Báo cáo của Bộ Y tế chiều nay cho thấy, cả nước có thêm hai trường hợp mắc Covid-19 mới lây nhiễm trong cộng đồng tại các địa phương Hà Nội và Bắc Ninh, nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 của cả nước lên thành 2.142 bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, chuyên gia dịch tễ hàng đầu tại Việt Nam vừa tiết lộ thói quen giúp phòng tránh được 80% các bệnh truyền nhiễm nhưng người Việt Nam dường như lại “hay quên” theo thói quen, hoặc “lười” thực hiện.
Việt Nam lần đầu phát hiện chủng mới virus corona, chưa có ở Đông Nam Á
Chiều nay, ngày 12/2, tức mùng Một Tết Tân Sửu 2021, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sau khi giải trình bộ gen của chủng virus corona (SARS-CoV-2) của bệnh nhân ở chùm ca bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất xác nhận, virus gây đợt bùng phát dịch Covid-19 tại TP.HCM là chủng mới xuất hiện ở Đông Nam Á.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo về kết quả giải mã bộ gen virus corona từ các ca bệnh Covid-19 liên quan chùm bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Sáng nay, 12/2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã có báo cáo nhanh với Sở Y tế và Cục Y tế Dự phòng về kết quả giải trình gen của chủng coronavirus từ các ca bệnh là nhân viên công ty VIAGS công tác tại tổ bốc xếp ở Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Phòng xét nghiệm sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã thu nhận ba bộ gen SARS-CoV-2 hoàn chỉnh từ mẫu bệnh phẩm, dịch phết mũi họng của bệnh nhân 1979 và của hai trong số 4 ca bệnh thuộc tổ bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất được Bộ Y tế công bố dương tính với nCoV trước đó ngày 8/2.
Các nhà khoa học Việt Nam phát hiện ra rằng, cả ba bộ gen thu nhận được từ các bệnh nhân nhiễm coronavirus này có sự tương đồng về gen là trên 99,95%.
Như vậy, chùm ca bệnh gồm bệnh nhân 1979 và các bệnh nhân của tổ bốc xếp thuộc công ty VIAGS ở sân bay Tân Sơn Nhất nhiều khả năng là xuất phát từ một nguồn lây.
Đồng thời, kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cũng cho thấy cả ba bộ gen SARS-CoV-2 thu nhận được đều thuộc chủng A.23.1.
Biến chủng của SARS-CoV-2 thuộc nhóm A.23.1 được các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu dịch tễ trên thế giới phát hiệm lần đầu tiên ở Rwanda, Châu Phi, vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10/2020.
Ngoài quốc gia nằm ở Vùng hồ lớn trung đông Phi này, nhóm A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số ít nước khác trên thế giới bao gồm Mỹ, UAE, Australia cũng như một số nước khác ở châu Âu trong đó có Anh và Đan Mạch.
Tuy nhiên, giới khoa học cũng chưa cho thấy những dấu hiệu diễn biến bất thường của dịch Covid-19 do những biến thể này gây ra ở các quốc gia này.
Với kết quả giải trình này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đánh giá, chủng virus corona gây ra chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất không phải biến chủng có khả năng lây lan nhanh từ Anh (biến thể B117) đang gây bệnh tại Hải Dương, Quảng Ninh cũng như chủng Nam Phi.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận định với kết quả giải trình tự gen này, virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở chùm ca liên quan nhân viên công ty bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất là “chủng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và Đông Nam Á”.
Kết quả giải trình tự gen được các nhà khoa học Việt Nam thuộc nhóm nghiên cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tiến hành.
Từ ngày 6-10/2/2021, Sở Y tế TP.HCM báo cáo cho biết đã ghi nhận 34 ca bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có tới 8 trường hợp mắc nCoV cùng chung tổ bốc dỡ, sắp xếp, giám sát hành lý, hàng hóa ở sân bay Tân Sơn Nhất thuộc sự quản lý của Công ty VIAGS.
Tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM được nhận định là phức tạp khi chưa thể phát hiện nguồn lây nhiễm, các ca bệnh F2 dương tính trong khi F1 lại âm tính. Chính Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận, chưa bao giờ TP.HCM ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều đến thế.
Lãnh đạo TP.HCM cùng với Bộ Y tế, các đơn vị liên quan ngay lập tức vào cuộc quyết liệt, phong tỏa nhiều địa điểm có ca mắc, thực hiện giãn cách xã hội với những khu vực có ca nhiễm, tiến hành xét nghiệm toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, đảm bảo chỉ khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được ra vào làm việc.
TP.HCM nhanh chóng truy vết, tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện một số biện pháp hạn chế tụ tập đông người, các loại hình dịch vụ không cần thiết, yêu cầu người dân nghiêm túc tuân thủ khuyến cáo 5K phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế để hạn chế tối đa hiện tượng lây nhiễm trong cộng đồng.
Việt Nam có thêm hai ca mắc Covid-19 mới
Bản tin phát lúc 18h của Bộ Y tế cho thấy, chiều 12/2, tức mùng Một Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Việt Nam có thêm hai ca mắc SARS-CoV-2 mới tại Hà Nội và Bắc Ninh.
Thông tin về hai ca nhiễm coronavirus mới, Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân 2141 là nam, 25 tuổi, địa chỉ tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Đây là trường hợp F1 của ca bệnh 1565 (lây từ bệnh nhân 1552 - công nhân công ty POYUN, Hải Dương), được cách ly tập trung từ ngày 28/1. Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 11/2 cho thấy bệnh nhân dương tính với nCoV. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Ca bệnh 2142 là người phụ nữ 33 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội. Đây là nữ công nhân tại nhà máy Z153 và là F1 của bệnh nhân 1694 (người ở Hà Nội đi ăn cưới tại Hải Dương, sau đó về lây cho nhiều người) và bệnh nhân 1695, đã được cách ly tập trung từ ngày 30/1.
Hiện tại, bệnh nhân 2142 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ 27/1 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 555 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay đang được kiểm soát.
13 thành phố, tỉnh thành của Việt Nam hiện đang có dịch Covid-19 là Hải Dương (383 bệnh nhân), Quảng Ninh (59), Hà Nội (30), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3) Hòa Bình (2), TP.HCM (34), Bắc Giang (2), Hưng Yên (2), Hải Phòng (1), Hà Giang (1).
Chuyên gia nêu thói quen giúp phòng 80% bệnh truyền nhiễm
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng bày tỏ quan điểm rằng, chính đại dịch Covid-19 đã giúp chúng ta nhìn nhận ra nhiều điều.
Chẳng hạn như những thói quen đơn giản như thường xuyên rửa tay, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ lại có thể giúp phòng tránh nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Vị chuyên gia thẳng thắn chỉ ra rằng, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, một bộ phận lớn người Việt Nam vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của sức khỏe và còn quá mải mê kiếm tiền.
“Chúng ta sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư vào những thứ không quan trọng như: mua xe, mua điện thoại. Trong khi không ai biết đầu tư cho sức khoẻ. Đến khi mắc bệnh người dân mới thấy chữa bệnh tốn kém”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận xét.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, hiện nay có ba vấn đề chính mà người Việt Nam cần lưu ý đó là vệ sinh cá nhân, nguồn nước sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt và đặc biệt là không tùy tiện mua, sử dụng thuốc kháng sinh.
Nói sâu hơn về vấn đề vệ sinh, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, việc thay đổi thói quen hành vi vệ sinh sẽ phòng tránh được rất nhiều bệnh tật.
“Ví dụ như, rửa tay xà phòng và sử dụng nước sạch phòng được 80% bệnh truyền nhiễm, 20% còn lại là do di truyền. Tuy nhiên, không phải người Việt nào cũng thực hiện được”, chuyên gia dịch tễ lưu ý.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, thói quen đơn giản như rửa tay giúp phòng bệnh truyền nhiễm, nhưng không phải ai cũng làm.
“Tôi nhận thấy người Việt còn quá lười rửa tay. Trong khi đó, vi khuẩn tồn tại ở khắp mọi nơi – trong nhà, ngoài đường, ở nhà, nơi làm việc. Nếu không rửa tay bạn hoàn toàn có thể mắc bệnh. Cá nhân tôi thường rửa tay ngay sau khi đi ở bên ngoài về nhà, trước khi ăn, sau bữa ăn, sau khi đi vệ sinh”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khẳng định.
Theo một thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy, chỉ có 12% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, chỉ có 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh.
Chính PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng đã từng rất trăn trở về một thế hệ người Việt Nam khỏe mạnh thông qua việc xây dựng những thói quen tưởng chừng đơn giản như rửa tay.
Trong khi Tổ chức Y tế thế giới WHO cho rằng rửa tay chính là “vaccine tự chế” đơn giản và hiệu quả, dễ thực hiện, có thể cứu sống hàng triệu người. Ths.BS ĐỊnh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, thường xuyên rửa tay sạch có thể làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp tới 19-45%.
“Việc tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng trong cộng đồng nhằm giảm các bệnh và vì một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.