Cụ thể, Hải Dương có thêm 47 ca, Quảng Ninh 3, Hà Nội 2 và Hải Phòng 1 theo Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có vaccine Covid-19 ngay trong quý I phục vụ người dân. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay phía Nga cũng đã có thiện chí cung cấp vaccine cho Việt Nam và hiện đang xúc tiến.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giữ nguyên cam kết dập ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh trong vòng 10 ngày, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 rất tốt.
Thêm 53 ca Covid-19, Chính phủ Việt Nam triệu tập cuộc họp khẩn
Ngay sau khi kết thúc ngày làm việc thứ 5, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập nhiều thành viên Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Y tế tổ chức họp khẩn về tình hình dịch bệnh khi cả nước có thêm 54 ca nhiễm coronavirus mới.
Theo cổng thông tin Chính phủ, tại cuộc họp chiều nay của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 với hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, đại diện Bộ Y tế cho hay, ngày 29/1, có thêm 53 trường hợp được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 ở Hải Dương – 47 ca bệnh, Quảng Ninh – 3 người, Hà Nội – 2 trường hợp và Bắc Ninh 1 người. Ngoài ra, còn có 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay ở Đồng Nai.
Trao đổi với báo giới ngay bên hành lang Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù chiều nay ghi nhận hơn 50 ca nhiễm, nhưng với tình hình quyết liệt truy vết và thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch như hiện nay thì khoảng 8 ngày nữa sẽ ngăn được dịch lây lan.
Đồng chí Vũ Đức Đam cũng cho biết, hơn 50 ca nhiễm chiều nay có thể là lần phát hiện lớn nhất còn lại trong đợt dịch này. Lý giải rõ hơn về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, ngày 28/1, đã xét nghiệm một đợt lớn và phát hiện 16 ca, hôm nay khoanh vùng xét nghiệm tiếp và phát hiện 50 ca.
Cùng với đó, các khu vực còn lại sẽ được tiếp tục truy vết xét nghiệm nhưng dự đoán các đợt sau ca nhiễm sẽ ít dần.
Hiện nay, Chính phủ vẫn đang giữ đúng cam kết dập ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh trong 10 ngày. Việc truy vết hiện vẫn đang được tiến hành hết sức khẩn trương và hiệu quả. Tại Quảng Ninh hiện còn truy được cả tới F4.
Về tình hình dịch bệnh tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ ngày 25/1 đến nay (29/1), Việt Nam đã ghi nhận 150 trường hợp mắc tại 6 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (130 ca nhiễm), Quảng Ninh (15 ca nhiễm), Hà Nội (2 ca nhiễm), Hải Phòng (một ca nhiễm), Bắc Ninh (1 ca nhiễm).
Đến 12 giờ ngày 29/1, riêng tại Hải Dương đã có 130 trường hợp mắc, trong đó có 126 trường hợp liên quan tới Công ty TNHH POYUN và 4 trường hợp tại Trung tâm y tế thành phố Chí Linh.
Trong cuộc họp chiều nay, Bộ Y tế cũng cho biết, đến sáng 29/1, Hải Dương đã lấy được tổng số 4.890 mẫu xét nghiệm. Cụ thể, tại Công ty POYUN là 1.936 mẫu, các công ty khác trong khu công nghiệp 1.598 mẫu, thôn Kim Điền 964 mẫu, Trung tâm y tế Chí Linh 392 mẫu.
Tại cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện dã chiến tại Hải Dương, các cơ sở y tế của Quảng Ninh và cơ quan hữu quan, Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Chí Linh là vùng dịch tễ đáng quan ngại. Trong đó, công ty TNHH POYUN được coi là “tâm dịch”. Bộ Y tế tiếp tục khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng.
Tại tỉnh Quảng Ninh, đến sáng 29/1, đã ghi nhận tổng số 15 trường hợp mắc, tất cả đều có liên quan đến bệnh nhân 1552.
Bộ Y tế cho hay, hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc có liên quan đến 8 trường hợp cư trú tại Đông Triều làm việc tại Công ty POYUN tỉnh Hải Dương có kết quả dương tính, đến nay 149 trường hợp tiếp xúc gần đều có kết quả âm tính.
Tại sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, ngành chức năng đã xác định được tổng số 851 trường hợp, trong đó có 466 F1, 382 F2 và 2 F3.
Đồng thời, các trường hợp liên quan ổ dịch Chí Linh đã xác định được 99 trường hợp, trong đó có 43 F1, 56 F2.
Như đã thông tin, tại Hải Phòng, có trường hợp hai mẹ con đi từ Hải Dương về Hải Phòng, cách ly 3 ngày, người con có biểu hiện ho và được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Nhi. Hai mẹ con đều được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần, người con cho kết quả con dương tính, mẹ âm tính với Covid-19.
Trong khi đó, tại Hà Nội sáng 29/1 ghi nhận 2 trường hợp mắc nCoV mới. Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân, 54 tuổi, địa chỉ ở Times City, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, có tiếp xúc với bệnh nhân bệnh nhân 1553. Trường hợp thứ 2 là nam bệnh nhân, 20 tuổi, là người Chí Linh, học Ngoại ngữ tại Hà Nội, cư trú tại Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
CDC Hà Nội cho biết, tất cả 93 trường tiếp xúc gần của 2 trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm, chờ kết quả. Ngoài ra, Hà Nội ghi nhận một trường hợp khác là bệnh nhân số bệnh nhân 1569 đã được CDC Quảng Ninh công bố dương tính, có cư trú tại phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện tất cả những người tiếp xúc gần của người này đều cho kết quả âm tính. Tại Bắc Ninh, sáng 29/1, ghi nhận một trường hợp là con gái của bệnh nhân 1565, hiện 33 F1 và 52 F2 đã được xác định, lấy mẫu chờ kết quả xét nghiệm.
Bộ Y tế khẳng định, hiện các trường hợp mắc Covid-19 ở Hải Dương chủ yếu tập trung tại Công ty TNHH POYUN, chưa ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng khu vực Chí Linh.
Các trường hợp mắc tại các tỉnh khác (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng) đều có liên quan tới ổ dịch tại Hải Dương. Trong khi đó, các trường hợp mắc tại Quảng Ninh chỉ liên quan tại ổ dịch tại Vân Đồn.
Thủ tướng phê bình các địa phương, cá nhân còn lơ là chống dịch Covid-19
Tham dự cuộc họp khẩn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đại diện các Bộ, Ban, ngành liên quan.
Bắt đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ông miốn nghe các bộ, ngành, địa phương báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện tại và phương hướng hành động, đồng thời nhấn mạnh tinh thần thần tốc với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ ngay khi các ổ dịch được phát hiện.
Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn phê bình, lưu ý những biểu hiện có nơi, có chỗ, có cá nhân còn “thiếu quyết tâm” ngăn chặn hiệu quả nếu có, nhất là một số địa phương, một số nơi mất cảnh giác, lơ là công tác phòng chống dịch thời gian qua.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, trong khi triển khai công tác chống dịch, Việt Nam đã có nhiều biện pháp rất cụ thể, với sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với nhiều lần họp giao ban toàn quốc.
Thủ tướng cũng cho biết, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành khác cũng kết nối họp trực tuyến từ Hà Nội về địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Người đứng đầu Chính phủ biểu dương tinh thần vào cuộc tích cực đó. Nhưng ở cuộc họp này ông muốn nghe những ý kiến đóng góp và biện pháp mạnh hơn nữa.
Ngày qua, có nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành phố đang tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã xin ý kiến và được Đoàn Chủ tịch cho phép rời Đại hội để về trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch tại địa phương, xuống tận xã, phường, bám sát chỉ đạo của Trung ương, với tinh thần quyết liệt, hành động đồng bộ.
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc ngành y tế đã cử nhiều cán bộ chuyên môn của các bệnh viện, trường đại học để hỗ trợ địa phương thực hiện hỗ trợ dập dịch, xét nghiệm, truy vết, điều trị các ca bệnh Covid-19 ngay tại chỗ.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp tiếp tục thảo luận những chủ trương, biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn để đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệp trên diện rộng. Cùng với đó là chủ trương xây dựng một số bệnh viện dã chiến cũng như việc phong tỏa một số khu vực có nguy cơ cao trên tinh thần giãn cách xã hội.
“Chúng ta hãy kiểm điểm xem chúng ta còn biện pháp nào mạnh hơn không?”, Thủ tướng lưu ý.
Người Việt Nam đang rất chờ đợi vaccine Covid-19
Đáng chú ý, tại cuộc họp này, Thủ tướng cũng muốn nghe các bộ, ngành địa phương nói về việc sẽ mua vaccine Covid-19 như thế nào, có xã hội hóa để mua vaccine được hay không bởi theo Thủ tướng, hiện giờ đã là đợt dịch thứ ba tại Việt Nam và người dân đang rất chờ đợi vaccine chống coronavirus.
