Chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa mới
Ngày 16/1, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 tháng 10/2020 và Hội nghị Trung ương lần thứ 14 tháng 12/2020 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định những nội dung quan trọng của công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bao gồm: Bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, sau Hội nghị Trung ương 14, trên cơ sở kết quả giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, ý kiến giới thiệu của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, Tiểu Ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ và thống nhất giới thiệu sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII, gồm: Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XIII và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tái cử.
Tiếp thu ý kiến của Hội nghị Trung ương 14, Tiểu Ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã nghiên cứu, xem xét, cân nhắc và đề nghị giới thiệu bổ sung thêm một số đồng chí lần đầu tham gia Ủy viên Trung ương chính thức và một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp “đặc biệt” tham gia Ủy viên Trung ương chính thức.
Người lãnh đao cao nhất của Đảng, Nhà nước đề nghị Trung ương nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu có liên quan, thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đồng thời, xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII.
“Hội nghị Trung ương lần này tuy không dài nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng ta đang bàn và quyết định những phần việc còn lại để tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Xem xét kỹ lưỡng, thận trọng nhân sự “đặc biệt”
Trung ương khóa mới được cơ cấu 3 độ tuổi: Dưới 50, từ 50 đến 60 và 61 tuổi trở lên để đảm bảo kế thừa. Trong đó, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi). Nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) Nguyễn Đức Hà giải thích, trường hợp “đặc biệt” là những người ngoài độ tuổi nêu trên. Với Uỷ viên Trung ương là quá 60 tuổi; còn với Bộ Chính trị, Ban Bí thư quá 65 tuổi.
Những trường hợp “đặc biệt” so với quy định chung cần tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Bộ Chính trị sẽ cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt và thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được Trung ương xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, không chỉ là trách nhiệm của Tiểu ban nhân sự và Ban Chấp hành Trung ương.
Trong quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định rõ trách nhiệm của tập thể và của từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thẩm định nhân sự. Đặc biệt, Đại hội lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã quy định tiêu chuẩn của đại biểu dự Đại hội và xác định rõ trách nhiệm của đại biểu trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử tại Đại hội.
Về quy trình và cách làm nhân sự nhiệm kỳ này cũng có điểm mới, nếu nhiều nhiệm kỳ trước đây, công tác nhân sự thực hiện theo quy trình 3 bước thì lần này là 5 bước. “Quy trình 3 bước là hai lần trình Ban Thường vụ, một lần trình Ban Chấp hành; còn trong quy trình 5 bước, hai lần trình Ban Thường vụ, hai lần trình Ban Chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt, nghĩa là các nhân sự quy hoạch vào Trung ương được rà soát, lấy phiếu kỹ lưỡng và dân chủ hơn”, ông Nguyễn Đức Hà cho hay.