Nghề Grabbike giúp nuôi dưỡng ước mơ
Trao đổi với Sputnik vào những ngày năm hết Tết đến, anh Hoàng Thanh Hải (30 tuổi, quê Hà Nam) vẫn say sưa nói về niềm đam mê với ngoại ngữ, thậm chí, anh còn biến điều đó thành một phần công việc trong cuộc sống thường ngày.
“Hiện tại, mình vừa chạy shipper cho Grab, vừa duy trì một kênh YouTube. Ngoài ra, mình còn nhận dẫn các bạn học sinh, sinh viên lên phố bắt chuyện với người nước ngoài để trau dồi kỹ năng ngoại ngữ. Thời gian còn lại sẽ dành hết cho việc học ngoại ngữ”.
“Quả thực, mình chỉ định đăng cho vui. Hồi đó YouTube của mình chưa có ai đăng ký, cũng chưa biết kiếm tiền trên YouTube là gì. Không ngờ, đoạn video được mọi người quan tâm chia sẻ, dần dần các nhà báo, nhà đài tìm đến xin phỏng vấn. Thực sự mình cũng cảm thấy bất ngờ, vinh dự, hồi hộp và thích thú vì đó là lần đầu tiên được lên báo”.
“Mình cũng không bàn cãi gì lại, chỉ tự nhìn lại và cải thiện bản thân thôi”, anh Hải chia sẻ việc được nhiều người biết đến cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của anh.
Về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến thu nhập, anh Hải cho biết:
“Như mình đã chia sẻ, vì Grab chỉ là một trong số các công việc, nên với mình thì cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí, có đợt dịch, vì ở nhà nhiều nên người ta lại đặt đồ nhiều hơn, nên dịch vụ giao đồ ăn cũng không bị ảnh hưởng mấy. Ảnh hưởng nặng phải nói đến các ngành nhà hàng, khách sạn, hàng không”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng liệu có khi nào anh nghĩ đến việc bỏ nghề ship vì quá chông chênh, vất vả không, anh Hải nói:
“Có chứ, cũng vất vả nắng mưa, lại không thể giúp trau dồi kỹ năng cho bản thân nhưng bù lại, vì thời gian linh hoạt nên mình có thể thu xếp những công việc khác, gồm cả học ngoại ngữ. Với lại, trước mắt nghề này đang giúp mình nuôi dưỡng ước mơ và trang trải cuộc sống”.
Học đi đôi với hành
Bỏ ngang Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội khi học được hơn một năm, anh Hải đi làm từ sớm để mưu sinh, song song với việc học ngoại ngữ.
“Hiện tại, một tuần mình đi kèm các bạn học sinh, sinh viên 5 buổi chiều, buổi sáng chạy Grab khoảng 3 - 4 tiếng, thời gian còn lại mình dành cho việc cá nhân”.
Thanh Hải chia sẻ ước mơ trước mắt là có một tấm bằng, chứng chỉ về ngoại ngữ, với hy vọng nó giúp anh mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp.
“Rõ ràng không có bằng cấp thì cũng không có gì chứng minh cho năng lực của mình, mọi cánh cửa tương lai cũng vẫn đóng lại. Sau khi có được một tấm bằng, có thể mình sẽ ôn thêm 2, 3 ngoại ngữ khác nữa để lấy bằng. Nói được là một chuyện, thi cử còn đòi hỏi các kỹ năng khác như đọc, viết, đặc biệt phải chuẩn ngữ pháp. Mà mình học ngoại ngữ nên biết tiếng Anh thuộc dạng dễ nhất rồi, còn các tiếng khác khó hơn rất nhiều”.
Anh Hải xin phép chưa tiết lộ ngoại ngữ nào anh đang ấp ủ vì sợ “nói trước bước không qua”.
Để “giữ lửa” cho niềm đam mê của mình, anh Hải chia sẻ học phải đi đôi với hành, vừa học vừa phải mang ra giao tiếp với người bản địa. Sau một cuộc trò chuyện “thành công”, anh luôn cảm thấy có thêm động lực để học tiếp.
