Chị bạn MKB của chúng tôi sống ở California, nơi có khí hậu ôn hoà quy tụ nhiều kiều bào gốc Việt. Hỏi chuyện bầu cử, MKB vui vẻ cho biết chị đã bỏ phiếu sớm, qua thư bưu điện. Số cử tri bỏ phiểu theo cách giống như chị khá đông, vì được chủ động tự do hơn về thời gian, không phải xếp hàng chờ đợi ở trạm bỏ phiếu như 4 năm trước và tránh được cảnh tập trung đông người một chỗ khi dịch bệnh coronavirus ở Mỹ vẫn hoành hành nặng nhất thế giới. Cách 3 ngày nữa tới ngày bầu cử chính thức 3 tháng 11 đã có hơn 90 triệu người Mỹ bỏ phiếu sớm như chị MKB. Đa số các bang của Hoa Kỳ đều ghi nhận số cử tri bỏ phiếu sớm kỷ lục trong cuộc bầu cử năm nay.
Anh Nguyễn Tâm cũng ở California nhận xét thêm rằng trong số các cử tri bỏ phiếu qua thư đa phần là người ủng hộ ứng viên Dân chủ. Còn trong số bỏ phiếu trực tiếp tại các trạm bầu cử, nhiều người ủng hộ ứng viên Cộng hoà, bởi theo họ quan niệm, như Trump nhận định, việc bỏ phiếu từ xa qua thư bưu điện «sẽ là thảm họa lớn nhất trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ». Không ngẫu nhiên mà Trump đã thổ lộ trên Twitter rằng «bầu cử cần kết thúc vào ngày 3 tháng 11, chứ không phải là vài tuần sau».
Vài tuần hay bao nhiêu ngày thì chưa rõ, nhưng do có lượng đáng kể các cử tri bỏ phiếu sớm qua thư, kiểm phiếu tính theo mốc dấu bưu điện ở nước Mỹ rộng lớn, quy định của các bang khác nhau, việc kiểm đếm loại phiếu bầu này không thể xong ngay như với các thùng phiếu ở trạm bầu cử trực tiếp vốn cũng đã không đơn giản. Khâu kiểm phiếu qua thư bộc lộ sự chênh lệch về quy định giữa các bang, ví dụ bang Georgia chỉ tính các lá phiếu nhận được trong hoặc trước ngày 3 tháng 11, trong khi có những bang như Ohio tính cả các lá phiếu đến muộn miễn là có dấu bưu điện trước ngày 3 tháng 11.
Chắc chắn một số bang sẽ mất đến hàng tuần mới có kết quả chốt. Còn nữa, theo luật bầu cử của Hoa Kỳ cần tính đến kết quả phiếu đại cử tri, cũng là một biến số đầy tính bất ngờ không lường trước nổi. Nghĩa là gần như không thể đoán nổi khi nào có thể chính thức phán quyết ai là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Lựa chọn: Ủng hộ Trump hay là chống Trump
Theo lô-gic hình thức giản đơn thì ở Mỹ những ngày này với hai ứng viên tranh cử chính từ đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ, thái độ cử tri Mỹ nói chung phải chia thành hai phái - ủng hộ Donald Trump và ủng hộ Joe Biden. Nhưng hoá ra không phải thế.
Chị MKB xác nhận rằng lần đầu tiên chứng kiến cảnh cử tri Mỹ có hai tâm thế khá rõ: ủng hộ Trump hay là chống Trump. Ai đó bỏ phiếu cho Biden không hẳn là hâm mộ, ủng hộ cá nhân ông ta, mà chỉ là dành phiếu cho ứng viên đối thủ chống lại Trump mà thôi.
“Nôm na thì nghĩa là trong hai cái tệ, người ta chọn cái đỡ tệ hơn”, - chị MKB nói vui.
