Việt Nam tiếp tục “đốt lò”: Đằng sau việc ông Tất Thành Cang bị bắt

© Ảnh : TTXVNÔng Tất Thành Cang.
Ông Tất Thành Cang. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việc ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM vừa bị khởi tố, bắt giam, Việt Nam tiếp tục chiến dịch “đốt lò” thiêu tham nhũng ngay trước thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 13.

Phía sau việc bắt ông Tất Thành Cang là gì? Có rất nhiều “tín hiệu” liên quan đến việc bắt giam ông Tất Thành Cang và xử lý cán bộ sai phạm, tiêu cực, “hại nước, hại dân”.

Chống tham nhũng không vùng cấm và thận trọng xử lý cán bộ

Như đã thông tin, ngày 16/12, ông Tất Thành Cang, 49 tuổi, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam về hành vi ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí' theo điều 219, Bộ Luật hình sự 2015.

Ông Tất Thành Cang. - Sputnik Việt Nam
“Thôi rồi” ông Tất Thành Cang

Sai phạm của ông Tất Thành Cang là vô cùng nghiêm trọng và “có hệ thống”. Ngoài việc bị khởi tố, xử lý hình sự vì chấp nhận chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn SADECO, gây thiệt hại Nhà nước ít nhất 153 tỷ, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang còn liên quan đến ít nhất ba sai phạm khác trong suốt thời gian làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

Tuy nhiên, có thể thấy, đã là sai phạm “có hệ thống” thì việc ông Tất Thành Cang “ngã ngựa” chỉ là chuyện sớm hay muộn, nhưng đáp ứng được mong mỏi của người dân, cử tri về xử lý cán bộ sai phạm, tiêu cực, làm trong sạch hàng ngũ của Đảng và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Ngoài cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang bị bắt và xử lý hình sự, như báo cáo tại Hội nghị tổng kết về công tác phòng chống tham nhũng vừa qua, giai đoạn 2013-2020, nhất là từ năm 2016 đến nay, trong hơn 80.000 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, có trên 3.200 người bị kỷ luật vì “nhúng chàm”, dính đến tham nhũng.

Đặc biệt có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương, 4 Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 lãnh đạo, sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng Quân đội, Công an. Đồng thời, có 18 cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, kịp thời và quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng phức tạp đã được phát hiện, “đưa ra ánh sáng”, khởi tố, điều tra, xét xử nghiêm minh trước pháp luật và sự ủng hộ của nhân dân.

Quyết tâm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam chưa bao giờ quyết liệt đến thế như dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Chuyện nâng đỡ không trong sáng, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, những chuyến tàu “vét”, “hạ cánh an toàn”, hay cả chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con” cũng được xử lý mạnh tay, tạo được sự răn đe, giáo dục chung.

Ông Bùi Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an và Tất Thành Cang trong buổi diễn tập chữa cháy - Sputnik Việt Nam
Xử ông Tất Thành Cang thế nào?

Chia sẻ về sự việc một cán bộ được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo, vị trí, kinh nghiệm làm việc như ông Tất Thành Cang, đồng chí Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương trong cuộc trao đổi với Zing cho rằng đây là động thái được nhân dân, nhất là người dân TP.HCM, người dân Thủ Thiêm rất mong chờ.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, phía sau việc xử lý cán bộ được xác định có những sai phạm nghiêm trọng như trường hợp của ông Tất Thành Cang cho thấy ‘2 tín hiệu’.

Thứ nhất là sự quyết tâm của Đảng (Cộng sản Việt Nam) mà người lãnh đạo, điều hành trực tiếp là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

“Động thái này cho thấy Đảng thực hiện đúng phương châm “lời nói đi đôi với việc làm”, đó là chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”, đồng chí Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Tín hiệu thứ hai, theo nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang cho thấy Trung ương “rất thận trọng”, không vội vàng khi xử lý cán bộ.

“Đảng không du di, không bao che mà phải thận trọng, vì sinh mạng chính trị của con người không thể đùa được”, đồng chí Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Vì sao đến giờ ông Tất Thành Cang mới bị xử lý?

Vị nguyên lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương kể lại thời điểm năm 2018 tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có “những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng”.

