Rất khó tìm đối tác để mua lại LG
Ngày 7/4, trang tin Business Korea đăng tải thông tin LG đang muốn bán nhà máy sản xuất smartphone tại Hải Phòng với giá 100 tỷ won, tương đương 90 triệu USD. Do mảng sản phẩm này gây thua lỗ liên tục trong nhiều năm nên đây là bước đi tiếp theo của thương hiệu LG trong việc cắt bỏ mảng sản phẩm này.
Trước đó, ngày 5/4, LG cho biết sẽ rút khỏi thị trường kinh doanh smartphone để tập trung vào các lĩnh vực khác như linh kiện xe điện, thiết bị kết nối, nhà thông minh, robot, trí tuệ nhân tạo, giải pháp B2B cho doanh nghiệp, cùng một số nền tảng và dịch vụ khác.
Trong những nỗ lực nhiều năm qua, dù LG đã đưa ra nhiều phương án tận dụng hoạt động sản xuất tại các nhà máy này nhưng không có giải pháp đột phá. Cụ thể, nhà máy Hải Phòng sản xuất khoảng 10 triệu smartphone mỗi năm, chiếm khoảng một nửa sản lượng điện thoại thông minh của LG. Đây là nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất của LG Electronics, nằm trong Tổ hợp công nghệ LG – Hải Phòng, nơi sản xuất, lắp ráp các dòng TV, điện thoại, sản phẩm gia dụng.
Tuy nhiên sản xuất smartphone không còn là thế mạnh để LG có thể cạnh tranh được với “gã khổng lồ” Samsung hay Apple nữa. Mặc dù, LG từng được coi là đối thủ xứng tầm với Samsung, thế nhưng smartphone LG đã không còn khả năng cạnh tranh trong phân khúc cao cấp, thiết bị giá rẻ lại chịu sức ép từ các hãng Trung Quốc.
Tuy nhiên theo đánh giá của báo chí Hàn Quốc, sẽ rất khó để LG Electronics tìm được đối tác mua lại nhà máy tại Hải Phòng. Nguyên nhân đến từ việc các công ty smartphone ở Việt Nam đều có nhà máy sản xuất. Trong khi đó, các công ty trong nước không đủ khả năng chi hơn 100 tỷ won (khoảng 89,4 triệu USD) để mua lại nhà máy này. Do đó, LG xem xét đến phương án chỉ bán đất ở nhà máy Hải Phòng.
Từ chối bán lại cho Vingroup
Ngoài nhà máy ở Hải Phòng, LG cũng muốn bán nhà máy ở Taubate (Brazil) và Qingdao (Trung Quốc). 2 nhà máy này sản xuất khoảng 8-9 triệu smartphone mỗi năm. Ngay từ đầu, LG được dự đoán sẽ gặp khó trong việc bán dây chuyền sản xuất smartphone.
Trước khi có quyết định rút khỏi thị trường smartphone, một số đối tác cũng ngỏ ý mua lại bộ phận di động của LG Electronics nhưng trong đó Vingroup đưa ra lời đề nghị hấp dẫn nhất. Đến ngày 22/2, Korea Times dẫn nguồn tin giấu tên cho biết thỏa thuận sụp đổ vì không chốt được giá. Các nhà máy sản xuất smartphone tại Việt Nam, Brazil có thể được chuyển đổi sang dây chuyền đồ gia dụng.
Quyết định rời khỏi thị trường smartphone đồng nghĩa dự án điện thoại màn hình cuộn của LG cũng chấm dứt. Trước đó, LG dự kiến ra mắt thêm vài smartphone trong nửa đầu năm nay, nhưng kế hoạch cũng đã bị loại bỏ.