Theo kênh truyền hình Zvezda, đây là phát hiện của Trung tâm Nghiên cứu các rạn san hô thuộc Đại học James Cook, Australia. Theo nhà thám hiểm Tom Bridge, đây là rạn san hô lớn nhất ông chưa từng biết đến trước đây.
Chiều cao của rạn san hô là 500 m, được phát hiện vào ngày 20 tháng 10 ở rìa quần thể rạn san hô Great Barrier ngoài khơi Cape York nằm ở phía bắc bang Queensland. Vào ngày 25 tháng 10, các chuyên gia đã đưa một robot hoạt động dưới nước có tên là SuBastian lặn xuống rạn san hô và phát sóng trực tiếp những cảnh quay được trên trang web của viện.
Các nhà khoa học xác định được rằng rạn san hô mới là rạn san hô tách rời thứ tám được phát hiện trong khu vực này. Bảy rạn san hô phát hiện trước đó đã được đưa vào bản đồ từ thập niên 1880. Phần đáy ngầm dưới nước của nó rộng 1,5 km, phần chóp chỉ cách bề mặt đại dương 40 m, chiều cao của tạo tác thiên nhiên này còn hơn nhiều tòa tháp do con người xây dựng. Nó cao hơn cả tháp Eiffel lẫn tòa nhà Empire State, báo “Moskva 24” bình luận.
Theo các chuyên gia, những cấu trúc san hô như vậy có thể được hình thành trong quá trình hàng thiên niên kỷ, kênh truyền hình “360" lưu ý. Các nhà khoa học khẳng định rằng việc hình thành nên những "ngọn tháp" này là kết quả phát triển của nhiều thế hệ san hô. Chúng có thể bám vào đá biển mà lớn lên, hoặc phát triển ngay trên bộ xương "các thế hệ đi trước" của chúng.
Rạn san hô Great Barrier là quần thể san hô lớn nhất thế giới, trải dài 2,3 nghìn km dọc theo bờ biển đông bắc Australia. Quần thể san hô này chiếm khoảng 10% tổng diện tích các rạn san hô trên thế giới.