Theo đó, dư luận cho rằng Công an huyện Thanh Oai kỷ luật cảnh cáo, điều chuyển về Công an huyện công tác Đại úy Nguyễn Văn Lâm “là quá nhẹ”, chưa phù hợp. Tuy nhiên, Trung tướng Nguyễn Hải Trung khẳng định “cái gì cũng phải đúng theo trình tự, quy định”.
Giám đốc Công an Hà Nội nói gì về vụ kỷ luật Đại úy vô tư đứng bấm điện thoại?
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày qua, dư luận xôn xao về vụ một cán bộ Công an vô tư đứng bấm, gọi điện thoại, mặc kệ một tài xế xe taxi dù bị đâm trọng thương, vẫn một mình phải vật lộn với tên cướp đặc biệt nguy hiểm.
Theo đó, clip ghi lại cảnh tài xế G7 (Nguyễn Trần Minh, 45 tuổi) bị thương, người dính máu vật lộn với tên cướp bị Công an Thanh Hóa truy nã vì tội giết người (Đặng Phạm Sáu, 51 tuổi) trên đường Cienco 5, đoạn qua khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, chiều 16/5, trong khi một người mặc cảnh phục cảnh sát (Nguyễn Văn Lâm, Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) lại thản nhiên đứng nhìn và bấm điện thoại, không hề giúp đỡ người dân bị nạn.
Thậm chí, quá bức xúc với thái độ thờ ơ của người mặc trang phục Công an, một người dân chứng kiến vụ việc đã lên tiếng chỉ trích người đàn ông là Công an nhưng lại không tham gia giúp khống chế tên cướp, ám chỉ ‘cán bộ này’ không làm tròn bổn phận của người Công an Nhân dân.
“Ông này mặc quần áo Công an mà chả thấy can ngăn gì, chỉ thấy đứng gọi điện, chả thấy hiện tượng gì”, một người quay clip thẳng thắn.
Ngay sau đó, Công an huyện Thanh Oai, Hà Nội, vào cuộc xác minh và có quyết định kỷ luật cảnh cáo, đồng thời điều chuyển công tác đối với Đại úy Nguyễn Văn Lâm, 36 tuổi, cán bộ Công an xã Cự Khê.
Tuy nhiên, sau khi Công an huyện Thanh Oai ra ra quyết định kỷ luật cảnh cáo Đại úy Nguyễn Văn Lâm, điều chuyển lên huyện công tác, dư luận tỏ ra bất bình và cho rằng, hình thức kỷ luật này quá nhẹ.
Là một người chiến sĩ Công an Nhân dân nhưng ông Lâm lại không giúp đỡ công dân trong tình thế nguy cấp, khó khăn, mà lại thản nhiên đứng bấm điện thoại bên lề đường mặc tài xế chống chọi với tên cướp.
Thậm chí còn có ý kiến đề nghị cho Đại úy Lâm ra khỏi ngành vì không xứng đáng phục vụ trong hàng ngũ Công an, không làm tròn bổn phận của một người chiến sĩ, bảo vệ tính mạng, sự an toàn cho người dân.
Trao đổi với báo chí, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho hay, ông đã nắm thông tin về việc dư luận cho rằng việc Công an huyện Thanh Oai kỷ luật cảnh cáo, điều chuyển công tác đại úy Nguyễn Văn Lâm là quá nhẹ và chưa phù hợp. Tuy nhiên, vị lãnh đạo tái khẳng định, kỷ luật cũng phải tuân thủ đúng quy trình, quy định.
“Chúng tôi làm gì cũng phải đúng theo trình tự, quy định. Cán bộ chiến sĩ vi phạm thì phải xử lý. Tuy nhiên, còn phải tuyên truyền, giáo dục, xem xét sắp xếp, bố trí lại cho phù hợp”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói.
Trong khi đó, theo Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, hiện cơ quan chức năng đã nắm được thông tin dư luận.
Tướng Xô khẳng định, ngành Công an sẽ xem xét cho phù hợp. Tuy nhiên, việc này phải làm theo trình tự.
“Hiện cơ quan chức năng đang xem xét vụ việc”, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Đại úy đứng bấm điện thoại tường trình gì?
Ngay trong chiều 17/5, lãnh đạo Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai phải thi hành quyết định kỷ luật đối với Đại úy Nguyễn Văn Lâm.
Công an huyện Thanh Oai, theo đó, kỷ luật cảnh cáo đối với Đại úy Lâm, đồng thời, điều chuyển về Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Ông Lâm bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm trong việc tham gia bắt nghi phạm Đặng Phạm Sáu (51 tuổi, ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) dù chứng kiến người này dùng dao đâm trọng thương tài xế taxi để cướp tài sản nhưng lại không có hành vi can ngăn.
Trong bản tường trình lên cấp trên, Đại úy Nguyễn Văn Lâm cho biết, vào thời điểm xảy ra vụ việc cán bộ này đang trên đường đi làm nhiệm vụ về căn cước công dân.
Giải thích về việc “bấm điện thoại để gọi”, Đại úy Lâm cho hay, khi thấy vụ giằng co, vật lộn và có đổ máu, đã quyết định dùng điện thoại để gọi chi viện từ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.
Khoảng 4 phút sau, lực lượng Công an xã cùng với xe chuyên dụng đã tới hiện trường, dẫn giải nghi phạm Đặng Phạm Sáu về trụ sở Công an, đồng thời phối hợp người dân đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Còn theo lời kể của tài xế taxi G7 Nguyễn Trần Minh (45 tuổi, trú quận Long Biên, Hà Nội), khi ông vật lộn với tên cướp, có một người đàn ông mặc cảnh phục màu xanh của Công an (chính là Đại úy Lâm) chỉ đứng nhìn và bấm điện thoại, không hề giúp đỡ dù nạn nhân liên tục kêu gọi “cướp” và “giúp em với”.
Mọi người xung quanh có mặt nhưng cũng không ai giúp nam tài xế này mà chỉ đứng quay clip. Mãi cho đến khi thấy tài xế Nguyễn Trần Minh đã khống chế được tên cướp, một nam công nhân tới giữ giúp.
Tại cơ quan công an, đối tượng Đặng Phạm Sáu khai do đang bị Công an tỉnh Thanh Hóa truy nã về tội giết người, hắn nghi ngờ tài xế Nguyễn Trần Minh sẽ báo Công an bắt mình nên đã rút dao đâm nạn nhân.
Chiều ngày 17/5, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có Thư khen và thưởng 10 triệu đồng cho anh Nguyễn Trần Minh. Sáng 18/5, Công an TP. Hà Nội đã tặng giấy khen cho anh Nguyễn Trần Minh, tài xế đã khống chế thành công nghi phạm Đặng Phạm Sáu dù bị tên tội phạm đâm bị thương ở ngực.
Công an Hà Nội cũng cho biết còn một người dân tích cực tham gia giúp đỡ anh Minh khống chế bắt giữ tên cướp nhưng hiện chưa xác định được danh tính. Đại diện Công an TP. Hà Nội đề nghị ai biết hoặc trực tiếp chứng kiến vụ việc thì cung cấp thông tin cho lực lượng công an để kịp thời tập hợp đề xuất biểu dương, khen thưởng người có công.
Công an đứng bấm điện thoại kệ dân bắt cướp: Nghiệp vụ kém hay thiếu trách nhiệm?
Ngay sau khi hình thức kỷ luật Đại úy Nguyễn Văn Lâm được công bố, dư luận cho rằng Công an Thanh Oai xử vụ việc này quá nhẹ, chưa phù hợp. Bởi việc một Đại úy Công an vô tư thản nhiên đứng nhìn tài xế taxi bị thương vật lộn với tên cướp thể hiện thái độ vô cảm.
Dư luận thấy phản cảm, khó chấp nhận trước hành vi thờ ơ, không giúp người dân bị nạn của ông Lâm. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh người chiến sĩ Công an Nhân dân.
Bình luận về sự việc này, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cho biết, hành động của Đại úy Lâm là “không chấp nhận dược”, người cán bộ này đã không làm đúng bổn phận, trách nhiệm của chiến sĩ Công an trong tình huống khẩn cấp - tài xế bị thương phải một mình chống lại tên cướp, còn anh Công an lại chỉ đứng bấm điện thoại.
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, đây thực sự là một hành động vô cùng phản cảm, làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ Công an Nhân dân. Dư luận có quyền đánh giá rằng chiến sĩ này đã bàng quan, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước công việc và xứng đáng với hình thức kỷ luật loại ngũ.
Theo chuyên gia này, ngoài những tấm gương cán bộ chiến sĩ công an dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, quả cảm đối diện với hiểm nguy để bảo vệ nhân dân, thì hành động tại hiện trường của đại uý Lâm khiến chính anh em trong lực lượng cũng cảm thấy bức xúc, khó chấp nhận. Tuy nhiên, theo Trung tá Hiếu, đây chỉ là trường hợp hy hữu trong ngành Công an.