Theo đó, tại cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng về việc mua vaccine bằng ngân sách Nhà nước và xã hội hóa hỗ trợ.
“Chúng ta đang chuẩn bị Tết Nguyên đán cổ truyền cho nhân dân, đang tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã thực hiện thành công mục tiêu kép ở Việt Nam trong suốt năm 2020, giờ đây chúng ta bị lây nhiễm cộng đồng ở khu vực dân cư đông đúc, thành phố lớn, tỉnh trọng điểm kinh tế... Vì thế chúng ta phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa để khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, một lần nữa, thống y tế được khởi động, vào cuộc, lực lượng công an, quân đội, các địa phương cần có trách nhiệm hơn nữa, cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng để nhân dân đề cao cảnh giác thực hiện Thông điệp 5K, nhưng cũng không hoang mang, dao động.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, dù còn có thể sẽ xuất hiện thêm các ca dương tính rải rác nhưng đến nay có thể khẳng định tình hình được kiểm soát.
“Có thể xuất hiện ca mắc rải rác nhưng cho đến nay có thể khẳng định là sẽ dập được dịch và tình hình khả quan”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Vị lãnh đạo cho hay, tất cả các hoạt động của Bộ Y tế đều được kích hoạt rất nhanh, đã khoanh vùng dập dịch sớm nhất có thể đối với Hải Dương. Bộ cũng đã huy động 1.200 người xuống Hải Dương dập dịch, trong đó có 60 giáo sư, chuyên gia đầu ngành.
Bộ trưởng đánh giá chỉ thị số 05 của Thủ tướng rất “mạnh, kịp thời”, nâng việc cách ly lên thành 21 ngày và tiến hành cách ly xã hội Chí Linh trong vòng 24h.
Hiện nay, do cơ sở điều trị ở Hải Dương không đáp ứng yêu cầu nên Bộ Y tế đã chỉ đạo lập 3 bệnh viện dã chiến trên địa bàn.
Ông Long cho biết, bệnh viện thứ nhất tại Trung tâm y tế Chí Linh, công suất 250 giường bệnh, đến chiều nay bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân đến điều trị.
Bệnh viện thứ hai tại trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương do bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ và trong vòng 24 giờ đã thiết lập xong, tốc độ kỷ lục.
Được biết, hiện Ban giám đốc, các giáo sư, chuyên gia của bệnh viện Bạch Mai đã có mặt để tiếp nhận bệnh nhân đến điều trị.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho hay, phòng cấp cứu và đơn nguyên cấp cứu tại bệnh viện này đạt ngang tầm với Bạch Mai để có thể điều trị bệnh nhân nặng.
“Tất cả bệnh nhân sẽ được điều trị tại chỗ, hạn chế di chuyển vì đây là chủng virus tốc độ lây lan nhanh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói và cho hay tới đây với Hải Dương có thể xuất hiện thêm các ca bệnh, nhất là tại Công ty POYUN.
Kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu một số đề xuất như: Thứ nhất, đề nghị cách ly Hải Dương triệt để như Đà Nẵng hồi tháng 8/2020 vừa qua. Thứ hai, cần tăng năng lực, tần suất xét nghiệm. Thứ ba, lập danh sách các điểm tiếp xúc của hơn 2340 công nhân, nơi sinh sống, gia đình của họ. Thứ tư, riêng với Chí Linh, có 6 điểm phải phong tỏa chặt chẽ, lấy mẫu toàn bộ để xét nghiệm. Thứ năm, lấy mẫu rộng hơn với các khu dân cư liền kề. Thứ sáu, ngay trong ngày mai (30/1) sẽ tăng công suất xét nghiệm với Hải Dương.
“Khoảng 50.000 mẫu một ngày thì mới đáp ứng nhanh được”, Bộ trưởng nói. Kiến nghị thứ bảy là xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế tại Chí Linh (Hải Dương).
Riêng tại Quảng Ninh, Bộ trưởng đánh giá địa phương làm tốt. Huy động được 600 cán bộ y tế tại các điểm trọng yếu. Riêng ở Hải Phòng, mới chỉ có 1 ca bệnh nên cần xem xét từng bước.