Ông Tất Thành Cang - Sputnik Việt Nam
Ông Tất Thành Cang và chuyện đi đêm với Sadeco

Khi đó, còn có nhiều ý kiến băn khoăn trong dư luận, quần chúng nhân dân về hướng xử lý tiếp theo cán bộ có rất nhiều sai phạm này. Theo lời vị chuyên gia, thậm chí còn có dư luận rằng, ở Trung ương có 30% ý kiến không muốn xử lý kỷ luật ông Tất Thành Cang.

Ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ, thời điểm đó, ông rất băn khoăn và có nhiều thắc mắc, nên đã trực tiếp gọi điện cho một lãnh đạo có thẩm quyền để hỏi. Vị cán bộ đó khẳng định với nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương rằng thông tin trên là không đúng.

“Không có chuyện Trung ương nương nhẹ hay bao che cho những sai phạm của cán bộ”, đồng chí Vũ Quốc Hùng nhắc lại và cho rằng, sở dĩ quy trình làm rõ sai phạm của ông Tất Thành Cang kéo dài do các cơ quan kiểm tra, thanh tra phải xác minh rất thận trọng.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, để xử lý triệt để, cần làm rất nhiều việc. Các cơ quan điều tra, tố tụng phải vào cuộc làm rõ ông Tất Thành Cang có tội hay không và tội đến mức nào.

Cho đến nay, khi đã điều tra ra, mọi thông tin đều rõ ràng, các cơ quan có thẩm quyền đã quyết định xử lý hình sự chứ không chỉ dừng ở kỷ luật Đảng hay kỷ luật hành chính nữa.

Đồng chí Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh, việc xử lý ông Tất Thành Cang giúp “củng cố niềm tin của nhân dân” và là bước đi vững chắc, thận trọng trong cách làm việc của Trung ương.

Cá nhân nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng mong muốn những người liên quan sẽ tiếp tục được làm rõ.

Trao đổi với báo chí, đồng chí Vũ Quốc Hùng, người từng có kinh nghiệm làm việc, trải qua vị trí ban lãnh đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, xử lý cán bộ cấp cao thường có khó khăn.

Yêu cầu đầu tiên, trước hết là phải trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời. Muốn như vậy phải đọc và nghiên cứu kỹ tài liệu, không làm việc bằng cảm giác, suy luận hay sức ép nào. Điều này là nguyên tắc, khách quan, đảm bảo tính công bằng trong các quyết định, nhất là vấn đề nhạy cảm như công tác cán bộ.

Việc Trung ương tăng cường xử lý cán bộ (điển hình như việc khai trừ ra khỏi Đảng cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa qua – PV) ngay trước thềm Đại hội Đảng 13, đồng chí Vũ Quốc Hùng cho rằng, điều này sẽ “gióng lên hồi chuông” cảnh tỉnh cho nhiều người.

Nguyễn Xuân Anh - Sputnik Việt Nam
"Hạt giống đỏ" Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh, Tất Thành Cang : Bài học 'đắt giá' đối với cán bộ trẻ

Đúng như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, và còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Theo tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, “cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.

“Chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn, càng phải trọng liêm sỉ”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại.

Bàn về vấn đề xử lý cán bộ, nhất là thông qua vụ việc của ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, việc khởi tố, bắt tạm giam cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho thấy “quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực”, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đang ngày càng lên cao, thể hiện đúng tinh thần “không vùng cấm”, “không hạ cánh an toàn” mà Đảng, Nhà nước quán triệt.

Từ nhiệm chính là hành động thay cho lời xin lỗi với nhân dân

Có thể nói, vụ việc của ông Tất Thành Cang nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là cử tri TP.HCM, dân Thủ Thiêm.

Cử tri TP.HCM trước đó đã nhiều lần đề nghị Trung ương có hướng xử lý đối với ông Tất Thành Cang vì đã được xác định sai phạm, bị kỷ luật, nhưng ông Cang vẫn là đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố.

Ông Tất Thành Cang - Sputnik Việt Nam
Ông Tất Thành Cang: “Nếu chúng ta đụng tới ngân sách thì sẽ bị kiểm toán”

Thậm chí, có cuộc tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc kêu gọi cần sớm có hướng kỷ luật, không để kéo dài “không nương tay”, “không bao che” cho cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM ông Lê Thanh Hải và cựu Phó Bí thư Thường trực Tất Thành Cang.

