trình phóng từ trên không có độ chính xác cao AGM-84H SLAM-ER được phê duyệt vào thứ Tư tuần trước, có phạm vi hoạt động khác với Harpoon, vượt quá chiều rộng của eo biển Đài Loan. Đồng thời, Lầu Năm Góc đã được phép bán các bệ phóng tên lửa đặt trên xe tải High Mobility Artillery Rocket System (HIMARS), cũng như các thiết bị lắp đặt trên máy bay do thám.
There it is: US State Department approves a Foreign Military Sale to #Taiwan of 135 AGM-84H Standoff Land Attack Missile Expanded Response (SLAM-ER) pic.twitter.com/tyhLp9yrOC
— Franz-Stefan Gady (@HoansSolo) October 21, 2020
Quốc hội Mỹ có quyền phản đối các giao dịch này trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra do cả hai bên đều có vận động hành lang ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan. Chính quyền Trump đang cố gắng tích cực sử dụng nguồn lực này trước thềm cuộc bầu cử. Đồng thời, bản thân Đài Loan cũng thực sự bỏ qua những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra khi quân sự hóa hòn đảo. Họ tăng cường đối đầu với Trung Quốc đại lục, làm xấu đi môi trường kinh doanh trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Konstantin Sivkov, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga, phụ trách về chính sách Thông tin, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, dự đoán sự gia tăng căng thẳng khu vực này là kết quả của các hành động khiêu khích công khai của Mỹ:
“Trung Quốc nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với hành vi như vậy của Mỹ. Về phần mình, Hoa Kỳ tỏ ra không muốn tính đến lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc là đối thủ địa chính trị chính của Mỹ, và việc bán vũ khí cho Đài Loan, theo người Mỹ, sẽ ngăn cản việc thống nhất với hòn đảo này. Do đó, căng thẳng sẽ ngày càng gia tăng, bao gồm cả việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực eo biển Đài Loan và phản ứng tương xứng của quân đội Trung Quốc. Thậm chí có nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự cục bộ, nhưng tất nhiên không lớn lắm".
Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp và cần thiết để bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia. Hôm thứ Ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cảnh báo những người khơi mào căng thẳng ở eo biển Đài Loan khi bình luận về việc bán vũ khí cho Đài Loan. Nhà ngoại giao kêu gọi Hoa Kỳ tuân thủ nguyên tắc «Một Trung Quốc», ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, chấm dứt quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, để không làm tổn hại thêm quan hệ Trung - Mỹ, hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Hoa Kỳ cố gắng lôi kéo Nhật Bản vào các cuộc khiêu khích chống lại Trung Quốc
Năng lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ có thể được sử dụng để đưa quân tham chiến bảo vệ quần đảo Senkaku (quần đảo Điếu Ngư - Trung Quốc coi đây là lãnh thổ của mình) ở biển Hoa Đông. Tuyên bố khiêu khích này được chỉ huy lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, Trung tướng Kevin Schneider đưa ra trong cuộc gặp với các nhà báo ngày 26/10 trên tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản. Cuộc họp báo được tổ chức để đánh dấu sự bắt đầu của cuộc tập trận hải quân Nhật - Mỹ mang tên “Kiếm sắc”, cuộc tập trận lớn đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga lên nắm quyền vào ngày 16/9.
Theo tướng Mỹ, cuộc tập trận “thể hiện rõ ràng khả năng ngày càng tăng của liên minh Mỹ - Nhật. Dẫn lời Kevin Schneider, hãng tin NHK lưu ý các quan chức từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản coi tuyên bố này như một lời cảnh báo đối với Trung Quốc, nước đang tăng cường các hành động của mình trên vùng biển thuộc quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Vào tháng 7, chính tướng Mỹ này đã hứa hỗ trợ Nhật Bản trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư. Ông cho biết Mỹ hoàn toàn không dao động trong cam kết giúp đỡ "chính phủ Nhật Bản.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Yang Danzhi, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, không loại trừ sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông:
“Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ đưa ra những tuyên bố như vậy. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ngày càng gia tăng hiện nay, cũng như để thúc đẩy “phiên bản thứ hai” của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, có vẻ như họ sẽ áp dụng các tuyên bố của mình vào thực tế. Trên thực tế, người Mỹ đã có ý định như vậy từ lâu, đặc biệt là khi phạm vi của hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ cũng bao gồm quần đảo Điếu Ngư.
Tất nhiên, trong tam giác Trung - Nhật - Mỹ, bất kỳ cuộc xung đột quân sự song phương nghiêm trọng nào cũng tạo ra rủi ro và đe dọa cho bên thứ ba, vì vậy các bên liên quan cố gắng giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Mỹ có thể khiến Nhật Bản thực hiện một số động thái mạo hiểm. Hoa Kỳ đang cố gắng can thiệp vào tình hình ở eo biển Đài Loan, biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng không phải với vai trò là người kiến tạo hòa bình và người bảo đảm ổn định. Ngược lại, do hành động của họ, tình hình ở những khu vực này ngày càng trở nên phức tạp, càng có nhiều nguy cơ rõ ràng hơn xảy ra xung đột”.
Cuộc tập trận «Kiếm sắc” sẽ kéo dài đến ngày 5 tháng 11. Chúng được tổ chức thường xuyên hai năm một lần. Lần này, Nhật Bản và Hoa Kỳ lần đầu tiên cùng huấn luyện về tiến hành tác chiến điện tử, đồng thời tìm hiểu sự tương tác của quân đội của họ trong lĩnh vực an ninh mạng.