Nền văn minh của loài người phát triển mạnh mẽ bao nhiêu, bệnh truyền nhiễm cũng vậy. Các đại dịch đã tàn phá và reo rắc nỗi sợ hãi từ thời Cổ đại. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với đại dịch con người lại tìm ra được các phương pháp phòng chống hữu hiệu.
Dịch hạch Justinian
Thời gian: Năm 541 - giữa thế kỷ VIII.
Điểm nổi bật: "Con người đã gần như bị diệt vong”
Trận đại dịch hạch đầu tiên được ghi nhận vào năm 541 sau công nguyên, là trận đại dịch hạch Justinian – tên gọi được lấy theo tên Hoàng đế La Mã Justinian I. Trận đại dịch này kéo dài hơn 200 năm, xóa sổ hàng chục triệu người, bùng phát và lan rộng khắp Trung Á, Châu Âu và Địa Trung Hải.
Yersinia pestis, trước đây gọi là pasteurella pestis, là vi khuẩn gây ra bệnh dịch hạch lây do bọ chét và động vật gặm nhấm truyền sang. Dân chúng thời điểm đó tin rằng, dịch hạch là sự trừng phạt của Chúa trời.
Đại dịch “Cái Chết Đen”
Thời gian: Giữa thế kỷ XIV.
Điểm nổi bật: “Sự ra đời của biện pháp cách ly”
Cái Chết Đen (bệnh dịch hạch Bubonic) lan rộng khắp châu Âu, Trung Đông và bắc Phi vào giữa thế kỷ XIV, xóa sổ 1/3 - 1/2 dân số thế giới. Đỉnh điểm trong khoảng thời gian 1346-1351, số lượng người chết ở châu Âu và châu Á lên tới 200 triệu người. Các nhà khoa học cho rằng, Cái Chết Đen lây lan nhanh tại châu Âu qua các tuyến đường thương mại thông qua trung tâm thương mại của Ý vào năm 1347. Tuy nhiên, "Cái Chết Đen" cũng đánh dấu lần đầu tiên biện pháp cách ly được thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh.
Dịch tả
Thời gian: Đầu - giữa thế kỷ XIX.
Điểm nổi bật: “Chiến thắng của khoa học nghiên cứu y tế cộng đồng”
Thế kỷ XIX phải đối phó với 6 trận đại dịch tả. Bắt nguồn từ Ấn Độ, căn bệnh này lần đầu tiên đến châu Âu vào năm 1831 thông qua các con đường quân sự và thương mại. Dịch tả tấn công nước Anh vào năm 1848-1849 đã làm 70.000 người chết, Đại dịch năm 1854 đã cướp đi sinh mạng 1/8 dân số thành phố London. Hiện nay, dịch tả vẫn là một căn bệnh phổ biến và gây chết người ở những nơi mà người dân không có đủ điều kiện vệ sinh và nước sạch.
Bác sĩ người Anh John Snow là người đầu tiên phát hiện ra mối liên hệ giữa điều kiện vệ sinh của nguồn nước và dịch tả. Ông cũng là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực dịch tễ học khi đã xác định được nguồn gốc của dịch tả vào năm 1854. Dịch tả là một trong những bệnh nhiễm trùng đầu tiên được nghiên cứu bằng các phương pháp dịch tễ học.
Dịch đậu mùa
Thời gian: 10000 BC - 1980.
Điểm nổi bật: “Tìm ra vaccine”
Trong hàng thập kỷ, bệnh đậu mùa đã vung lưỡi hái tử thần từ khắp châu Âu, châu Á và cả châu Mỹ, gieo rắc nỗi ám ảnh đối với con người. Tại châu Mỹ, virus đậu mùa đã khiến hàng chục triệu người tại đây thiệt mạng do người bản xứ tại Mexico và Mỹ không có miễn dịch tự nhiên trước loại virus này. Dân số Mexico đã giảm từ 11 triệu người xuống 1 triệu người chỉ trong vòng 1 thế kỷ.
Hàng thế kỷ sau, đậu mùa đã trở thành đại dịch đầu tiên do virus gây nên kết thúc nhờ vào việc tìm ra vaccine. Vào cuối thế kỷ 18, một bác sĩ người Anh tên là Edward Jenner đã đặt nền móng cho việc sử dụng vaccine để ngăn ngừa dịch bệnh với con người. Năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa hoàn toàn bị xóa sổ khỏi Trái Đất.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha
Thời gian: 1918-1920.
Điểm nổi bật: “Chung sống cùng với dịch cúm”
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 là một đại dịch cúm chết người một cách bất thường, vụ dịch cúm đầu tiên của hai đại dịch liên quan đến virus cúm A H1N1. Dịch cúm xảy ra trong giai đoạn xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ nhất khiến 20 - 50 triệu người thiệt mạng.
Năm 1919, dịch bệnh kết thúc do những người nhiễm đã chết hoặc những người nhiễm đã miễn dịch với loại bệnh này. Cho đến nay, dịch cúm Tây Ban Nha vẫn là một dịch bệnh nguy hiểm và gây tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử.
HIV/AIDS
Thời gian: 1980 - nay.
Điểm nổi bật: “Không thể chữa khỏi, không có vaccine”
Hội chứng nhiễm virus làm suy giảm miễn dịch ở người (viết tắt HIV/AIDS), còn gọi là bệnh liệt kháng (tê liệt khả năng đề kháng), là một dạng bệnh tấn công vào hệ miễn dịch, gây ra do bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV).
Hiện tại không có vaccine nào để phòng ngừa lây nhiễm HIV, và cũng không có một liệu pháp nào có thể loại bỏ hoàn toàn vi-rút HIV ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, những người sống chung với AIDS hiện nay có thể kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống bằng liệu pháp điều trị kháng vi-rút, hay còn gọi là ART (viết tắt của Anti- Retroviral Therapy).
Đại dịch cúm H1N1
Thời gian: 2009 - 2020
Điểm nổi bật: “Vaccine ngừa cúm H1N1”.
Đại dịch cúm năm 2009 còn gọi là Dịch cúm H1N1 (2009), "cúm lợn" (hay "cúm heo") là dịch cúm do một loại virus thuộc chủng H1N1 lần đầu tiên được các cơ quan y tế phát hiện vào tháng 3 năm 2009. Sự bùng phát căn bệnh giống như bệnh cúm đã được phát hiện lần đầu ở 3 khu vực thuộc Mexico. Tuy nhiên, dấu hiện này lại không được ghi nhận cho tới khi dịch cúm heo lây lan toàn cầu.
Theo thống kê toàn diện của Tổ chức y tế Thế Giới WHO, số ca nhiễm bệnh được xác nhận trên toàn thế giới là 1,632,258 người, số ca tử vong là 18,036 người (theo con số báo cáo cho WHO từ các quốc gia). Tuy nhiên năm 2012 Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC đã ước tính có tới 284,000 ca tử vong trên toàn thế giới do nhiều người thương vong liên quan đến cúm không được kiểm chứng.
Năm 2009, hai chủng vaccine ngừa cúm H1N1 đã được nghiên cứu và đưa vào sản xuất.
Đại dịch Coronavirus
Thời gian: 2019 - nay
Điểm nổi bật: “Việt Nam là một điểm sáng trong phòng chống dịch Covid-19”.
Thế giới đã trải qua hai đại dịch về coronavirus vào năm 2002-2003 (Sars: Severe Acute Respiratory Syndrome) và năm 2011 (Mers: Middle East Respiratory Syndrome). Trong cả hai lần này, nguyên nhân gây bệnh đều do chủng mới của coronavirus. Cuối năm 2019, thêm một đại dịch do chủng mới coronavirus, được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) và được đặt tên Covid-19 “the coronavirus disease 2019”.
Tính tới thời điểm hiện tại, số lượng người nhiễm Covid-19 lên đến 109.458.593 người, trong đó 2.412.910 người tử vong. Tại Việt Nam, số ca nhiễm - 2.329, điều trị khỏi 1.580 và tử vong - 35 người.
Những ảnh hưởng trên toàn thế giới của đại dịch COVID-19 hiện nay bao gồm: thiệt hại sinh mạng con người, sự bất ổn về kinh tế và xã hội, tình trạng bài ngoại và phân biệt chủng tộc đối với người gốc Trung Quốc và Đông Á, việc truyền bá thông tin sai lệch trực tuyến và thuyết âm mưu về virus.
Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ hai. Con người vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm vaccine và áp dụng các biện pháp phòng chống. Đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới có chung cảm giác chúng ta cần ở bên nhau và phải cùng nhau hành động vì mục tiêu và lợi ích chung. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong cuộc chiến với Covid-19 ở hiện tại mà còn tiếp thêm niềm tin vào sức mạnh tập thể khi thế giới ứng phó với các biến cố trong tương lai./.