Tên bão Linfa do Macao (Trung Quốc) đề cử, đã từng được sử dụng để đặt tên cho các cơn bão hình thành trong các năm 2003, 2009 và 2015.
Việt Nam đề xuất bỏ tên bão Linfa (cơn bão số 6)
Ngày 16/11, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có văn bản gửi Ủy ban Bão Quốc tế về việc đề xuất loại bỏ cơn bão Linfa trong danh sách tên bão sử dụng đặt tên cho những cơn bão hình thành tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và vùng biển Đông Nam Á.
Bão nhiệt đới Linfa (số hiệu quốc tế là TS 2015) là cơn bão số 6 đổ bộ vào đất liền Việt Nam trong năm 2020. Bão Linfa hình thành từ ngày 9/10 trên Biển Đông và quét vào đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi sáng 11/10 với sức gió mạnh cấp 7-8.
Phía cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng bởi mưa lớn trong và sau cơn bão Linfa đã gây nên thảm họa lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất tác động mạnh đến toàn bộ khu vực miền Trung Việt Nam.
Thống kê, đánh giá thiệt hại đến chiều ngày 26/10/2020, ảnh hưởng của bão Linfa đã làm 148 người chết và mất tích, 1.009 ngôi nhà bị sập, 121.694 ngôi nhà bị ngập lụt gây thiệt hại lớn về người và của cho khu vực miền Trung.
Không chỉ thiệt hại về người, còn có 1.418 ha lúa và 7.871 ha hoa màu bị thiệt hại, hàng trăm ngàn gia súc chết hàng loạt khiến nền kinh tế nông nghiệp ở miền Trung bị thiệt hại nặng nề.
Đề xuất bỏ tên bão Linfa để tránh gây đau buồn
Tổng cục Khí tượng Thủy văn Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, tên bão Linfa do Macao, Trung Quốc đề cử, đã từng được sử dụng để đặt tên cho các cơn bão hình thành vào các năm 2003, 2009 và 2015.
Nhằm chia sẻ những mất mát và thiệt hại nặng nề về người cũng như tài sản của nhân dân vùng lũ trong đợt thiên tai, mưa lũ cho bão Linfa gây ra, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Ủy ban Bão Quốc tế xem xét loại bỏ tên bão Linfa ra khỏi danh sách tên bão sử dụng đặt tên cho các cơn bão hình thành tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và vùng biển Đông Nam Á.
“Để chia sẻ với những mất mát và thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân vùng lũ bão trong thiên tai do bão Linfa gây ra, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã đề nghị Ủy ban Bão quốc tế xem xét loại bỏ tên bão Linfa trong danh sách tên bão sử dụng đặt tên cho các cơn bão hình thành tại khu vực Tây Bắc Thái Bình dương và vùng biển Đông Nam Á”, văn bản của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia khẳng định.
Chia sẻ nỗi đau với người dân sau thiệt hại do mưa bão, lũ lụt
Nêu rõ trong văn bản gửi Ủy ban Bão Quốc tế, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhấn mạnh, theo quy định được Ủy ban Bão quốc tế phê chuẩn tại khóa họp lần thứ 31 của Ủy ban Bão tổ chức vào năm 1998 tại Philippine, các nước thành viên đóng góp 10 tên bão vào ngân hàng tên, sử dụng khi có cơn bão mới hình thành. Dùng lần lượt hết tên trong ngân hàng thì sẽ quay trở lại dùng tên cũ.
Theo Theo quy định của Ủy ban Bão Quốc tế, các thành viên được đề xuất loại bỏ một hay nhiều tên bão trong danh sách nếu bão đó gây hậu quả nghiêm trọng hay vì lý do nào khác. Điển hình như, khi cơn bão gây ra thảm họa nhân mạng hoặc tài sản quá nhiều thì tên của nó sẽ bị rút khỏi bảng danh sách đặt tên đã được ấn định trước. Điều này để tránh gây những đau buồn khi bảng danh sách tên quay vòng trở lại.
Trong trường hợp phải rút tên, một ủy ban của Ủy ban Bão Quốc tế sẽ có nhiệm vụ chọn tên khác thay thế trong phiên họp thường niên. Hiện nay có sáu danh sách tên bão nên tên bão trong năm sẽ xoay vòng theo chu kỳ sáu năm (chẳng hạn tên bão của năm 2005 sẽ trở lại vào năm 2011).
Về đề xuất loại bỏ tên bão Linfa, việc đề xuất loại bỏ tên bão Linfa là hành động của người làm công tác Khí tượng Thủy văn như một sự chia sẽ nỗi đau, mất mát với người dân. Tổng cục cho biết đề xuất sẽ được xem xét và thông qua tại cuộc họp thường niên năm 2021 sắp tới.
Nếu đề xuất đổi tên bão của Việt Nam được thông qua, thành viên Macao, Trung Quốc sẽ lựa chọn ba tên bão mới và đề cử vào Khóa họp thường niên tiếp theo vào năm 2022 để Ủy ban Bão lựa chọn và phê duyệt một tên bão mới.
Thực tế, đây là lần thứ 3, Việt Nam tiến hành đề xuất loại bỏ tên bão, là việc làm thiết thực của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam nhằm chia sẻ những mất mát với thân nhân và các gia đình nạn nhân bị thiệt mạng và còn mất tích do hậu quả nghiêm trọng do cơn bão gây nên.
Đề xuất này của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam góp phần nhắc nhở cộng đồng luôn chủ động trước những diễn biến cực đoan của thời tiết và khí hậu.
Trước đó, bão Sao Mai năm 2018 được đổi thành Sontinh, Lekima năm 2019 cũng đang được đề xuất đổi tên.