Khi cách tuyên truyền là vũ khí lợi hại
Theo cảm quan của chị MKB, cùng với hình thức bỏ phiếu qua thư thích hợp với bối cảnh đại dịch coronavirus, một trong những lý do khiến lần này đông đảo người Mỹ bình dân tham gia bầu cử là hiệu quả tác động tuyên truyền đại chúng trong chiến dịch tranh cử (có gì đó quen thuộc dường như người Mỹ kiêu ngạo đã học tập lối tuyên truyền của cộng sản hay Xô-viết). Tức là khai thác các hình thức văn nghệ quần chúng như ca múa nhạc, các kênh mạng phổ biến như YouTube, thu hút nhiều người lao động bình dân, không quá chú trọng hình thức kinh viện lý luận…
Hoang mang sau bầu cử
Tuy vậy, chị MKB, anh Nguyễn Tâm bày tỏ lo ngại trước sự chia rẽ trong nội tình nước Mỹ. Lịch sử bốn năm qua ở quốc gia siêu cường này đánh dấu bằng nhiều sự kiện chấn động: luận tội Tổng thống, bạo loạn với phong trào Black Lives Matter, đại dịch coronavirus và khởi đầu khủng hoảng kinh tế, không chỉ rung chuyển cuộc sống của những công dân bình thường, lung lay vị thế của nguyên thủ quốc gia, mà còn khiến nước Mỹ lâm vào tình trạng phân hoá sâu sắc đầy bất ổn.
Về cá nhân Tổng thống Trump, xếp hạng tín nhiệm của ông ta đã phá kỷ lục của những người tiền nhiệm ngay từ 100 ngày đầu ở ghế Tổng thống, thấp nhất kể từ năm 1945, rồi tiếp đó luôn sa sút khiến bị luận tội. Đại dịch coronavirus là thử thách khắc nghiệt chưa chấm dứt đối với nước Mỹ và bản thân Trump từng là bệnh nhân, gây khó khăn tổn thất đặc biệt lớn.
Đứng trước lựa chọn dành lá phiếu cho Trump hay cho ứng viên chống Trump, trong cộng đồng cư dân Mỹ phát sinh mâu thuẫn gần như đối kháng ở những phạm vi cục bộ như địa phương, công ty hay thậm chí là trong gia đình. Tâm trạng chung của dân thường ở thành phố là âm ỉ nỗi lo xảy ra hỗn loạn do kết quả bầu cử, thậm chí đến mức bất kể ai thắng cũng sẽ là nguồn cơn của những hành động tiêu cực trong xã hội.
Với câu hỏi, phải chăng ở Mỹ bộc lộ một xu thế khác là người Mỹ đã có phần giảm sút tự tin cũng như sự hài lòng với thực trạng công việc và đời sống, chị MKB nhận xét: Dù vẫn kiêu ngạo về đất nước họ nhưng nỗi lo ngại bất ổn cũng chứng tỏ người Mỹ không còn vững tin được như xưa nữa.
Thời gian sẽ cho thấy ai là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 và nước Mỹ sẽ có vị thế ra sao trong tương lai của một thế giới nhiều biến đổi.
Quan hệ Việt-Mỹ theo vector như trước
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn hiện là Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh Đạo và Sáng Tạo ở Boston, Hoa Kỳ nhận xét: Thời gian qua, với cố gắng từ hai phía, Hà Nội và Washington đang xích lại gần nhau. Xét trên bình diện quan hệ với Việt Nam thì so với Biden, Trump có điểm ưu thế vượt trội vì là vị Tổng thống Hoa Kỳ từng thăm Việt Nam trong hai lần hội nghị thượng đỉnh (năm 2017 và 2019). Thêm nữa, trên cương vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ có thái độ cứng rắn với Trung Quốc, Trump và Việt Nam có phần gắn bó hơn. Tuy nhiên việc quan hệ Việt-Mỹ từ cựu thù thành đối tác là Trump tiếp thu thành quả cải thiện và xây đắp của các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Và tuyến quan hệ đó chắc sẽ còn được tiếp nối. Do vậy, dù D.Trump tái đắc cử hoặc nếu J. Biden lên làm Tổng thống Hoa Kỳ, thì quan hệ Việt-Mỹ hẳn vẫn sẽ tiếp tục phát triển theo chiều hướng hợp tác tốt đẹp, - ông Nguyễn Anh Tuấn tin chắc.