Chính phủ khẳng định, việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện tổ chức hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.
Chính phủ nêu sự cần thiết phải thành lập thành phố Thủ Đức
Ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 51 với việc xem xét quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 -2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, trong đó có việc thành lập Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Thủ Đức.
Theo chương trình làm việc, trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày quan điểm của Chính phủ về việc “vì sao nên thành lập thành phố Thủ Đức”.
Trình bày tờ trình của Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM (dự thảo nghị quyết), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo lập luận của Chính phủ, đây là đầu mối các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 52.
Theo Tờ trình của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, năm 2019, cả ba quận 2, quận 9 và Thủ Đức đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, tốc độ phát triển cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hồ Chí Minh, tương đương 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước (xét về quy mô, chỉ đứng sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn cả GRDP của tỉnh Bình Dương và Đồng Nai).
Đồng chí Lê Vĩnh Tân cũng cho hay, giai đoạn 2016 -2019, thu ngân sách của ba quận đạt 37.158 tỷ đồng, chi ngân sách đạt 11.174 tỷ đồng.
Nêu ra sự cần thiết thành lập thành phố Thủ Đức, Chính phủ cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp thương mại dịch vụ du lịch và tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến việc dân cư tập trung với mật độ cao.
Do đó, cần tập trung quản lý nhà nước thống nhất trên địa bàn ba quận này, tạo điều kiện kinh tế xã hội để tiếp tục phát triển, xây dựng ba quận thành một đô thị “sáng tạo, tương tác cao” và là động lực phát triển mới của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại đơn vị hành chính thông qua việc sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chính phủ cũng khẳng định, việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện tổ chức hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.
Phải giao quyền cho Thủ Đức, tăng thêm nhân lực ngành tòa án
Thảo luận về nội dung thành lập thành phố Thủ Đức, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình bày tỏ ủng hộ đề xuất, Tờ trình của Chính phủ và nhất trí với quan điểm rằng, thành phố Thủ Đức sẽ là “động lực của TP. HCM”, cửa ngõ phía đông tiếp cận với Bình Dương, Vũng Tàu và trung tâm kết nối với miền Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Bình cũng lưu ý vấn đề về việc cần cân nhắc, quy hoạch như thế nào cho đúng tầm, phát huy được cơ chế chính quyền đô thị đối với thành phố Thủ Đức.
Ủng hộ tinh thần “phải giao quyền cho thành phố Thủ Đức, chứ không thể coi đây đơn vị tương đương cấp huyện” của TP.HCM, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh, Chủ tịch của TP. Thủ Đức phải nắm quyền không kém Phó Chủ tịch TP.HCM.
“Phải hiểu là chúng ta xây dựng thành phố là động lực phát triển, chứ không chỉ là thành phố trực thuộc TP.HCM”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh.
Trong khi đó, bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội lại quan tâm đến nhiều vấn đề như khiếu nại tố cáo, quy hoạch, phương thức huy động vốn, kiện toàn bộ máy nhân sự đối với thành phố Thủ Đức. Ông Giàu lưu ý đến việc phát sinh nguồn kinh phí như thế nào để đảm bảo cơ sở vật chất, vấn đề cán bộ dôi dư.
“Nếu dôi dư cán bộ thì phải xử lý trong bao lâu”, ông Giàu nêu vấn đề.
Liên quan đến vấn đề kiện toàn bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân tại Thủ Đức, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện tại, số vụ án phải xử lý của hai quận, huyện Thủ Đức là trên 6.000 vụ mỗi năm, nhiều hơn một số tỉnh, chẳng hạn như Bắc Kạn.
“Một tỉnh có 6.000 vụ thì ngoài tòa án tỉnh, còn có 5-6 tòa án quận huyện, song Thủ Đức hiện nay chỉ có một trụ sở, mỗi tháng phải xử lý hơn 500 vụ, mỗi ngày xử hơn 20 vụ là số lượng rất lớn”, Chánh án Tòa Tối cao nêu thực trạng quá tải về xét xử, xử lý hình sự ở Thủ Đức hiện nay.
Theo đó, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề xuất bổ sung thêm 180 cán bộ tòa án cho Thủ Đức, đồng thời có thể tăng biên chế cho ngành.
Về vấn đề liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, hôm nay (9/12) Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương (về thành lập thành phố Thủ Đức) sau khi có nghị quyết thì địa phương sẽ bàn nhân sự, cơ cấu bộ máy tổ chức.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức
Với 100% số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chiều 9/12 đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Nghị quyết này của Quốc hội nêu rõ, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2, toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức.
Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt 1.013.795 người.
Đồng thời, theo Nghị quyết mới, TP. Thủ Đức giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
Cùng với đó, Nghị quyết cũng cho thấy việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Thủ Đức như lập thêm phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm, lập phường An Khánh (mới) trên cơ sở sáp nhập phường Bình Khánh và phường Bình An.
Cụ thể, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Thủ Đức như sau: Nhập toàn bộ 1,74 km2 diện tích tự nhiên, 124 người của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm.
Sau khi nhập, phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người. Phường Thủ Thiêm giáp phường An Khánh, phường An Lợi Đông.
Quận 1, Quận 4 và quận Bình Thạnh. Thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của phường Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của phường Bình An.
Sau khi thành lập, phường An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người. Phường An Khánh giáp các phường An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Tây, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm; Quận 7 và quận Bình Thạnh.
Như vậy, sau khi thành lập TP Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP Thủ Đức có 34 phường gồm phường An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
“Giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, TP.HCM”, Nghị quyết nêu rõ. Đồng thời giải thể VKSND Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập VKSND TP Thủ Đức, TP HCM.
Theo đó, TAND TP Thủ Đức, VKSND TP Thủ Đức có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, VKSND Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.
Sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.
Theo đó, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố, 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.
Nghị quyết cũng giao Chính phủ, HĐND, UBND TP.HCM và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức thi hành, sắp xếp bộ máy các cơ quan tổ chức ở địa phương, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.