Nhiều điểm sáng kinh tế trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19
Ngày 9/1, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chủ trì Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội năm 2020 của thành phố trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế thành phố.
Cụ thể, năm vừa qua, kinh tế thành phố tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ. Cả 3 khu vực dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp đều tăng trưởng; xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ USD; thu hút đầu tư từ nước ngoài đạt hơn 4,3 tỷ USD; kiều hối đạt hơn 5,5 tỷ USD.
Có hơn 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 8.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại, thu ngân sách đạt 371.384 tỷ đồng (đạt 91,51% dự toán).
Cũng theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đã tăng từ mức 62,1% lên 71,45%, điều này cho thấy hoạt động sản xuất – kinh doanh vẫn có hiệu quả.
Công tác quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị tiếp tục chuyển biến, tạo diện mạo đô thị ngày càng hiện đại. Các hoạt động văn hóa được tổ chức chu đáo, phù hợp với tình hình dịch bệnh, đạt nhiều kết quả gắn với chủ đề năm 2020 là năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an toàn thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm, đặc biệt các đợt dịch bệnh đã được kiểm soát.
Vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, năm 2021, thành phố quyết tâm tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đã đề ra là tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế ở các ngành, lĩnh vực.
Thành phố sẽ tập trung thực hiện 49 nội dung trong 3 chương trình đột phá về đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng, nhân lực và văn hóa, một chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố.
Chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong năm nay của Thành phố Hồ Chí Minh là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt từ 6% trở lên, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.
Tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,39 con trên mỗi phụ nữ (tuổi sinh đẻ); tỷ lệ đất giao thông trên xây dựng đất đô thị đạt 12,76%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,26 km/km2; tổng diện tích xây dựng mới đạt 8 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,04m2 mỗi người; diện tích cây xanh đô thị đạt tối thiểu 0,55 m2 trên mỗi người.
Về giải pháp thu ngân sách nhà nước năm 2021, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021, Chính phủ giao thành phố thu ngân sách 364.893 tỷ đồng, chiếm 24,79% tổng dự toán thu cả nước.
Để đảm bảo thu ngân sách theo dự toán, cơ quan thuế, hải quan sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu; đẩy mạnh tiến độ triển khai phương án cơ cấu lại, tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó, ngành Tài chính thành phố tập trung đôn đốc, đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, các biến chủng mới có mức độ lây nhiễm nhanh và nguy hiểm hơn nên thành phố phải nỗ lực rất lớn để có thể hoàn thành nhiệm vụ đề ra.