“Người dân địa phương nghe thấy tiếng nổ đầu tiên vào khoảng 3 giờ sáng (03:30 giờ Hà Nội), sau đó lại nghe thấy hai tiếng nổ nữa. Theo lời cư dân của một ngôi làng gần căn cứ, 6 nhân viên Không quân Myanmar đã thiệt mạng”, - thông cáo cho biết.
Hãng tin không cung cấp thêm các chi tiết khác của vụ việc.
Kiểm tra giấy tờ gần nơi xảy ra vụ nổ
Sau vụ nổ, tất cả các lối vào và lối ra của quận Magway đều bị cảnh sát và quân đội phong tỏa, họ cũng kiểm tra rất kỹ giấy tờ của những người lái xe ô tô và xe máy, báo cáo cho biết. Nếu tài xế từ chối xuất trình giấy tờ, cảnh sát và quân nhân sẽ nổ súng. Hãng tin cho biết, tại tu viện Phật giáo Dhamma Vihara gần cầu Magway của thành phố bắc qua sông Ayeyarwaddy, hai nhà sư đi xe máy đã bị bắn và bị thương sau khi họ vô tình đi qua một trạm kiểm tra giấy tờ tùy thân mà không dừng lại.
Nguyên nhân xảy ra vụ nổ
Ba thiết bị nổ tự chế được cho là đã phát nổ tại căn cứ Không quân. Đây là lần đầu tiên ghi nhận về việc sử dụng loại thiết bị nổ này ở Magway.
Trong những tuần gần đây, các cuộc tấn công nhằm vào cá nhân quân nhân và sĩ quan cảnh sát, cũng như nhằm vào các đơn vị quân đội và đồn cảnh sát ở Myanmar có chiều hướng gia tăng. Hồi tháng Hai ở nước này xảy ra đảo chính quân sự. Trong hầu hết các trường hợp, đứng đằng sau các cuộc tấn công có thể là những người chống đối chính quyền quân sự, giờ đây chuyển sang chiến thuật đấu tranh vũ trang, và các đội hình vũ trang của một số dân tộc thiểu số có tư tưởng đối lập.
Đảo chính quân sự ở Myanmar
Phái quân sự Myanmar lật đổ Chính phủ dân sự và nắm quyền ở nước này vào ngày 1 tháng 2, bắt giữ các lãnh đạo dân sự, kể cả Tổng thống Myanmar Win Myint và Cố vấn Nhà nước (trên thực tế là Thủ tướng) Aung San Suu Kyi. Phái quân sự cho rằng họ hành động như vậy bởi kết quả tổng tuyển cử năm 2020 đã bị làm sai lệch mà các cơ quan dân sự không muốn điều tra xác minh. Sau khi lên nắm quyền và ban hành tình trạng khẩn cấp với sự trợ giúp của cơ chế Hiến pháp, các nhà lãnh đạo chính quyền quân quản hứa sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới sau một năm để chuyển giao quyền lực cho bên thắng cử. Những cuộc biểu tình đông đảo chống lại chính quyền quân sự đang diễn ra hàng ngày tại nhiều thành phố của Myanmar. Hơn 70% công chức, kể cả các nhân viên y tế, đã tham gia vào chiến dịch dân chúng bất tuân chính quyền và bỏ việc.