Trước việc ông Tất Thành Cang bị bắt, cử tri cho rằng, đây là minh chứng cho quyết tâm và lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng.

Thậm chí, có cử tri cho rằng, dù chỉ mới bị đình chỉ tư cách Đại biểu HĐND TP.HCM nhưng ông Cang nên từ nhiệm vì đã không còn xứng đáng với niềm tin và lựa chọn của người dân nữa. Từ nhiệm vừa thể hiện sự dũng cảm của cán bộ, công chức, đảng viên, nhận ra lỗi lầm, sai phạm của mình.

Từ nhiệm cũng chính là hành động thay lời xin lỗi vì đã phụ nhân dân, phụ niềm tin vào các cán bộ “tưởng đỏ” mà không chín, gây tổn thất cho Nhà nước, ảnh hưởng đến ủy tín của tổ chức và tập thể.

Bài học cho những cán bộ hiện tại

Phát biểu về trường hợp của ông Tất Thành Cang, nguyên Giám đốc Học viện Hải Quân, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của Trung ương khóa XII đã khiến cho người dân, cán bộ hưu trí “tin tưởng tuyệt đối” với quyết tâm mạnh mẽ của Đảng.

“Đúng như lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói là không có vùng cấm, điều này làm cho dân yên, Đảng mạnh, xã hội yên tâm phát triển”, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, nguyên Giám đốc Học viện Hải Quân cũng tỏ ra nuối tiếc khi những cán bộ có tư duy, có sức khỏe, năng nổ trong công việc như ông Tất Thành Cang “vướng vòng lao lý”.

Ông Trần Lưu Quang - Sputnik Việt Nam
Ông Trần Lưu Quang thay cho ông Tất Thành Cang: "Tôi rất lo lắng"

Theo Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, điều đáng tiếc là họ không kiềm chế được mình nên đã phạm sai lầm, để tổ chức phải giải quyết.

Nguyên lãnh đạo Học viện Hải quân nhấn mạnh đây là “bài học” cho những cán bộ, lãnh đạo hiện tại và tương lai.

“Cán bộ ở bất kỳ cấp nào cũng phải tu thân trước, cấp càng cao thì tu thân càng nhiều để làm gương cho nhân dân, cho cán bộ cấp dưới”, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nêu rõ.

Về lo ngại công cuộc “đốt lò”, phòng chống tham nhũng quá mạnh sẽ khiến cán bộ nhụt chí, “không dám làm”, “không dám hành động”, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân khẳng định một cán bộ thực sự vì nước, vì dân thì sẽ không sợ gì cả, vì “họ biết họ làm đúng”.

“Còn nếu cán bộ vì chuyện này mà chùn bước, không dám làm thì nên đứng sang một bên cho người có bản lĩnh, có đức, có tài làm”, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định.
Khởi tố thêm bị can vụ án liên quan ông Tất Thành Cang

Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam thành viên Hội đồng Quản trị Công ty cổ phàn Phát triển Nam Sài Gòn SADECO Nguyễn Hữu Thành ngày 17/12.

Ông Vũ Quốc Hùng - Sputnik Việt Nam
"Cách chức ông Tất Thành Cang chỉ là bước đầu"

Cũng trong ngày 17/12, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam của Công an TP.HCM đối với ông Nguyễn Hữu Thành (Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phàn Phát triển Nam Sài Gòn SADECO).

Ông Nguyễn Hữu Thành bị bắt để phục vụ điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Ông Thành bị bắt vì dính đến sai phạm trong phát hành cổ phiếu tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn SADECO.

Ông Nguyễn Hữu Thành được xác định biểu quyết thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000đ/cổ phiếu không qua thẩm định gái gây thất thoát 208 tỷ cho SADECO.

Cùng với đó, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố ông Phạm Nhật Vinh, cũng là thành viên HĐQT SADECO. Công an TP.HCM trước đó cũng đã khởi tố 17 cán bộ là lãnh đạo cấp cao SADECO, IPC, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, cán bộ Văn phòng Thành ủy TP.HCM.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала