Cuộc đảo chính do giới quân sự thực hiện ngày ½ đã làm Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn, khiến thị trường chứng khoán và các ngân hàng bị đóng cửa, các mạng điện thoại và truy cập internet bị đình chỉ ở các thành phố lớn. Giới quan sát nói về khả năng các nhà đầu tư sẽ rút khỏi Myanmar và sẽ tìm kiếm môi trường thay thế. Liệu Việt Nam có thể trở thành lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư rút khỏi Myanmar hay không? Sputnik đã phỏng vấn PGS-TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao về vấn đề này.
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái kinh doanh
Sputnik: Thưa PGS-TS Đặng Hoàng Linh, theo quan điểm của ông, liệu Việt Nam có thể thu hút những nhà đầu tư rời khỏi Myanmar hay không?
PGS-TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao
Một trong những yếu tố tiên quyết đến hoạt động FDI là môi trường chính trị - xã hội của quốc gia. Cuộc đảo chính của quân đội Myanmar chống lại chính quyền dân sự Myanmar vào đầu tháng 2 và tình hình bất ổn định của quốc gia này cho đến thời điểm hiện tại đã tác động ngay lập tức đến hoạt động của các công ty nước ngoài, ví dụ như các tuyên bố ngừng các dự án mới của tập đoàn Amata (Thái Lan) hay hãng xe Suzuki (Nhật Bản).
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt mới mà cộng đồng quốc tế đưa ra với các công ty nước ngoài giao dịch và làm ăn với các công ty Myanmar có mối quan hệ gần gũi với quân đội sẽ là lực cản lớn nhất cho các tập đoàn đa quốc gia muốn làm ăn tại Myanmar.
Tình hình chính trị bất ổn ở Myanmar sẽ kéo dài và không thể giải quyết trong một sớm một chiều, điều đó có thể khiến cho các nhà đầu tư đưa ra quyết định rời khỏi Myanmar. Cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á và có mức tăng trưởng GDP ấn tượng (kể cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19) cùng với các điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam chắc chắn sẽ là một trong số các điểm đến thay thế của các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái kinh doanh có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các công ty đang chuyển bớt chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.
Việt Nam có tiềm năng nổi bật để trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư
Sputnik: Với chính sách và điều kiện hiện nay, chúng ta có thể tin rằng, Việt Nam chắc chắn sẽ là một trong số các điểm đến thay thế. Nhưng trong trường hợp với các nhà đầu tư sẽ rút khỏi Myanmar Việt Nam có phải là lựa chọn số một của họ hay không? Và vì sao?
PGS-TS Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao
Tuy nhiên, xét trong phạm vi của các nước Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều điều kiện và tiềm năng nổi bật để trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. So sánh với Campuchia, khả năng hấp thụ dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam nhiều hơn do có quy mô thị trường lớn. Môi trường đầu tư của Việt Nam có quy mô lớn giúp các quỹ đầu tư dễ dàng tìm kiếm các thương vụ và thoái vốn khi cần.
Các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines cũng có nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện tại, với tình hình chính trị ổn định và đặc biệt là khống chế tốt đại dịch COVID-19, phục hồi tăng trưởng sản xuất khiến cho Việt Nam có thể trở thành “ngôi sao sáng” trong khu vực đối với các nhà đầu tư.
Sputnik: Chân thành cảm ơn PGS-TS Đặng Hoàng Linh đã trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Đọc thêm: