Ngày 10/4, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang xác nhận Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh này vừa tổ chức bán đấu giá công khai khoáng sản cát sông tại 2 mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu.
Theo đó, mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) có trữ lượng khoảng 1,5 triệu khối cát, giá khởi điểm là 4,4 tỷ đồng. Qua đấu giá, mỏ cát này được một doanh nghiệp ở thị xã Tân Châu, An Giang trúng quyền khai thác với giá 273 tỷ đồng, cao hơn 62 lần so với giá khởi điểm.
Bất ngờ nhất là mỏ cát trên sông Tiền có trữ lượng khoảng 3 triệu khối cát được niêm yết giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng, có 19 doanh nghiệp nộp đơn tham gia đấu giá quyền khai thác. Kết quả, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME (quận 7, TP.HCM) đã trúng đấu giá với số tiền gần 2.812 tỷ đồng, tăng hơn gấp 390 lần so với giá khởi điểm.
Các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh cát sông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, với mức giá mà các đơn vị trúng đấu giá với trữ lượng cát đã nêu thì “vô phương” có lãi. Hiện giá cát sông dùng trong san lấp trên địa bàn tỉnh An Giang, cũng như tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 50.000-80.000 đồng/khối. Trong khi đó, doanh nghiệp còn phải gánh chi phí khai thác và thuế.
Ông Trần Thanh Hải, Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết mỏ cát ở sông Hậu và sông Tiền của tỉnh này được đánh giá là lớn nhất miền Tây. Vì vậy, cát ở An Giang không chỉ phục vụ cho các công trình trong tỉnh mà còn được bán cho nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nối về việc doanh nghiệp ở TP.HCM trúng đấu giá mỏ cát sông Tiền với giá gần 2.812 tỷ đồng, ông Hải nhận dịnh, đây là số tiền lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực đấu giá mỏ cát tại An Giang.
Theo ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, doanh nghiệp ở TP.HCM trúng đấu giá mỏ cát sông Tiền với giá gần 2.812 tỷ đồng là phải vượt qua trên 100 vòng đấu giá. Với mức cho phép khai thác mỗi năm 200.000 tấn thì doanh nghiệp được khai thác tối đa là 12 năm.
“Rất nhiều khả năng doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ bỏ quyền khai thác cát. Đối với mỏ cát trên sông Tiền, để có giấy phép khai thác đúng quy định, doanh nghiệp trúng đấu giá phải đóng tiền đợt 1 khoảng 140 tỷ đồng. Còn trong trường hợp doanh nghiệp “bỏ chạy” thì mất tiền cọc 1,4 tỷ đồng”, ông Trí thông tin thêm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, việc đấu giá có dấu hiệu bất thường nên đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, rà soát, tính toán lại, tránh trường hợp đấu thầu “ảo”.