Sau một vài phiên phục hồi trở lại trên vùng 1.800 USD/ounce, giá vàng thế giới đang tiếp tục gặp khó tại ngưỡng hỗ trợ quan trọng này và giảm về giao dịch quanh vùng 1.792,3 USD. Đây không phải mốc thấp nhất 8 tháng nhưng là vùng thấp nhất mà kim loại quý giao dịch kể từ tháng 11/2020 đến nay.
Trong khi đó, diễn biến giá vàng trong nước có xu hướng ổn định hơn khi hầu hết doanh nghiệp vẫn niêm yết giá mua vào trên 56 triệu đồng/lượng, còn giá bán ra hiện ở quanh vùng 56,5 triệu đồng. Qua so sánh về diễn biến giá vàng trong nước và thế giới từ đầu năm 2021, cho thấy sự chênh lệch giữa 2 thị trường này ở mức rất cao. Nguyên nhân là do đâu?
Giá USD ở Mỹ không liên quan gì đến biến động giá vàng
Hiện vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt chỉ vào khoảng 50 triệu đồng/lượng, thấp hơn tới 6,5 triệu đồng so với giá vàng miếng trong nước. Mức chênh lệch kể trên cao gấp 3-4 lần so với những năm trước đây. Lý giải xu hướng này, chuyên gia về thị trường kim loại - ông Trần Thanh Hải đã đưa ra 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, do tác động của đồng USD mạnh lên nên giá vàng thế giới giảm thời gian qua chủ yếu. Điều này không đến từ việc nền kinh tế Mỹ phục hồi như nhiều người suy đoán, mà đến từ việc các nền kinh tế lớn khác trên thế giới cũng suy yếu và yếu hơn kinh tế Mỹ. Chính vì vậy, chỉ số USD Index vẫn ghi nhận mức tăng và tác động làm giảm giá vàng, ông Hải nhấn mạnh:
“Đây là lý do trực tiếp ảnh hưởng tới giá vàng, ngoài ra không có lý do cơ bản nào tác động tiêu cực đến thị trường vàng”.
Cụ thể, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ Mỹ và nhiều nước cũng đang liên tục tung ra các gói kích cầu mới, lãi suất thị trường ở mức thấp... Về lý thuyết, chính những chính sách này đều có lợi cho giá vàng.
Dịch Covid-19 mới chính là câu trả lời
Mặc dù có một số ý kiến cho rằng giá vàng suy yếu thời gian qua do tác động từ việc quỹ đầu cơ vàng lớn nhất thế giới SPDR bán ra, thị trường chứng khoán tăng, và dòng tiền dịch chuyển từ vàng sang tiền kỹ thuật số… Tuy nhiên, đây chỉ là những yếu tố nhỏ, không tác động trực tiếp tới đà giảm của kim loại quý, ông Hải nhấn định:
“Việc Elon Musk đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và đẩy giá đồng tiền ảo này lên trên 50.000 USD chưa hẳn là động cơ trực tiếp khiến giá vàng giảm. Nó chưa đủ lớn để nhà đầu tư phải dịch chuyển tài sản từ vàng sang tiền ảo”.
Chính vì thế ông Hải tiếp tục tiết lộ nguyên nhân thứ 2 khiến vàng trong nước đắt hơn thế giới. Trong những tháng cuối năm 2020, do tình hình phòng chống dịch Covid-19 từ Chính phủ, việc buôn bán biên mậu vàng diễn ra khó khăn. Điều này đã khiến nguồn cung vàng biên mậu thấp hơn cùng kỳ, nên việc vàng trong nước đắt hơn thế giới là dễ hiểu, ông Hải cho biết:
“Hiện tại, các nhà kinh doanh vàng trong nước đều niêm yết giá mua - bán chênh nhau 500.000-600.000 đồng/lượng. Điều này cho thấy doanh nghiệp vàng bán giá cao nhưng cũng sẵn sàng mua vào với giá cao”.
Đặc biệt là Nghị định 24/2012 khiến thị trường vàng trong nước là một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Đồng thời, chuỗi cung ứng vàng miếng bị đứt đoạn vì thuộc phạm vi độc quyền của Nhà nước. Các doanh nghiệp lớn như SJC, DOJI, PNJ đều phải mua được vàng mới có thể bán được, trường hợp không mua được đủ lượng vàng, doanh nghiệp buộc phải neo giá bán cao. Bên cạnh đó, để chuẩn bị nguồn cung cho ngày vía Thần Tài vừa qua, các doanh nghiệp đã phải mua vào lượng lớn vàng trước Tết với giá cao để làm sản phẩm. Ở thời điểm này, các doanh nghiệp không thể giảm giá bán xuống, nếu không sẽ dẫn tới thua lỗ.
Tất nhiên cũng không thể không tính đến việc giá vàng thế giới giảm chủ yếu do đồng USD tăng. Thế nên các nhà kinh doanh trong nước nhận định rằng giá thế giới chỉ là điều chỉnh kỹ thuật, chưa phản ánh xu thế giảm giá rõ nét của thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hầu hết nhà kinh doanh vàng trong nước vẫn neo giá mua - bán vàng ở mức cao hơn nhiều so với thế giới. Ông Hải cũng đưa ra lời khuyến cáo, với tình hình hiện nay thì đây không phải thời điểm thích hợp để người dân chọn vàng là kênh đầu tư để cất giữ với số lượng lớn. Nguyên nhân do người dân đang phải trả giá quá đắt để sở hữu cùng khối lượng vàng như giá thế giới.