Theo ông, các vấn đề liên quan đến cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ không còn là ưu tiên của Trung Quốc, trong khi thị trường nội địa là cơ sở của "tuần hoàn kép" - chiến lược mới được vạch ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 sẽ chính thức được công bố vào tháng 3/2021.
Năm nay, Trung Quốc đã phát triển kế hoạch 5 năm mới trong điều kiện kinh tế phức tạp nhất do đại dịch. Trong quý đầu tiên, nền kinh tế nước này đã giảm kỷ lục 6,8% bởi vì hoạt động sản xuất và kinh doanh bị đình trệ nghiêm trọng do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, sự “hy sinh” này không phải là vô ích. Trung Quốc đã có thể ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 hiệu quả hơn và nhanh hơn nhiều so với nhiều nước phát triển.
Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp chống dịch một cách mạnh mẽ, nhờ đó nước này có thể nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh và trở lại cuộc sống bình thường. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 35,7 điểm trong tháng 2 (kết quả dưới 50 điểm chỉ sự giảm sút). Vào tháng 3, chỉ số PMI lại tăng đến 52 điểm. Hơn nữa, các chỉ số kinh tế đã cải thiện hàng tháng. Ví dụ, trong tháng 11, PMI đạt 52,1 điểm. Theo số liệu của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, vào tháng 11, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 21,1% và nhập khẩu tăng 4,5%. Xuất khẩu các sản phẩm cơ điện tử do Trung Quốc sản xuất đạt 1,37 nghìn tỷ USD trong 11 tháng/2020, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng này chiếm 59% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Trong bối cảnh đại dịch coronavirus, Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân. Trong 11 tháng/2020, xuất khẩu nhóm hàng này đã tăng 42,5%.
Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều có thể nhanh chóng đối phó với dịch bệnh. Tất nhiên, đại dịch đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế của các quốc gia này. Do Trung Quốc hội nhập sâu rộng vào thương mại thế giới và chuỗi giá trị toàn cầu, tình trạng này đã tạo ra thêm rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, và có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ các nước vào Trung Quốc. Trong những điều kiện phức tạp như vậy, Trung Quốc đã thay đổi chính sách kinh tế của mình. Trong năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên không đặt ra mục tiêu tăng trưởng. Bây giờ nước này đặt trọng tâm vào chất lượng hơn số lượng, tập trung vào chính sách xã hội và các biện pháp cải thiện mức sống của người dân. Theo Giáo sư Liu Ying, một chuyên gia về thương mại và quan hệ quốc tế từ Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đây là sự thay đổi quan trọng nhất.
“Đặc điểm quan trọng nhất của chính sách kinh tế 2020 là đặt trọng tâm vào chất lượng hơn số lượng. Trong kế hoạch 5 năm mới, chúng tôi không đưa ra con số cụ thể, mục tiêu tăng trưởng GDP. Dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra, chúng tôi đã nhấn mạnh “sáu đảm bảo” và “sáu ổn định”. Chính sách này nhằm đạt được các mục tiêu như đảm bảo việc làm ổn định, nâng cao mức sống của người dân, sự ổn định của chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp, an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Trong “ba trận đánh chính” năm 2020, chúng tôi đã gặt hái được những thành công nhất định. Đây là những thay đổi quan trọng nhất, tạo cơ sở để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế chất lượng cao và xây dựng các cực tăng trưởng mới theo chiến lược tuần hoàn kép cho phép thị trường nội địa và thị trường bên ngoài thúc đẩy lẫn nhau”.
Tất nhiên, nền kinh tế không thể phục hồi nhanh chóng nếu không có các biện pháp hỗ trợ nghiêm túc của nhà nước. CHND Trung Hoa đã áp dụng một gói tài khóa lớn và các biện pháp khác để kích thích nền kinh tế. Lần đầu tiên sau vài thập kỷ, thâm hụt ngân sách tăng lên 3,6% GDP. Chính quyền trung ương đã phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ cho công tác phòng chống và kiếm soát dịch COVID-19. Ngoài ra, hạn ngạch trái phiếu cho mục đích đặc biệt của chính quyền địa phương được mở rộng lên 3,75 nghìn tỷ nhân dân tệ. Mức trần thu nhập cá nhân không chịu thuế đã tăng đấn 5.000 nhân dân tệ. Thuế suất, bao gồm cả VAT, cũng được cắt giảm.
