Sau khi có 2 ca dương tính Covid-19, thôn Trại Trống được cách ly biệt lập, con đường chính dẫn vào thôn phải đi qua hai chốt kiểm dịch chặt chẽ. Do đó, thương nhân từ tỉnh ngoài không thể đến mua đào.
Như những ngày cận Tết tầm này của những năm trước, những người dân thôn Trại Trống (Chí Linh, Hải Dương) sẽ ra vườn đào để chặt mang bán. Nhưng năm nay họ phải đeo khẩu trang, mang theo cuốc, kìm, dao để chặt bỏ những cành đã tốn công chăm sóc cả năm trời. Có những gốc đào đã trồng được 5 năm nhưng đến năm nay vẫn không thể xuất đi, những cây hoa nở rộ, nhiều nụ, màu đậm,...cũng đành phải ngậm ngùi phải chặt bỏ đi.
Thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Thôn Trại Trống có tới gần 50 hộ dân trồng đào với diện tích 275 ha. Thời gian thu hoạch đào rất ngắn, chỉ trong 10 ngày, thông thường việc thu hoạch đào sẽ bắt đầu kể từ 20 âm lịch. Nhưng năm nay, do không thể xuất đi, người dân phải buộc cắt bỏ để đợi đến năm sau.
Ông Đặng Ngọc Quỳnh - trưởng ban công tác mặt trận thôn Trại Trống, cũng phải cắt bỏ cành cho cây đào quý của mình. Những ngày này, ông thường xuyên phải trực chốt kiểm dịch. Khi hết ca làm, ông tranh thủ ra vườn đào để làm việc. Trước dịch, khách tới vườn trả ông 12 triệu cho gốc đào, ông từ chối chưa muốn bán. Đến nay, hơn 1.000 gốc đào của ông Quỳnh vẫn còn nguyên vẹn vì chưa có xe xuất đi, ông than thở:
“Mất, thế là mất trắng năm nay. Giờ chúng tôi lại cắt cành, chặt cây. Công sức chăm nom cả năm trời đổ sông đổ bể”.
Đào xuất mỗi năm, đem về cho bà con trong thôn thu nhập cả chục tỷ đồng. Thậm chí từ giữa tháng 12, thương lái đã đến thôn để đặt cọc 200 triệu đồng cho một trong số những chủ vườn đào ở đây. Nhưng do không thể di chuyển đào ra khỏi thôn, người trồng đào phải trả lại đúng số tiền cọc.
Tính đến sáng ngày 04/02, Hải Dương có thêm 37 bệnh nhân Covid-19 mới (BN1912-1948). Tất cả 37 người đều là công nhân khu công nghiệp thuộc thành phố Chí Linh, Hải Dương, đã được cách ly và không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Tổng cộng Hải Dương đang có 377 ca nhiễm Covid-19 kể từ khi phát hiện ra ổ dịch.