Việt Nam phải đối mặt với “kẻ thù vô hình”
Trao đổi với báo chí ngày 6/1, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết đợt dịch lần này đã ghi nhận gần 400 ca mắc tại 12 tỉnh thành phố, trong đó số ca ghi nhận nhiều nhất tại tỉnh Hải Dương.
“Ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, tất cả các địa phương đã rất nỗ lực và trách nhiệm với tinh thần cao nhất. Chung ta đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các lực lượng chống dịch và huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân tham gia chống dịch với những biện pháp quyết liệt, đúng đắn, mau lẹ”, PGS.TS Trần Như Dương chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ngay lập tức huy động một lực lượng rất lớn các đoàn chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực chuyên môn, cung cấp trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương như Hải Dương, Điện Biên, Gia Lai với số lượng lên đến hàng nghìn người.
“Với nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân cũng như các lực lượng chống dịch tại tất cả các địa phương, có thể nói cho đến hôm nay (6/2), tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát tốt”, ông Trần Như Dương nhấn mạnh.
Các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và “khóa chặt”, không còn khả năng lây lan cho cộng đồng như ổ dịch tại sân bay Vân Đồn, ổ dịch tại công ty Poyun, Chí Linh, Hải Dương.
Về việc điều chính chiến lược đối phó với dịch, PGS.TS Trần Như Dương cho biết đợt dịch lần này, Việt Nam phải đối mặt với “kẻ thù vô hình” nguy hiểm hơn nhiều, đó là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh. Biến chủng này có đặc điểm là lây lan rất nhanh. Số người mang virus không triệu chứng cũng rất cao, cho nên để phát hiện được người nhiễm bệnh tại cộng đồng đòi hỏi phải truy vết, xét nghiệm thật nhanh trên diện rộng với số lượng lớn.
Để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm trong tình hình mới, ngành Y tế phải thay đổi chiến lược gộp mẫu xét nghiệm.
“Nếu như trước đây chủ yếu chúng ta làm xét nghiệm mẫu đơn hoặc nhiều lắm là gộp mẫu năm thì đến “chiến trường” ở Quảng Ninh và Hải Dương, Bộ Y tế đã cho phép làm gộp mẫu từ 10-12 mẫu trong một lần xét nghiệm để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm mẫu rất lớn”, ông Dương cho hay.
Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, gộp theo hộ gia đình hoặc trong một nhóm cùng cơ quan, đơn vị có thể lên tới 16 mẫu. Nhóm mẫu nào xuất hiện dương tính thì lập tức cho cách ly ngay và tiến hành tách ra làm mẫu đơn để phát hiện chính xác được người nhiễm bệnh. Với cách làm này vừa nhanh lại tiết kiệm được rất nhiều sinh phẩm.
Chiến lược gộp mẫu hoàn toàn có cơ sở khoa học vững chắc và rõ ràng. Có rất nhiều nghiên cứu quốc tế cũng như nhiều nước đã áp dụng chiến lược này. Tại Việt Nam với sự thận trọng và khoa học, Bộ Y tế giao cho Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương triển khai nghiên cứu, phát triển quy trình chuẩn từ rất sớm của việc gộp mẫu.
“Kết quả nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định việc gộp nhiều mẫu trong một lần xét nghiệm là hoàn toàn khả thi, chính xác, tin cậy với độ nhạy và độ đặc hiệu cao tương đương như khi ta làm mẫu đơn. Chính nhờ có những căn cứ khoa học rõ ràng như vậy mà Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện trong toàn quốc”, ông Dương nói.
Cách ly trẻ nhỏ tại các khu tập trung rất phức tạp
Trước thực tế nhiều trẻ dưới 5 tuổi trở thành F1 khi trong các trường có ca mắc bệnh, Bộ Y tế thay đổi phương thức sang trẻ dưới năm tuổi sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết việc cách ly trẻ nhỏ tại khu cách ly tập trung rất phức tạp, đòi hỏi cha mẹ phải đi theo chăm sóc rồi chế độ ăn cũng không thể đáp ứng được.
“Chính vì vậy, Bộ Y tế đã cho phép nhóm trẻ dưới 5 tuổi được cách ly tại nhà chặt chẽ do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm và có điều kiện đi kèm như: Chỉ được một người trông; người trông phải có sức khỏe tốt và không có các yếu tố nguy cơ bị bệnh tăng nặng đi kèm”, ông Dương cho hay.
Trẻ từ 6 tuổi trở lên cũng được áp dụng mô hình phân kỳ cách ly tập trung một cách phù hợp dễ áp dụng hơn mà vẫn bảo đảm an toàn