Chiều ngày 11/2, tức 30 Tết, Bộ Y tế thông tin cho biết, cả nước có thêm 31 ca mắc Covid-19 mới lây nhiễm trong cộng đồng ở 4 địa phương là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương và Gia Lai.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết hơn 10.000 mẫu xét nghiệm của nhân viên sân bay Nội Bài đã âm tính, trong khi hôm nay tại Tân Sơn Nhất cũng không có thêm ca mắc mới.
Về tình hình điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế cảnh báo ca bệnh 1536, người phụ nữ từ Mỹ về, có diễn tiến bệnh rất giống với nam phi công người Anh trước đó.
Bộ Y tế: Việt Nam có thêm 31 bệnh nhân Covid-19
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, chiều nay 11/2/2021, tức 30 Tết, Việt Nam ghi nhận thêm 31 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc coronavirus của cả nước lên thành 2140.
Trong đó, Hải Dương có 27 ca mắc coronavirus, Quảng Ninh 2 người, Hà Nội và Gia Lai mỗi nơi một trường hợp.
Từ thời điểm dịch tái bùng phát (27/1) đến chiều nay (18h ngày 11/2), Việt Nam đã có thêm 553 ca lây nhiễm trong nước mới. Tổng số ca lây nhiễm cộng đồng trên cả nước tính đến thời điểm này là 1246 trường hợp.
Về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, hiện dịch đã lan ra 13 tỉnh, thành gồm Hải Dương (383), Quảng Ninh (59), Hà Nội (29), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (4), Điện Biên (3) Hòa Bình (2), TP.HCM (34), Bắc Giang (2), Hưng Yên (2), Hải Phòng và Hà Giang mỗi nơi một ca bệnh.
Về các ca bệnh mới, Bộ Y tế cho hay, bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 số 2110 là cháu bé 2 tháng tuổi, địa chỉ tại huyện Mê Linh, TP. Hà Nội, là F1 của bệnh nhân 1725 (công nhân làm việc tại phân xưởng cơ điện dụng cụ nhà máy Z153, Đông Anh), được cách ly từ ngày 31/1.
Về trường hợp này, Bộ cho biết, ngày 10/2, bé có sốt, ho, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội.
Về hai trường hợp mắc Covid-19 2111 và 2112, Bộ Y tế cho hay, đây là các ca nhiễm ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Hai người đều là F1 của bệnh nhân 2052 (61 tuổi, ở Quảng Ninh), được cách ly tập trung từ ngày 8/2. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 11/2 xác định hai bệnh nhân dương tính với nCoV. Hiện 2 bệnh nhân 2111 và 2112 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Tại Hải Dương, chiều nay ghi nhận đến 27 ca Covid-19 mới (các bệnh nhân từ 2113- đến 2139). Được biết, 27 người này đều ở Hải Dương, là F1 đã được cách ly tập trung từ trước, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Kết quả xét nghiệm ngày 11/2 của họ xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Tại Gia Lai, trường hợp nhiễm coronavirus mới là 2140. Đây là người đàn ông 32 tuổi, có địa chỉ tại thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai. Bộ Y tế cho hay, đây là F1 của các bệnh nhân được công bố trước đó (gồm ca bệnh 1891, 2076, 2077).
Kết quả xét nghiệm ngày 11/2 xác định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện người này được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai.
Cũng trong dịp này, đã có 51 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương và Bệnh viện Dã chiến số 1 tại Chí Linh, Hải Dương. Việt Nam đã điều trị khỏi cho 1531 bệnh nhân.
Dịch Covid-19 ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất ra sao?
Cục Hàng không Việt Nam thông tin cho biết, toàn bộ nhân viên Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã được lấy mẫu bệnh phẩm, tiến hành xét nghiệm, đã có 10.302 kết quả âm tính với Covid-19.
Trước đó, ngày 9/2, các ngành chức năng đã lấy mẫu của 10.740 nhân viên làm việc tại sân bay Nội Bài. 300 nhân viên y tế được huy động để xét nghiệm cho toàn bộ các cán bộ, nhân viên sân bay Nội Bài.
Ông Tô Tử Hà, Quyền Giám đốc Cảng hàng không Nội Bài khẳng định việc lấy mẫu xét nghiệm không ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay.
Lãnh đạo Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong ngày hôm nay cũng không có thêm ca dương tính.
Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, dịch cơ bản đã được kiểm soát. Cùng với đó, theo yêu cầu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Cục Hàng không đã cho cách ly toàn bộ các nhân viên của Công ty dịch vụ mặt đất (VIAGS) phục vụ hàng hoá.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, hiện đã có 168 nhân viên của Công ty phục vụ mặt đất Viags - Tân Sơn Nhất đã được cách ly theo dõi tại cơ sở y tế Cần Giờ- Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty VIAGS đã điều động nhân viên tại các Cảng hàng không khác tới để đảm bảo hoạt động.
Về vấn đề nhân lực, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết có 2 phương án dự phòng khi phải cách ly là huy động nhân lực ở các sân bay khác về và nhân sự từ các đơn vị khác. Đơn vị này khẳng định việc khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất vẫn được triển khai bình thường.
Bệnh nhân 1536 diễn tiến nặng rất giống ca bệnh phi công người Anh
Tại Trung tâm Quản lý điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19, các chuyên gia y tế đầu ngành của Việt Nam tiến hành phiên làm việc cuối cùng ngay chiều 30 Tết để tìm hướng điều trị các ca bệnh nặng.
Tại cuộc hội chẩn quốc gia, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin cho biết, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị thì ca nặng nhất là bệnh nhân 1536 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Đáng chú ý, diễn tiến bệnh của bệnh nhân có vẻ khá giống bệnh nhân 91, phi công người Anh. Ngoài ra, tại Quảng Ninh cũng có một số bệnh nhân nặng cần đặc biệt chú ý.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu các bệnh viện rà soát lại các trường hợp nặng vào trước đêm 30 Tết, phải quan tâm đến các ca bệnh có nguy cơ diễn tiến xấu, bất thường.
Bệnh nhân 1536 là người phụ nữ 79 tuổi, từ Hoa Kỳ trở về, có tiền sử nhiều bệnh nặng như đái tháo đường, cao huyết áp, đã được đặt ECMO.
Hai vị giáo sư hàng đầu của ngành y tế Việt Nam và GS.TS Ngô Quý Châu, nguyên Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam và GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chia sẻ quan điểm về việc điều trị ca bệnh nặng 1536.
Theo đó, các chuyên gia lo ngại về tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân có xu hướng trầm trọng hơn dù tình trạng phổi có đỡ hơn. Hai vị giáo sư cho rằng nên xem xét chiến lược về kháng sinh, dù thời gian qua đã điều trị bao vậy nhưng tình trạng bệnh vẫn chưa thay đổi, vẫn dương tính với nCoV, cân nhắc về thời gian thay quả lọc sớm.
Liên quan đến đề xuất có nên dùng các mẫu huyết thanh của bệnh nhân đã khỏi Covid-19 cho bệnh nhân nặng này hay không, GS. Nguyễn Văn Kính cho biết hiện nay có một số nghiên cứu trên thế giới về tác dụng của huyết thanh song quan điểm cũng chưa nhất quán.
“Có nơi bảo có thể tốt, có nơi lại không ăn thua. Ngoài ra, nồng độ kháng thể trong mẫu huyết thanh lưu trữ trong tủ lạnh cũng tự động thoái hóa. Vì thế, hai mẫu huyết thanh để từ lâu thì nồng độ huyết thanh đã giảm, nếu Bệnh viện muốn dùng thì cần định lượng lại lượng kháng thể”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, bệnh viện nên lấy mẫu gửi đi làm PCR và xem xét việc dùng thuốc an thần, giãn cơ.
Kết thúc hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, đã 30 Tết nhưng các thầy thuốc tuyến trên vẫn đang trực tại các bệnh viện điều trị Covid-19 để hỗ trợ tuyến dưới.
Thay mặt Tiểu Ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn, ông gửi lời cảm ơn tất cả các thầy thuốc đang nỗ lực điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tất cả các cơ sở y tế.
Khi nào kiểm soát được dịch Covid-19 tại TP.HCM?
Chia sẻ về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện tại, để đánh giá đúng tình hình còn phụ thuộc nhiều yếu tố dù thành phố đã vào cuộc mạnh mẽ, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, Bộ Y tế hỗ trợ tối đa.
“Chúng ta đều biết sự phức tạp trong đội bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt việc những ca F1 âm tính trong khi F2 lại dương tính với SARS-CoV-2. Điều này có nhiều giả thuyết và có lẽ chúng ta phải chờ đợi kết quả giải trình tự gen của Viện Pasteur TP.HCM để xem virus này và chủng ở Chí Linh, Vân Đồn có phù hợp với nhau hoặc mang các đột biến của Anh, Nam Phi, Brazil hay không”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lưu ý.
Về việc tại sao F1 âm tính, F2 dương tính, vị lãnh đạo cho hay, hiện có nhiều giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất, F1 từng mắc bệnh và tự khỏi. Giải thuyết thứ 2, F1 là F0 và truyền bệnh cho cả 2 người là F0 trước đó và F2, F1 là người trung gian. Giả thuyết thứ 3 đáng lo ngại hơn đó là F2 không phải lây từ F1 mà lây từ trong cộng đồng, đợt dịch rò rỉ trước đó, không triệu chứng.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, ngành y tế đã xây dựng các tình huống, phương án, đồng thời sẽ tiến hành lấy mẫu rộng để đánh giá các giả thiết.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, hiện tại chuỗi Covid-19 ở sân bay Tân Sơn Nhất đã tương đối ổn định. Trong cuộc trao đổi với Zing, ông bày tỏ lo ngại rằng trong cộng đồng, dịch còn đáng quan ngại. Hôm qua, TP.HCM có thêm 5 khu phong tỏa mới.
“Tình hình còn phức tạp, khó trả lời ngay được vấn đề đã kiểm soát được hay không mà cần phải theo dõi thêm. Chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để phát hiện càng sớm càng tốt”, đại diện Bộ Y tế nêu rõ.
Thứ trưởng Sơn cũng thông tin, ngày mai 12/2, Viện Pasteur TP.HCM sẽ giải xong trình tự gen, khi đó sẽ rõ virus đang xâm nhập có phải biến chủng hay không.
“Mỗi chủng đều có đột biến làm tăng khả năng lây lan của virus. Chu kỳ của virus đợt đầu khoảng 5-7 ngày, trong khi chu kỳ này rút rất ngắn, có thể từ 3-4 ngày, nên tùy chủng virus mà xem cơ hội còn nhiều hay ít đối với TP.HCM”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.