“6 tháng đầu học tiếng Anh mình nghe 10 tiếng/ngày, nghe xong mình ra nói chuyện thẳng với Tây luôn, không qua trường lớp nào, nghe 100% bằng tiếng Anh, bây giờ thì chắc khoảng 7-8 tiếng/ngày, ngày nào rảnh sẽ học nhiều hơn”.
Thực ra ban đầu mục đích học tiếng Anh của mình chỉ là để nói chuyện với người nước ngoài, nghe thông tin trên mạng, học hỏi… Ví dụ, lên Youtube nghe các bản tin, video cung cấp thông tin bằng tiếng nước ngoài.
Thành thạo nhiều thứ tiếng
Tính cả tiếng Việt, anh Hải có thể giao tiếp cơ bản bằng 10 ngôn ngữ và đang ngày càng đầu tư nâng cao trình độ. Các thứ tiếng bao gồm: tiếng Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Do Thái, Hà Lan…
“Trình độ mỗi tiếng tùy vào thời gian học. Tất cả các tiếng mình đều tự học và “thầy” là những người nước ngoài mà mình có cơ hội giao tiếp. Mỗi người hướng dẫn một chút, chỉ ra chỗ phát âm sai, lỗi dùng từ chưa đúng, nên tính ra mình có rất nhiều thầy”, anh Hải vui vẻ nói.
“Mình thích tiếng Tây Ban Nha nhất vì cả ngữ điệu lẫn văn hóa của người Mỹ Latinh. Đa phần những người dân ở đây rất gần gũi, cởi mở, thân thiện. Nhiều ca khúc và bộ phim nổi tiếng của Tây Ban Nha cũng rất hay khiến mình thích ngôn ngữ này và dành nhiều thời gian học chỉ sau tiếng Anh”.
“Ban đầu, nhiều vị khách đến từ Đức, Italy, Tây Ban Nha… nói chuyện với mình bằng tiếng Anh, nhưng sau khi họ nghe mình nói ngôn ngữ của họ, họ tỏ ra rất thích thú và vui mừng, dù mình giao tiếp chỉ bập bõm”.
Cứ như vậy, niềm đam mê của Thanh Hải được nuôi lớn dần qua những lần trò chuyện với người nước ngoài. Ngoại ngữ không chỉ giúp anh hiểu thêm văn hóa, tính cách con người của các đất nước khác nhau mà còn giúp anh có thêm những người bạn mới. Anh tin tưởng dù hiện tại tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến nhất nhưng những năm tiếp theo, thế hệ học và sử dụng đa ngoại ngữ sẽ tăng, cầu cũng cao.
Về công việc dẫn các bạn trẻ lên hồ “săn Tây”, luyện ngoại ngữ, anh Hải kể:
“Nhiều em học sinh còn nhỏ nhưng rất bạo dạn khi giao tiếp với người lạ, người nước ngoài. Công việc của mình là dắt các bạn nhỏ lên Hồ Gươm “săn Tây” và hướng dẫn để các em bắt chuyện với họ một cách tự tin. Đa phần người Tây quý trẻ con, nói sai họ cũng tìm cách để hiểu, không sao cả, điều đó giúp các em nhỏ tự tin, mạnh dạn, có động lực hơn trong việc học ngoại ngữ, đồng thời nâng cao được kỹ năng giao tiếp”.
Năm nay học sinh, sinh viên được nghỉ Tết, về quê sớm nên cũng ảnh hưởng đến công việc của anh. Còn chạy ship chỉ là việc làm bổ trợ nên chàng shipper cũng tranh thủ về quê sớm với gia đình.
“Mình đã 4 lần đi gặp nhà xuất bản, làm việc 3 tháng và phải đến 6-7 sau sách mới được xuất bản. Mình dự định năm 2021 sẽ tái bản lần 1”.
Chăm chỉ, siêng năng, cần cù, bền bỉ là những điều có thể thấy ở chàng thanh niên Hoàng Thanh Hải. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, hy vọng Hải sớm có thể đạt được những mục tiêu và tiếp tục nuôi dưỡng những ước mơ đẹp.