Hướng tới tổng động viên
Cuối tháng 12, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thông qua các sửa đổi đối với Luật Quốc phòng. Trên thực tế, đây là một Luật mới, vì trong Luật đó có ba điều đã bị hủy bỏ, sáu điều được bổ sung thêm, và hơn 50 điều còn lại đã được sửa đổi theo cách mới.
Luật Quốc phòng đổi mới tập trung vào việc tăng cường cơ chế phối hợp hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực vũ khí thông thường, an ninh mạng và vũ khí không gian.
Tài liệu cũng quy định Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có quyền thực hiện các hoạt động ở cả nước ngoài và bên trong Trung Quốc khi bảo vệ lợi ích quốc gia.
Chuyên gia đến từ Đài Loan Chi Le-yi cho rằng Luật sửa đổi là cơ sở để có thể huy động nhanh chóng toàn dân Trung Quốc để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố vị thế của mình
Tuy nhiên, khi đăng tải bình luận về Luật Quốc phòng sửa đổi, truyền thông Ấn Độ và Hồng Kông nhấn mạnh rằng văn kiện này nhằm củng cố quyền lực của Tập Cận Bình với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và biến chính phủ CHND Trung Hoa thành cơ quan hành pháp đơn giản trong lĩnh vực quốc phòng.
Nói một cách khác, đây không phải là một phát hiện, có rất ít điều mới mẻ trong thông tin này. Lãnh đạo CHND Trung Hoa hầu như luôn là người đứng đầu Quân ủy Trung ương. Đây là cách thực hiện vai trò chính của lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền và trong nhà nước Trung Quốc. Tập Cận Bình là người duy nhất không phải là quân nhân trong Ủy ban Quân sự Trung ương. Nhưng ông ta có thể ra lệnh cho bất kỳ quân nhân nào và toàn bộ Quân đội Trung Quốc. Đây là cách hiện thực khẩu hiệu cũ "Đảng lãnh đạo súng trường". Tập Cận Bình có tham vọng biến Quân đội Trung Quốc thành một quân đội hiện đại ngang ngửa với Mỹ vào năm 2027, nhân kịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Trung Quốc. Và việc mở rộng quyền lực của Chủ tịch nước tại Quân ủy Trung ương theo luật mới sẽ giúp ông ta đạt được mục tiêu này.
Nếu Trung Quốc đuổi kịp Hoa Kỳ về tiềm năng quốc phòng, thì sự cân bằng chiến lược sẽ nảy sinh giữa hai nước. Tình trạng này đã tồn tại trong thời Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Nhiều nhà phân tích chính trị tin rằng điều này cho phép cứu nhân loại khỏi một cuộc chiến tranh nóng bỏng, vì chính phủ của hai siêu cường hiểu rằng với tiềm lực quân sự ngang thì không thể có kẻ chiến thắng nhau trong một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Liệu có nguy hiểm không nếu tập trung mọi quyền lực vào tay một người, trong trường hợp này là Tập Cận Bình? Ngày nay, ở Ấn Độ cũng như ở các nước láng giềng khác của CHND Trung Hoa, bất kỳ tin tức nào liên quan đến chính sách quốc phòng của nước này đều được tiếp nhận một cách quan ngại. Nhưng cho đến nay Tập Cận Bình đã không hành động như một kẻ phiêu lưu, hiếu chiến hay cuồng nhiệt. Hơn nữa, ông ta nhiều lần tuyên bố công khai rằng Trung Quốc không tìm cách trở thành bá chủ thế giới.
Tuy nhiên, người Ấn Độ vẫn nhớ rằng chính Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông là người khởi đầu cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962, còn người Việt Nam thì nhớ rằng Phó Chủ tịch Hội đồng Quân sự Trung Quốc Đặng Tiểu Bình năm 1979 đã gây hấn với Việt Nam. Cả hai nhà lãnh đạo Trung Quốc đều giải thích hành động của họ là do nhu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia. Chúng ta hãy hy vọng rằng dưới thời Tập Cận Bình, điều này sẽ không xảy ra nữa.