Theo thống kê của Sở Giao thông Vận Tải Hà Nội, Năm 2020, liên ngành giao thông vận tải đã xử lý được 8/34 điểm ùn tắc. Nhưng hiện tại trên toàn thành phố đang có tới 26 điểm ùn tắc giao thông vẫn đang chờ được xử lý. Mục tiêu sắp tới của cơ quan này là có thể giảm được từ 8 đến 10 điểm trong số 26 điểm ùn tắc trong năm 2021.
Đặc biệt, các điểm ùn tắc nghiêm trọng như Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt; nút giao cầu 361 - Nguyễn Khang; điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu; đường Vành đai 3 đoạn nút giao Big C; nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ sẽ được xử lý sớm nhất có thể. Đồng thời, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông cũng đang được thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Giao Thông Vận tải để sớm đưa vào sử dụng, sau khi chạy thử 20 ngày.
“Để kéo giảm ùn tắc, Sở vừa đề xuất UBND thành phố Hà Nội một số nhóm giải pháp gồm: Xén mở rộng tối đa mặt đường, tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông; xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng, thường xuyên; xén vỉa hè mở rộng các nút giao để tăng lưu lượng giao thông qua nút; tổ chức giao thông hợp lý, cho các phương tiện rẽ phải liên tục, cấm rẽ trái tại một số nút giao để hạn chế xung đột giao thông” – Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết.
Song hành với kế hoạch giảm tải ùn tắc giao thông, không thể thiếu giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông ở Thủ đô.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được chạy thử
Nhằm kiểm chứng độ an toàn và năng lực vận hành của toàn bộ nhân viên, vào 5h sáng ngày 12/12 vừa qua dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành thử toàn bộ hệ thống trong 20 ngày. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình đánh giá an toàn do đơn vị tư vấn ACT (Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống) thực hiện.
Sau đó, căn cứ kết quả vận hành thử trong quý 1-2021, liên danh tư vấn độc lập dự kiến cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án. Đồng thời, Bộ GTVT (chủ đầu tư) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.
Cụ thể, các chuyến tàu sẽ chạy liên tục từ 5h sáng đến 23h đêm (từ 12 đến 31-12) trên tuyến Cát Linh - Hà Đông dài 13km. Đến mỗi nhà ga, tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để đón trả khách như khi chạy thương mại. Các đoàn tàu chạy tần suất 6-7phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến. Mỗi ngày sẽ có 6-9 đoàn tàu hoạt động.
Trong quá trình 20 ngày chạy thử này, các nhà ga đều có nhân viên người Việt Nam ứng trực tại phòng điều khiển, phòng bán vé, trên sân ga; các bảng điện tử, loa phát thanh hoạt động để hướng dẫn người đi tàu. Hơn 600 nhân viên sẽ chia 2 ca làm việc, vận hành các hạng mục trong nhà ga và khu trung tâm điều hành, khu bảo dưỡng sửa chữa, giống như khai thác thương mại. Không những thế trên tuyến còn có sự có mặt của gần 200 chuyên gia Trung Quốc thuộc tổng thầu Trung Quốc và các nhà thầu lắp đặt thiết bị của dự án để giám sát.
Tuy nhiên mục tiêu trước mắt để hạ nhiệt ùn tắc giao thông dịp cuối năm, sau khi UBND thành phố Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải có văn bản yêu cầu các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường tổ chức phối hợp, ra quân thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp cuối năm. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Cảnh sát Giao thông để tuần tra, kiểm soát dịp cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021; Trong đợt cao điểm cuối năm, liên ngành bố trí lực lượng lập 79 "chốt trực’’trên toàn địa bàn và tập trung xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Đọc thêm: