Trong những ngày gần đây, tình hình biển Đông có vẻ căng thẳng hơn. Vừa qua, một tàu khu trục của Mỹ đi lại gần quần đảo Hoàng Sa; Nhật Bản đã gửi một công hàm tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, trong đó có bác bỏ lập trường của Trung Quốc về việc vẽ đường phân chia trên Biển Đông; rồi việc Trung Quốc thông qua Luật hải cảnh, trong đó cho phép lực lượng hải cảnh bắn tàu nước ngoài vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc đang gây nhiều quan ngại trong các nước thuộc khu vực. Phóng viên Sputnik đã tìm hiểu tình hình và phỏng vấn một số chuyên gia Việt Nam về chính sách của Trung Quốc, phản ứng của các nước, và đặc biệt là của Việt Nam.
Hoàng Sa là lãnh thổ không tách rời của Việt Nam
Liên quan tới việc tàu khu trục của Mỹ đi lại gần quần đảo Hoàng Sa, phát ngôn viên quân khu Nam, Thượng tá Tian Junli nói rằng, những hành động này của Mỹ là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh Trung Quốc, phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực, cố tình vi phạm bầu không khí hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên Biển Đông", chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng đã bình luận với Sputnik:
“Phát ngôn của sĩ quan cấp tá ba sao Tian Junli của Trung Quốc là dựa trên quan điểm của Trung Quốc và chỉ của Trung Quốc mà thôi. Tháng 7-2016, Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đã ra phán quyết nêu rõ hai vấn đề:
Thứ hai, các thực thể đá và bãi ngầm ở Biển Đông nói chung và Trường Sa nói riêng đều là các thực thể địa lý không người ở, không có hệ sinh thái riêng, không có đủ các điều kiện để con người tự sinh sống mà không nhờ vào nguồn lực bên ngoài và do đó, không phải là đối tượng được hưởng quyền có vùng lãnh hải 12 hải lý cũng như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Từ hai điểm này, có thể thấy phát ngôn của vị thượng tá hải quân nói trên chứng tỏ ông ta không hiểu gì về UNCLOS-1982 mà Trung Quốc là một trong các bên tham gia Công ước quốc tế này”.
“Việc Mỹ điều động một lực lượng hải quân đáng kể để “tuần tra” trên Biển Đông và tiếp cận quần đảo Hoàng Sa vừa qua là một trong những tín hiệu cho thấy Washington sẽ không thay đổi lập trường chung của họ đối với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông nói riêng”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam tiếp tục khẳng định rằng thực thể địa lý quần đảo Hoàng Sa cũng như huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam, thuộc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Và do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên vùng biển/đảo thuộc chủ quyền của Việt nam là không được Nhà nước Việt Nam cho phép đều là những hành vi vi phạm luật pháp của Việt Nam là pháp lý quốc tế.
Trung Quốc ngày càng bị cô lập trong vấn đề Biển Đông
Tháng trước, Nhật Bản đã gửi một công hàm tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Văn bản này đề ngày 19-1-2021, trong đó Tokyo khẳng định Trung Quốc không có quyền vẽ đường cơ sở ở Biển Đông như đã nêu trong một công hàm của Bắc Kinh trước đó.
Trong công hàm, Nhật Bản ghi rõ như sau: "Nhật Bản, dưới tư cách một thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), bác bỏ lập trường của Trung Quốc cho rằng 'việc vẽ đường cơ sở phân chia lãnh hải do Trung Quốc thực hiện trên các đảo và đá ở Biển Đông là phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung'.
Động thái trên của Nhật nói lên điều gì?
“Động thái này nói lên sự ủng hộ của ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đối với Việt Nam nói riêng và một số nước ASEAN nói chung về việc hoạch định Biển Đông thành một vùng biển quốc tế an ninh, an toàn, tôn trọng chủ quyền của các nước có lãnh thổ tiếp giáp với Biển Đông, tuân thủ theo pháp lý quốc tế mà cơ sở là Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982). Theo đó, mọi tranh chấp về chủ quyền biển/đảo phải được giải quyết bằng đối thoại, đàm phán hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp quốc 1946 và UNCLOS-1982 cũng như các văn kiện pháp lý có liên quan”, - Chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế Hồng Long phát biểu đánh giá của mình với Sputnik.
“Động thái của Nhật còn cho thấy Trung Quốc ngày càng bị cô lập bởi lập trường áp đặt của họ đối với vấn đề chủ quyền quốc gia ở Biển Đông. Ở Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có thể “mạnh miệng” tung ra các “phản công hàm” đối với các nước ASEAN nhỏ yếu hơn mình nhưng họ sẽ phải “nghĩ lại” khi các nước lớn có quyền lợi liên quan đến Biển Đông phản đối lập trường áp đặt và đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc đối với các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp Quốc về việc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik..
Cổ nhân Trung Quốc có câu: “Mãnh hổ bất như quần hồ”. Người Trung Quốc ngày nay cần học lại bài học này từ tiền nhân của họ khi theo đuổi những yêu sách vô lý và bất chấp luật pháp quốc tế về cái gọi là “vùng nước lịch sử” ở Biển Đông.
Theo một số thông tin gần đây, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng căn cứ tên lửa đất đối không ở huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nằm cách biên giới Việt Nam chỉ chừng 20 km. Phóng viên Sputnik đã tìm hiểu xem Việt Nam đã xác định được căn cứ này có thật hay không chưa? Nếu có thật, phản ứng của Việt Nam sẽ như thế nào?
