Nhấn mạnh đến yếu tố số hóa nền kinh tế, đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định sẵn sàng hỗ trợ, giúp Việt Nam khắc phục tốt hơn những điểm yếu và duy trì năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững và tận dụng tốt cơ hội phát triển.
Tiếp tục thúc đẩy giải ngân dự án với WB
Sáng 25/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm việc trực tuyến với bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ khách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Cùng dự buổi làm việc tại đầu cầu Việt Nam có bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn trân trọng và đánh giá cao những hỗ trợ quý báu, hiệu quả của WB và bà Victoria Kwakwa đối với Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã tốt nghiệp IDA (tức là dừng vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế IDA), được hưởng một chính sách chuyển đổi phù hợp trong giai đoạn 2016-2020.
Năm 2020, Việt Nam đã phải đối phó với một số đợt bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp chỉ đạo điều hành kịp thời, quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát khá tốt được dịch bệnh và nỗ lực thực hiện mục tiêu kép.
Thời gian qua, WB đã hỗ trợ Việt Nam một số nghiên cứu, tư vấn cho Chính phủ các giải pháp để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19. WB đã góp phần để thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; hỗ trợ tích cực, hiệu quả trong việc triển khai hợp tác Khung hợp tác giữa VPCP và WB về xây dựng Chính phủ điện tử.
Từ khi nối lại quan hệ hợp tác với WB (năm 1993), WB đã tài trợ cho Việt Nam khoảng 25 tỷ USD (gồm cả các vốn vay và viện trợ không hoàn lại).
Nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương và đã hoàn thành ký với WB 12 hiệp định trị giá 2,5 tỷ USD.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cảm ơn bà Victoria Kwakwa đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương gia hạn cho 9 dự án kết thúc trong năm 2020 và một số dự án kết thúc năm 2021, hỗ trợ các dự án tại các bộ và địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả.
Bên cạnh đó, hỗ trợ Việt Nam để kịp thời tiếp nhận khoản hỗ trợ trị giá 84,4 triệu USD trước ngày 15/3/2021, một nguồn lực bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy thực hiện các cam kết khung chính sách về kinh tế vĩ mô.
Về vấn đề giải ngân, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn ODA của Việt Nam nói riêng (trong đó có vốn của WB), Thủ tướng đã chủ trì 2 hội nghị toàn quốc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và 1 hội nghị chuyên đề ODA để thảo luận các giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc cho các dự án và thúc đây giải ngân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị WB phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau cải thiện vấn đề này, tăng hiệu quả cho các dự án WB tài trợ.
Động lực thúc đẩy lợi thế cạnh tranh là số hóa
Nêu ý kiến tại buổi làm việc trực tuyến, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, trong giai đoạn hậu COVID-19, tên gọi của "cuộc chơi" trên thế giới là số hóa. Khi mọi thứ đều chuyển sang dạng số thì Việt Nam cần kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, đi trước, đón đầu, đơn giản các quy trình, cung cấp nhiều hơn nữa dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp... "Tất cả những lĩnh vực này WB đều sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam", bà nói.
Phó Chủ tịch WB nêu 3 vấn đề với Việt Nam: Thứ nhất là quá trình trình phục hồi hậu COVID-19, thứ hai là liên quan đến khung quản lý ODA và thứ ba là danh mục dự án năm 2021 để Việt Nam hoàn thành thủ tục đúng thời gian.
Về phục hồi sau COVID-19, bà Victoria Kwakwa chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thành công ấn tượng trong xử lý khủng hoảng COVID-19. Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chỉ có Việt Nam và Trung Quốc tăng trưởng dương trong năm 2020, vì vậy, theo Giám đốc WB, rõ ràng Việt Nam đã đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua cách thức phản ứng với dịch bệnh.
Mặc dù Việt Nam đã đạt một số lợi thế hậu dịch bệnh COVID-19, nhưng không nên để lùi lại phía sau, cần xem xét những điểm còn hạn chế và giải quyết căn bản thời gian tới.
"Động lực thúc đẩy lợi thế cạnh tranh thời gian tới tiếp tục liên quan số hóa", bà Victoria Kwakwa nhận định, vì vậy Việt Nam cần thúc đẩy lịch trình số hóa. Bên cạnh đó, hậu COVID-19 là cơ hội Việt Nam thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh.
Để hỗ trợ về tài chính cho Việt Nam, WB đang chuẩn bị khung chiến lược hợp tác quốc gia sẽ áp dụng trong vài năm tới. Qua khung hợp tác này, WB sẵn sàng hỗ trợ, giúp Việt Nam khắc phục tốt hơn những điểm yếu và duy trì cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Liên quan đến khung ODA, bà Victoria Kwakwa chúc mừng Việt Nam đã đưa ra định hướng quản lý, sử dụng ODA và các lĩnh vực ưu tiên đầu tư... WB hoan nghênh và mong đợi tiếp tục làm việc với Việt Nam liên quan vấn đề này.
Về danh mục dự án của WB, bà Victoria Kwakwa cho biết, WB hy vọng quá trình xây dựng khung chiến lược hợp tác quốc gia sẽ giúp Việt Nam đến được mục đích mong muốn.
"Danh mục dự án của WB hiện nay có 34 dự án, trị giá khoảng 7 tỷ USD để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển", Phó Giám đốc WB mong muốn hai bên cùng nhau xem xét, tìm ra cách thúc đẩy nhanh quá trình giải ngân, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phục hồi sau COVID-19.
Cảm ơn những ý kiến thực tế của bà Victoria Kwakwa, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, về định hướng ODA, sau khi Việt Nam đã tốt nghiệp IDA, Chính phủ tiếp tục coi tư vấn chính sách và tài trợ tài chính cho các dự án của WB là một nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển.
Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, trong đó xác định rõ nhu cầu sử dụng vốn vay của các nhà tài trợ để ưu tiên đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, quan trọng, tạo ra sự phát triển lan tỏa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện năng lực sản xuất và cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững.
Những vấn đề bà Victoria Kwakwa nêu tại buổi làm việc, VPCP sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo với các bộ, ngành, bởi Việt Nam cần làm tốt hơn nữa thời điểm hậu COVID-19.