Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự khác biệt về tôn giáo giữa vợ hoặc chồng thường là trở ngại khó khăn hơn trong việc chung sống với nhau so với khác biệt dân tộc, nhưng đối thoại liên văn hóa sẽ giúp họ vượt qua các khác biệt đó. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Behavioral Sciences.
Theo các nhà khoa học MGPPU, việc vợ chồng thuộc các tôn giáo và dân tộc khác nhau thường ngăn cản họ thống nhất các giá trị cuộc sống và mục tiêu gia đình, cũng như gây ra nhiều xung đột.
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học cố gắng tìm cách khắc phục những mâu thuẫn đó. Họ sử dụng các phương pháp tiêu chuẩn của nghiên cứu thực nghiệm, phân tích thống kê và lần đầu tiên đã so sánh mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tôn giáo và dân tộc đối với đời sống và giá trị gia đình của vợ hoặc chồng.
“Nếu nói về giá trị chung của con người trong hôn nhân đa văn hóa, chúng tôi thấy rằng khả năng dựa vào bản thân và kiểm soát bối cảnh là điều đặc biệt quan trọng đối với họ. Một cặp vợ chồng càng có nhiều khác biệt văn hóa thì họ càng trung thành với các giá trị nền văn hóa của mình và tập trung vào việc tuân thủ các chuẩn mực mà nền văn hóa đó đặt ra. Trong lĩnh vực gia đình, đối với các cặp vợ chồng đa văn hóa, những giá trị gia đình truyền thống như sinh hoạt chung, làm cha mẹ, là quan trọng hơn cả” – bà Elena Chebotareva, phó giáo sư khoa Tâm lý Gia đình và Trẻ em thuộc MGPPU cho biết.
"Giá trị sống của đàn ông và phụ nữ trong các cặp vợ chồng đa văn hóa có chung tôn giáo là khác nhau, nhưng họ bổ sung tốt cho nhau, cho phép họ cùng nhau trở thành một nhóm tốt. Nhìn chung, việc thuộc các nền văn hóa khác nhau, cả trong các gia đình đa dân tộc cũng như đa tôn giáo, góp phần vào một quá trình tích cực hơn trong việc hài hòa cuộc sống và các giá trị gia đình của vợ chồng, giúp họ phát triển một nền văn hóa chung mới và xây dựng các mối quan hệ có ý thức hơn" - bà Chebotareva lưu ý.
Các nhân viên của MGPPU có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu các vấn đề hôn nhân đa văn hóa. Họ sẽ thực hiện cuộc phân tích so sánh về quan hệ hôn nhân ở các cặp vợ chồng có hoàn cảnh cư trú khác nhau (ở nước của người chồng / ở nước của người vợ / ở nước thứ ba), tiến hành nghiên cứu số lượng và chất lượng, bao gồm phỏng vấn vợ hoặc chồng từ các cặp vợ chồng đa văn hóa. Điều này sẽ cho phép hiểu rõ hơn về các cơ chế phát triển các mối quan hệ giữa họ và vai trò của văn hóa trong quá trình này.
Đọc thêm: Tìm thấy cách ngăn chặn tình trạng ly hôn bùng nổ sau khi tự cách li