“Việc Trung Quốc xây dựng căn cứ tên lửa phòng không trên lãnh thổ Trung Quốc, cho dù chỉ cách đường biên giới Việt-Trung 1 km thì đó là công việc nội bộ của Trung Quốc, là vấn đề thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Việt Nam dù biết hay không biết cũng không thể bình luận về việc này. Bởi nếu Việt Nam bình luận ủng hộ hay không ủng hộ thì đó sẽ là sự can thiệp vào công việc nội bộ, can thiệp vào chủ quyền của nước khác; và Việt Nam sẽ không bao giờ làm như vậy”, - Chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế Hồng Long bình luận với Sputnik.
Luật hải cảnh và vấn đề chủ quyền nào của Trung Quốc trên Biển Đông
Trung Quốc cũng vừa thông qua Luật hải cảnh. Việt Nam phải hành động như thế nào, bảo vệ ngư dân của mình như thế nào trên Biển Đông trong tình hình mới?
Trung Quốc vừa thông qua Luật Hải cảnh, trong đó cho phép lực lượng Hải cảnh có quyền nổ súng vào tàu bè nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển của Trung Quốc. Về hình thức pháp lý, điều này không có gì bất hợp lý. Cảnh sát biển Việt Nam hay lực lượng tuần duyên của Hải quân Mỹ và nhiều nước khác cũng có quyền can thiệp bằng vũ lực đối với tất cả các hoạt động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của nước mình.
Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm ở đây là chủ quyền nào? Trên phạm vi nào? Nếu việc nổ súng để ngăn chặn hành vi phạm pháp luật của Trung Quốc diễn ra tại vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải được UNCLOS-1982 quy định thì không có gì phải bàn luận. Nhưng nếu như các vụ nổ súng ấy diễn ra trên vùng biển mà Trung Quốc tự quy định cho mình trái với UNCLOS-1982 hoặc là vùng biển đang diễn ra tranh chấp thì đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế mà trực tiếp là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc (“Không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”) và vi phạm UNCLOS-1982 (“Mọi tranh chấp đều phải được giải quyết bằng đàm phán, đối thoại hòa bình”).
Từ tháng 6-2020, Hiệp định Hợp tác Nghề cá trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn toàn hết hiệu lực và do đó “vùng đánh cá chung” giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ đã không còn tồn tại. Việt Nam đã khuyến cáo các ngư dân của mình không được vượt qua đường ranh giới phân định Vịnh Bắc Bộ đã được quy định tại Điều 2 của Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước tại vịnh Bắc Bộ.
“Tuy nhiên, Việt nam và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đàm phán về việc phân định ranh giới biển vùng ngoài của vịnh Bắc Bộ nên việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định Hợp tác Nghề cá trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc không liên quan đến việc tự do đánh cá ở vùng biển này. và Việt Nam đã có các phương án bảo vệ ngư dân của mình không chỉ trên các vùng biển tiếp giáp với trung Quốc mà còn trên tất cả các vùng biển tiếp giáp với các quốc gia khác trên Biển Đông”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik...
Và một vấn đề cũng cần được lưu ý, đó là Việt Nam đang trong quá trình “gỡ thẻ vàng” đối với xuất xứ các hải sản của mình khi xuất khẩu sang EU. Do đó, việc các ngư dân Việt Nam tuân thủ phạm vi hành nghề trên vùng đặc quyền kinh tế của mình và không được phép vượt sang vùng đặc quyền kinh tế biển của nước khác luôn được Chính phủ Việt Nam kêu gọi, khuyến cáo và sẽ có những hình thức xử lý thích đáng. Mặt khác, Việt Nam vẫn luôn có sự bảo hộ tối đa cho công dân nước mình theo luật pháp quốc tế khi có những xung đột, tranh chấp trên biển.
Biển Đông ngày càng trở thành nơi tranh chấp trong chiến lược toàn cầu của các nước lớn
Trong thời gian gần đây càng ngày càng nhiều nước quan tâm hơn tới Biển Đông - con đường biển tấp nập thứ hai thế giới, chỉ sau Địa Trung Hải. Phân tích hiện tượng này, chuyên gia Hồng Long nêu quan điểm của mình với Sputnik:
“Chắc chắn sẽ còn nhiều nước, thậm chí là các nước lớn ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi quan tâm hơn tới Biển Đông. Bởi vì Biển Đông giữ vai trò “yết hầu” trong giao thông vận tải, trong xuất nhập khẩu đường biển vốn có tải lượng tấn/km rất lớn đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, miền Viễn Đông của Nga và đối với chính Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan). Con đường biển tấp nập thứ hai thế giới này đã trở thành mối quan tâm lớn của các nước lớn trên thế giới không chỉ về các vấn đề quốc phòng-an ninh mà còn là các vấn đề kinh tế, giao thương, buôn bán”.
“Từ đầu thế kỷ XX, khi Châu Á nói chung và các “con rồng mới” về kinh tế nổi lên như Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan nổi lên cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc đang chuyển từ “náu mình chờ thời” sang “chiến lang bộc lộ” thì Biển Đông lại càng trở thành nơi tranh chấp trong chiến lược toàn cầu của các nước lớn, trước hết là Mỹ và Trung Quốc.
Biển Đông chỉ có thể có an toàn, an ninh và trở thành vùng biển hòa bình và ổn định khi các quốc gia trên thế giới quan tâm đến nó với tất cả trách nhiệm của mình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, biết chiếu cố đến lợi ích của các bên và quan trọng nhất là tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tự quyết, quyền tài phán của các quốc gia có chủ quyền của mình đối với Biển Đông.