Ở Hà Nội, ông Long kiến nghị cần mở rộng xét nghiệm, trong đó, sân bay Nội Bài là trọng yếu vì “Vân Đồn là một bài học”.
Nga đang cung cấp vaccine Covid-19 cho Việt Nam?
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, liên quan đến vấn đề cung ứng vaccine, hiện đã có công ty nước ngoài cam kết bán cho phía Việt Nam 30 triệu liều vaccine Covid-19, hiện đang xin ý kiến Thủ tướng.
“Phía Nga cũng đã có thiện chí cung cấp vaccine cho Việt Nam và chúng ta đang xúc tiến”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Đối với các chế phẩm của Việt Nam, người đứng đầu Bộ Y tế cho hay, Việt Nam đang thử nghiệm hai loại vaccine và là một trong những quốc gia đầu tiên tự nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng tiết lộ, dự kiến trong quý I này sẽ có những liều vaccine đầu tiên để tiêm.
Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngay trong Quý I phải có vaccine Covid-19 phục vụ người dân, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lý giải, rằng, sẽ có, tuy nhiên, 30 triệu liều này phải đưa về Việt Nam theo từng đợt, bởi ngay tại các quốc gia châu Âu cũng có chính sách hạn chế xuất khẩu vaccine Covid-19.
“Chúng ta đang kiểm soát tốt dịch Covid-19”
Phát biểu tại cuộc họp với Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, đến thời điểm này có thể khẳng định, chúng ta đã “điểm trúng huyệt” để dập dịch.
“Sáng nay tôi báo cáo với Tổng bí thư, Thủ tướng là có thể cười được rồi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, cách đây hai ngày đã đưa ra cam kết, tự hứa là 10 ngày dập dịch. Đến chiều nay là còn 8 ngày, khẳng định như vậy.
“Làm sao đến ngày "Ông Công, ông Táo" thì cơ bản việc dập dịch là gần ổn”, đồng chí Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng cho rằng, các ca bệnh có thể tăng thêm nhưng Thủ tướng và các đồng chí cứ yên tâm là “chúng ta đang kiểm soát tốt”.
Trưởng Ban Chỉ đạo cũng nêu rõ, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng thủng lần đầu thì có thể thông cảm nhưng nếu bệnh viện nào “thủng” nữa thì không chấp nhận. Nhà máy ở Hải Dương “thủng” lần đầu có thể chấp nhận nhưng không chấp nhận lần khác nữa.
Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng nêu quan ngại việc Việt Nam không phát hiện mà khi bệnh nhân qua Nhật Bản, qua nước khác mới phát hiện dương tính với Covid-19.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất có thể giao quyền cho các tỉnh tự quyết mua các mẫu sinh phẩm xét nghiệm để chủ động vì những ngày tới lượng người cần xét nghiệm sẽ tăng lên.
Đồng chí Phạm Bình Minh cũng đề nghị phải siết hơn nữa người nhập cảnh trái phép vì đây là nguy cơ cao nhất trong việc lây nhiễm.
Liên quan đến vấn đề mua vaccine Covid-19, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoàn toàn ủng hộ, Bộ Ngoại giao sẵn sàng hỗ trợ tối đa.
Đại diện Bộ Quốc Phòng, Trung tướng Vũ Hải Sản khẳng định, Quân đội sẽ chuẩn bị đủ chỗ cách ly khi cần. Nếu bà con phải đón Tết trong doanh trại quân đội thì cũng sẽ đảm bảo để mỗi người dân có Tết đầm ấm, đầy đủ.
Bộ Công Thương cam kết đủ hàng hóa, đủ khẩu trang, chủ động, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng nhu yếu phẩm.
Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các địa phương đã triển khai chỉ thị 05 kịp thời.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trước diễn biến mới này thì khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” còn nguyên giá trị. Virus chủng mới lây lan nhanh thì chúng ta cần phải nhanh hơn, thần tốc truy vết, phải có một tinh thần Việt Nam mạnh mẽ, kịp thời chống dịch, dập dịch hiệu quả trước Tết.
“Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của chúng ta đối với nhân dân. Thành quả bước đầu rất quan trọng là khoanh vùng hai ổ dịch ở Quảng Ninh, Hải Dương”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chỉ thị 05, truy vết, đề nghị các địa phương không được lơ là, chuẩn bị tất cả các tình huống đối phó với Covid-19, không để xảy ra như Myanmar, Thái Lan.