Chuyên gia tâm lý tội phạm học phân tích, có khả năng Đại úy Lâm không phải thiếu trách nhiệm mà vì trình độ nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống còn yếu kém. Theo ông Hiếu, kết quả xác minh thể hiện đại uý Lâm đã gọi điện thoại về công an xã xin chi viện lực lượng đến hỗ trợ bắt đối tượng, chứ không phải là không có động thái gì. Do đó, có thể loại trừ nguyên nhân từ thái độ vô trách nhiệm trước công việc, thờ ơ bỏ mặc người dân trong cơn nguy cấp.
Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, đây là trường hợp khẩn cấp, nạn nhân đã bị thương, đang cố gắng vật lộn để bắt giữ đối tượng, sự hỗ trợ từ bên ngoài lúc đó là vô cùng cần thiết. Với trách nhiệm công vụ, lẽ ra đại uý Lâm phải ngay lập tức xông vào hỗ trợ bắt, khống chế đối tượng. Nếu khó khăn, có thể kêu gọi người đi đường tham gia giúp sức khoá trói tên tội phạm. Sau khi khống chế thành công mới gọi điện cho đơn vị cử người ra tiếp nhận.
“Đằng này, đại uý Lâm đã không có những thao tác cần thiết, thể hiện sự yếu kém về nghiệp vụ, lúng túng, bị động, không mưu trí, dũng cảm trong giải quyết công việc”, chuyên gia phân tích.
Trung tá Hiếu nhắc lại, Công an phải là người bảo vệ nhân dân, luôn phải trong tâm thế sẵn sàng hy sinh để cứu người. Về hình thức kỷ luật đối với Đại úy Lâm, Trung tá Hiếu cho rằng, đây là biện pháp cần thiết để siết chặt kỷ cương, đồng thời thể hiện rõ quan điểm của ngành công an là không bao che, dung túng cho sai phạm, tiêu cực.
“Kỷ luật để giáo dục cán bộ, để khắc phục hạn chế nhằm làm tốt hơn công việc được giao”, Trung tá Hiếu nhận định hình thức kỷ luật cảnh cáo tạo cơ hội cho chiến sĩ Lâm sửa chữa khuyết điểm.
Đại úy Nguyễn Văn Lâm không xứng đáng đứng trong hàng ngũ ngành Công an?
Tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, cho rằng, Đại úy Công an Nguyễn Văn Lâm đang thực hiện nhiệm vụ của người Công an nhưng khi chứng kiến người dân bị thương cố vật lộn với tên cướp mà đại úy chỉ đứng bấm điện thoại mà không lao vào bắt giữ là không thể chấp nhận được.
“Bắt cướp là nhiệm vụ, trách nhiệm của công an để bảo vệ tính mạng sức khỏe cho dân chứ không phải công an giúp dân bắt cướp”, nguyên Phó Chánh tòa tối cao nói.
“Hành động thiếu trách nhiệm của đại úy này làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người chiến sĩ công an, gây hình ảnh phản cảm trong dư luận xã hội. Đại úy này không xứng đáng là người chiến sĩ công an. Cần phải tước danh hiệu công an nhân dân để xây dựng lại hình ảnh người chiến sĩ công an trong mắt nhân dân”, Trung tướng Trần Văn Độ thẳng thắn.
Theo tướng Độ, cần có một hình thức kỷ luật nặng hơn đối với Đại úy Lâm.
“Thậm chí trong trường hợp nếu nạn nhân chết, Đại úy này còn bị truy cứu trách nghiệm hình sự”, Tướng Trần Văn Độ cho biết.
Một số luật sư cho rằng, dù là “hy hữu” nhưng hành vi của Đại úy Lâm không xứng đáng với tư cách một người chiến sĩ Công an Nhân dân, bởi đây là lời thề danh dự của người Công an. Nhưng những gì Đại úy Lâm thể hiện ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh ngành Công an.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, vụ Đại úy Lâm đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng theo ông mức xử lý kỷ luật này chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính nghiêm khắc để giáo dục. Theo luật sư, cần đánh giá một cách toàn diện về tính chất của hành vi và mức độ hậu quả gây ra đối với xã hội để xem xét lại hình thức xử lý kỷ luật một cách thực sự phù hợp, tương xứng.
“Ngành Công an cần có nhiều biện pháp tích cực hơn nữa để siết chặt kỷ cương trong ngành, nâng cao nhận thức, tư tưởng của đội ngũ chiến sĩ công an nhân dân, góp phần ổn định trật tự - xã hội đất nước và tránh những vụ việc đáng tiếc như trên”, luật sư nhấn mạnh.