Theo nguồn tin, các chuyên gia nhận định rằng sự cố này không liên quan đến việc tiêm vắc xin.
Tại Đức, việc tiêm vắc xin ngừa coronavirus của công ty Pfizer của Mỹ và công ty khởi nghiệp BioNTech của Đức triển khai từ ngày 27/12. Nhóm đầu tiên được tiêm vắc xin là những người trên 80 tuổi, những người sống ở viện dưỡng lão và nhân viên tại đó, các nhân viên y tế. Tính đến hôm thứ Năm ở nước này đã có 842 nghìn người được tiêm vắc xin đợt đầu tiên.
Các chuyên gia đang nghiên cứu trường hợp tử vong của những người được tiêm chủng
Như bà Keller-Stanislavsky đã nói trong cuộc họp báo, cho đến ngày hôm qua đã có chín trường hợp tử vong, hiện tại các chuyên gia chờ thêm thông tin từ bang Hạ Saxony về một trường hợp nữa.
"Chúng tôi đang nói về những bệnh nhân rất nặng mắc nhiều bệnh nền đang được điều trị giảm nhẹ (chăm sóc y tế nhằm giảm bớt tình trạng đau đớn của bệnh nhân nan y). Tôi đã nói là chúng tôi đang nghiên cứu những trường hợp này. <...> Dựa trên dữ liệu hiện có, chúng tôi nhận định rằng họ đã qua đời vì những bệnh nền trong thời gian trùng hợp với việc tiêm vắc xin", - chuyên gia phát biểu.
Theo bà, dữ liệu phù hợp với tỷ lệ tử vong dự kiến trong chiến dịch tiêm chủng đối với nhóm tuổi này. Những người qua đời ở độ tuổi từ 79 đến 93 tuổi và trước đó đã mắc các căn bệnh nghiêm trọng - họ được tiêm vắc-xin vì thuộc nhóm có nguy cơ mắc COVID-19. Khoảng thời gian giữa lần tiêm và thời điểm tử vong dao động từ vài giờ đến bốn ngày.
Ngoài ra, Viện Paul Erich nhận được thông tin rằng sáu người đã có phản ứng phản vệ khi tiêm vắc xin.
Tổng cộng cho đến nay đã thống kê được 325 trường hợp gặp những tác dụng phụ có thể liên quan đến vắc xin, trong đó có 51 trường hợp nghiêm trọng. Con số này tương ứng với tỷ lệ 0,53 trường hợp phản ứng phụ và 0,08 trường hợp phản ứng phụ nghiêm trọng trên 1000 ca tiêm vắc xin. Theo bà Keller-Stanislavsky, những dữ liệu này phù hợp với dự kiến và không cho thấy có nguy cơ, đồng thời cũng trùng khớp với số liệu thống kê về tiêm vắc xin ở Mỹ.