Trong ngắn hạn, các biện pháp này đã mang lại kết quả. Trong quý II, nền kinh tế đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, trong quý III, nền kinh tế tăng trưởng ở mức 4,9%. Các biện pháp tài khóa đã hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, mà nhu cầu đối với sản phẩm của các doanh nghiệp này đã tăng lên ở một số quốc gia vì nhiều cơ sở sản xuất của họ ngừng hoạt động. Tuy nhiên, năm 2020 cho thấy rằng, về dài hạn, Trung Quốc cần phải tìm kiếm những cách thức khác để đảm bảo phát triển kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài và thị trường nước ngoài. Trước hết phải nói rằng, không ai biết dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu ở các quốc gia khác nhau và nền kinh tế thế giới sẽ phát triển như thế nào. Thứ hai, dù Tổng thống đắc cử Joe Biden có vẻ dễ đoán hơn so với người tiền nhiệm, nhưng, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hỏa đều nhất trí về sự cần thiết phải kiềm chế Trung Quốc.
Ngay cả nếu Biden loại bỏ một số biện pháp hạn chế và thuế quan mà ông Trump áp lên Trung Quốc, triển vọng quan hệ Trung-Mỹ có vẻ không mấy thuận lợi trong những năm tới. Theo chuyên gia Liu Ying, trong ba năm qua, trọng tâm của chính sách kinh tế Trung Quốc là giải quyết tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ và khôi phục hợp tác bình thường. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc tập trung vào việc tăng cường sự độc lập về kinh tế và mở ra tiềm năng của thị trường nội địa như một ưu tiên chủ chốt.
“Kể từ tháng 8/2017, trong gần 3 năm, chúng tôi đã tập trung vào các biện pháp trả đũa trong cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động chống lại Trung Quốc. Đầu năm 2020, chúng tôi tiếp tục tối ưu hóa và phát triển cơ cấu nội tại của nền kinh tế, chuyển trọng tâm sang tăng trưởng chất lượng cao. Đầu năm nay, nhiệm vụ quan trọng nhất là đối phó với đại dịch, khi đó nền kinh tế sụt giảm 6,8%. Nhiệm vụ trọng tâm lúc đó là chống dịch và khôi phục tăng trưởng kinh tế. Sau đó, tình hình trở lại bình thường, GDP cả 3 quý đầu năm tăng 0,7% so với cùng kỳ, kinh tế đạt tăng trưởng dương trở lại. Trong năm nay, Trung Quốc trở thành quốc gia G20 duy nhất có nền kinh tế vẫn tăng trưởng. Có thể nói rằng, trong năm 2020, nhiệm vụ chính là khôi phục hoạt động kinh doanh và đảm bảo tính ổn định, cởi mở và hiệu quả của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do cuộc khủng hoảng coronavirus gây ra và dịch bệnh bùng phát nhiều lần ở các khu vực khác nhau trên thế giới, điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc là kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước và phục hồi kinh tế bền vững. Theo tôi, đây là thành tích chính trong năm nay, bởi vì nó phản ánh những mâu thuẫn và mục tiêu chính”.
Trung Quốc đang tập trung vào việc phát triển thị trường nội địa để kích thích tiêu dùng trong nước không chỉ vì tình trạng thị trường nước ngoài đang xấu đi. Mức sống ở Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng. Năm 2008, GDP bình quân đầu người vào khoảng 3.468 USD, năm 2011 là 5.618 USD, năm 2015 - 8.033 USD. Theo một số dự báo, đến năm 2023, mức sống ở Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể - đất nước này sẽ lọt vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập cao, GDP bình quân đầu người của cả nước sẽ đạt 28 nghìn USD. Để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi mức lương tăng lên không còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu, nước này cần phải sử dụng tiềm năng của tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và theo đó, nâng cao hơn nữa mức sống của người dân. Việc thực hiện chiến lược “tuần hoàn kép” và tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm tới sẽ giúp Trung Quốc củng cố vị thế kinh tế trên thế giới. Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về quy mô kinh tế và trở thành nước dẫn đầu thế giới đến năm 2028.