Vào tháng 9, Cộng hòa Liên bang Đức đã thông qua chiến lược đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tên gọi "Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương". Theo văn kiện này, Đức muốn mở rộng sự hợp tác với các nước Đông Nam Á để hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và ASEAN. Berlin cũng có ý định phát triển hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh mạng với Australia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc.
Tài liệu này chắc chắn có giá trị bởi vì Berlin ủng hộ ý tưởng về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (ví dụ, Matxcơva giữ thái độ cảnh giác với thuật ngữ này). Nhưng, khi đó vẫn chưa rõ Đức sẽ làm gì trong khu vực này.
Vào đầu tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã làm rõ mọi thứ khi phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến diễn ra tại Australia. Sau khi nhấn mạnh rằng, tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang bị đe dọa, bà Karrenbauer cho biết, vào năm 2021, Đức có thể điều một tàu khu trục đến Biển Đông để cùng tham gia các cuộc tuần tra và sẽ cử các sĩ quan Đức tham gia vào các đơn vị hải quân Australia.
Giải thích về quyết định của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nêu rõ, các tham vọng của Trung Quốc và hành vi của họ vi phạm luật pháp quốc tế chỉ có thể được tiếp cận trên cơ sở đa phương. Bà coi khối NATO là một cơ sở như vậy, vì đây là một liên minh quân sự để bảo vệ các quốc gia thành viên. Annegret Kramp-Karrenbauer đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Mỹ trong liên minh này và nhấn mạnh rằng, các thành viên khác của NATO nên có phần đóng góp riêng cho Mỹ. Trong trường hợp này, "phần đóng góp" sẽ là sự tham gia của Đức vào các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Quân đội Đức đã tham gia cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam
Trước đây, trong cuộc Chiến tranh Lạnh, quân đội Tây Đức cũng là một đồng minh đáng tin cậy của Hoa Kỳ. Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh chống lại nhân dân Việt Nam, nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) đã cử tàu bệnh viện “Helgoland” đi hỗ trợ đồng minh của mình. Chiếc tàu này đã hiện diện ngoài khơi miền Nam Việt Nam từ năm 1966 đến năm 1971. Bây giờ bộ máy tuyên truyền của Đức nói về hàng ngàn sinh mạng được các bác sĩ Đức cứu sống. Nhưng, đa số bệnh nhân được cứu chữa trên tàu là những người lính Mỹ, và họ lại tiếp tục chiến đấu chống lại những người cộng sản Việt Nam. Lập trường của chính phủ Tây Đức đối với sự xâm lược của Mỹ không thể được đánh giá một cách tích cực. Rõ ràng là Tây Đức đã đóng vai trò đồng minh của Hoa Kỳ, khác với, chẳng hạn, chính phủ của các nước vùng Scandinavia hoặc Pháp.
Đức trở thành quốc gia thứ ba thông qua chiến lược của riêng mình đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nước đầu tiên là Mỹ, nước thứ hai là Pháp. Chính phủ Anh cũng đang phát triển chiến lược của riêng họ đối với khu vực xa xôi này. Một trong những lý do chính dẫn đến điều này là do trung tâm của nền kinh tế và chính trị thế giới đang chuyển sang vùng Thái Bình Dương. Và các quốc gia Tây Âu có quan hệ kinh tế sâu rộng với các quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương. Nhưng, ở đây nói không chỉ về mối quan hệ kinh tế. Các chiến dịch của “tập thể phương Tây” đại diện là NATO không mang lại kết quả tốt. Chỉ cần nhắc đến Balkan, Libya, Iraq và các điểm khác trên bản đồ thế giới, nơi khối Bắc Đại Tây Dương cố gắng giải quyết các vấn đề của mình. Sẽ tốt hơn nếu các nước Đông Nam Á nâng cao cảnh giác trước những bước đi của các binh sĩ Tây Âu.