Trước đó, Ngoại trưởng Maas tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild am Sonntag rằng "các quyền cơ bản" nên được trả lại cho những người đã tiêm vắc xin, bởi vì "nếu chỉ những người được tiêm chủng tụ tập trong một nhà hàng hoặc rạp phim thì họ không còn có thể gây ra nguy cơ cho nhau."
Các biện pháp hạn chế chống dịch ở Đức
Tại Đức, các biện pháp hạn chế chống coronavirus đã có hiệu lực từ ngày 2 tháng 11, được thắt chặt từ ngày 16 tháng 12 và các biện pháp hạn chế bổ sung được áp dụng kể từ ngày 11 tháng 1. Tất cả các tổ chức trong nước đều đóng cửa, ngoại trừ cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi nhỏ, cửa hàng bán đồ gia dụng, hiệu thuốc, cửa hàng kính thuốc, ngân hàng, quầy báo, bưu điện, cửa hàng thú cưng, cơ sở y tế. Các trường trung học và đại học hiện đang hoạt động trực tuyến. Ở những vùng có tỷ lệ mắc bệnh cao, người dân được khuyến cáo không rời khỏi nhà trong bán kính trên 15 km nếu không có lý do chính đáng. Các cuộc tụ họp riêng chỉ được phép với các thành viên một hộ gia đình cộng với tối đa một người khách.
Kể từ ngày 27 tháng 12, chiến dịch tiêm chủng đã được tiến hành trong cả nước, hơn một triệu người đã được chủng ngừa chống COVID-19. Theo kế hoạch toàn quốc, trước hết là tiêm vắc xin cho người trên 80 tuổi, nhân viên các viện dưỡng lão và các đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Người đứng đầu Quỹ Bảo vệ Bệnh nhân là Eugen Brysch cáo buộc Ngoại trưởng Đức đã "kích động cuộc thảo luận giả về đặc quyền dành cho các công dân đã tiêm chủng" và chỉ ra rằng "ngày nay không ai biết chắc chắn liệu người được tiêm chủng có thể lây truyền virus hay không."
Bộ Y tế Đức cũng đồng ý với ý kiến này, cho biết hôm Chủ nhật rằng "chừng nào khả năng lây truyền vi rút của người đã tiêm vắc xin còn chưa được khẳng định một cách rõ ràng, thì không thể có ngoại lệ". Phe đối lập chính trị cũng phản ứng gay gắt với phát biểu của Ngoại trưởng; Đảng Dân chủ Tự do đánh giá đây là "những lời lẽ rất dân túy và thiếu cân nhắc."
Trên mạng xã hội, tuyên bố của Ngoại trưởng Maas cũng gây phản ứng mạnh mẽ. Phe phản đối các biện pháp hạn chế chống virus coronavirus coi đây là "sự thừa nhận của chính phủ Merkel" rằng xã hội Đức bị phân chia thành hai nửa - những người "được ưu tiên” và những người "hạng hai" bị tước bỏ các lợi thế.
Đọc thêm: Die Welt kêu gọi các nước giàu từ bỏ thói ích kỷ về vắc xin